Tả quân Quận công Lê Văn Duyệt (1764 – 1832) là một công thần trụ cột của nhà Nguyễn. Ông đã theo tòng chúa Nguyễn Phúc Ánh từ năm 17 tuổi, cùng với chúa Nguyễn Phúc Ánh và các tướng lĩnh khác lấy thành Bình Định, chiếm thành Phú Xuân, thu đất Bắc Hà về cho nhà Nguyễn, giữ chức Tổng trấn Gia Định Thành 2 lần: từ năm 1812 đến năm 1815 (triều vua Gia Long) và từ năm 1820 đến năm 1832 (triều vua Minh Mạng). Thế nhưng điều đáng nói trong cuộc đời của Lê Văn Duyệt chính là bản án mà triều đình đã giáng xuống ngôi mộ của ông.
|
Mộ song táng tả quân Lê Văn Duyệt và phu nhân.
|
Từ khi con nuôi Lê Văn Duyệt là Lê Văn Khôi nổi loạn chiếm thành Phiên An (tức thành Gia Định) vào năm 1833, vua Minh Mạng thường ban trách Lê Văn Duyệt, dù ông đã mất. Năm 1835, sau khi triều đình dẹp xong cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi, Phan Bá Đạt ở Đô Sát viện dâng sớ kể tội Lê Văn Duyệt, xin truy đoạt quan chức, vợ con phải giải về Hình bộ xét tội. Minh Mạng dụ cho đình thần nghị xử. Vài hôm sau có nhóm nội các là Hà Quyền, Nguyễn Tri Phương và Hoàng Quýnh nghị tội Lê Văn Duyệt có sáu điều, được vua ưng chuẩn giao đình thần kết án. Án nghị Lê Văn Duyệt có bảy tội phải chém, hai tội phải thắt cổ, một tội phải sung quân. Nhưng trong suốt quá trình làm quan, Lê Văn Duyệt và Minh Mạng đã có nhiều mâu thuẫn.
Trước khi có biến cố thành Phiên An do Lê Văn Khôi gây ra thì mối quan hệ giữa vua Minh Mạng và Lê Văn Duyệt vẫn rất bình thường, thậm chí Lê Văn Duyệt còn là một trong những vị quan được vua Minh Mạng nể trọng. Sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ”, Quyển 64 năm Minh Mạng thứ 11 (1830) có chép: Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt dâng sớ xin về Kinh thành chúc thọ. Vua dụ rằng: “Xem lời trong sớ đủ thấy tấm lòng thành của khanh. Nhưng nghĩ khanh nay tuổi đã già yếu lại vừa mới khỏi ốm, chính nên tĩnh tâm để điều dưỡng. Vả lại, Gia Định là trọng trấn của một phương, khanh nên lưu lại làm việc, gia tân trù biện để Trẫm khỏi phải lo nghĩ về phương Nam. Như thế hơn việc chúc thọ ở khuyết đình nhiều lắm”.
Thế nhưng, khi Lê Văn Duyệt đã mồ yên mả đẹp, một kỳ án có một không hai trong lịch sử đã xảy ra. Vua Minh Mạng quyết định cho san phẳng mộ Lê Văn Duyệt, dựng bia đá trên khắc 8 chữ: “Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ” - Chỗ hoạn quan lộng quyền Lê Văn Duyệt chịu tội chết.
Sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ”, Quyển 162, năm Minh Mạng thứ 16 (1835) chép về tội án của Lê Văn Duyệt như sau: Duyệt vì lời nói và việc làm bội nghịch, có 7 tội đáng chém: 1- Sai người riêng của mình sang Diến Điện kết ngoại giao ngầm. 2- Xin đưa thuyền Anh Cát Lợi đến kinh thành để tỏ mình có quyền. 3- Xin giết Thị vệ Trần Văn Tình để khóa miệng người khác. 4- Dâng sớ chống lại mệnh vua, có xin cho viên quan đã bổ thụ đi nơi khác được lưu lại và điều một viên quan đi làm việc khác khi đã có chiếu chỉ tuyên triệu. 5- Kết bè đảng và xin cho Lê Chất được thêm tuổi thọ. 6- Dấu riêng những giấy đóng sẵn ấn Ngự bảo. 7- Gọi mộ tiên nhân là “lăng”, đối với người tự xưng là “cô”…
|
Sách “Đại Nam thực lục” phản ánh vụ án Lê Văn Duyệt.
|
Vua dụ rằng: “Thế đủ thấy lẽ trời sáng tỏ công khai, đạo công tồn tại ở ta thực không thể bưng bít. Kẻ quyền gian gây vạ cả thiên hạ đều giận, mọi việc ác đều dồn vào, muôn miệng cùng nói như một, đủ tỏ là cái án đích xác, nghìn năm bất dịch. Vả, tội của Lê Văn Duyệt đếm tội cũng không kể hết, nói đến đau lòng, dù bổ áo quan mà phanh thây cũng không oan. Song nghĩ, hắn chết đã lâu, trước chịu tội âm rồi, lại đã truy đoạt quan tước nắm xương khô trong mả nay cũng chẳng thèm gia đình.
Vua Minh Mạng sai Đốc phủ Gia Định lập tức san mồ mả thành đất phẳng, dựng bia đá ở trên khắc 8 chữ: “Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ” - Chỗ hoạn quan lộng quyền Lê Văn Duyệt chịu tội chết. Ý đồ của Minh Mạng là “Để nêu rõ tội danh sau khi chết mà làm sáng tỏ phép nước về sau này và để làm gương răn cho những kẻ quyền gian muôn đời… Đạo dụ này cho sao lục phát đi trong kinh và ngoài các tỉnh mỗi nơi một bản khiến cho ai nấy đều biết triều đình thi hành pháp luật một mực chí công, rõ ràng cân nhắc lưỡi gươm ba thước, nghiêm cẩn nêu cao rìu búa nghìn thu”.
Mộ Lê Văn Duyệt ở Gia Định bị cuốc bằng và bị xiềng xích. Các ngôi mộ cha mẹ ông bị đục bỏ tước hiệu khắc trên bia. Vụ án Lê Văn Duyệt khép lại để lại nhiều ẩn khuất. Có lẽ ở bên kia thế giới, Lê Văn Duyệt cũng không biết được rằng khi ông mất đi, đã có một bản án được thực hiện ngay trên ngôi mộ của mình. Cũng cần nói rằng, đây là vụ án có một không hai trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam nói chung và lịch sử vương triều Nguyễn nói riêng.