Lá số thời điểm trước bầu cử năm 1967 và lá số sau khi Thiệu làm tổng thống có khác biệt chút ít. Lá số sau, chân mạng thiên tử của Thiệu “tỏa sáng” hơn lá số trước.
Lá số tử vi số 2 xuất hiện ngay trước thềm bầu cử lần 2
Lá số thứ hai này diễn giải Nguyễn Văn Thiệu sinh vào nửa đêm (giờ Tý) ngày 24/12/1924, tức ngày 28/11 âm lịch, nhằm vào ngày Đinh Sửu, tháng Bính Tý của năm Giáp Tý. Theo "tử vi đẩu số" thì Nguyễn Văn Thiệu không chỉ "trùng tam tý" mà còn "trùng tứ quý mệnh" mang cung Viên cũng nằm ở Tý.
Theo tử vi đẩu số thì "tứ tý, tứ quý mệnh" gồm: Nhất quý đế vương; Nhị quý hiển danh; Tam quý trường thọ; Tứ quý tài lộc. Có nghĩa là Thiệu sẽ làm vua, nổi tiếng, sống lâu và giàu có suốt đời, mãn kiếp. Bây giờ có thêm "Tứ tý" thì Thiệu có thêm cung mạng "tứ linh" tức lúc nào xung quanh Thiệu cũng có 4 linh vật độ trì: Long, Lân, Quy, Phụng. Căn cứ vào đó thì ai theo phò tá trung thành với Thiệu sẽ mang thêm chân mạng của 1 trong 4 linh vật.
Cũng theo lá số thứ hai, Thiệu mang mạng Kim, lại rơi vào cung Thủy là đắc cát (may mắn). Năm 1965, Thiệu bước vào tuổi 41, đi vào cung Thổ, mà Thổ lại sinh Kim nên gặp "Khoa, Quyền, Lộc, Binh, Hình, Tướng, Ấn" (Tức đắc cử, có quyền, có lộc, cầm binh, giữ luật, hàm tướng, có chức vị cao nhất). Nhờ đó, vào năm 1965, Thiệu giữ chức Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia - Quốc trưởng rồi sau đó lên chức Tổng thống.
Với cách giải lá số tử vi như vậy thì Nguyễn Văn Thiệu quả là con nhà trời sai xuống trần gian nắm vận mạng cả thế giới chứ không chỉ riêng miền Nam Việt Nam.
Nhiều người nêu thắc mắc, mang chân mạng lớn như vậy, sao Thiệu không được đầu thai vào gia đình danh gia vọng tộc để dễ dàng leo lên ngai rồng mà lại ra đời trong một gia đình nghèo rớt mồng tơi ở Ninh Thuận? Chiêm tinh gia Huỳnh Liên đổ thừa: Vì thực dân Pháp trấn yểm dinh Độc Lập nên chân mạng thiên tử của Thiệu phải đầu thai nhằm gia đình nghèo. Nếu không bị trấn yểm, có khi Nguyễn Văn Thiệu là con trai vua… Hàm Nghi (?!).
Huỳnh Liên tổ chức họp báo gồm những ký giả chuyên viết "tin bàn đèn" tại sân dinh Độc Lập. Ông ta huyên thuyên giải thích: "Hình ảnh lá cờ ba que bay chấp chới dưới tầng 1 giống như lửa tam muội đốt dinh. Phải dời lá cờ lên trên nóc. Cần xây thêm một hàng vòi phun nước thẳng lên để … dập lửa tam muội".
Thật ra, lúc đó ông hàm ý Nguyễn Cao Kỳ "đốt cháy" dinh Độc Lập. Bởi theo Hán tự, "kỳ" là "cờ". Đó là lý do sau khi Nguyễn Cao Kỳ được làm Thủ tướng nhưng Thiệu nài nỉ Kỳ đừng dọn vào dinh ở. Nguyễn Cao Kỳ đành thu xếp một chỗ trong sân bay Tân Sơn Nhất làm văn phòng làm việc và ở luôn cho đến năm 1975.
Đó là lý do, cột cờ được dời lên sân thượng dinh Độc Lập.
Một hôm Thiệu triệu Huỳnh Liên vào phủ đầu rồng chìa ra một bản vẽ bản đồ miền Nam Việt Nam. Trên bản đồ, Thiệu vẽ sẵn một hình chữ T. Điểm gốc xuất phát từ Ninh Thuận - quê hương của Thiệu. Điểm ngọn là dinh Độc Lập. Từ dinh Độc Lập có 3 nhánh nhỏ chìa ra. Điểm cuối của 3 nhánh nhỏ ấy là Hồ Con Rùa, Nhà thờ Đức Bà và một dinh thự nằm trên đường Công Lý (tức đường Nguyễn Văn Trỗi ngày nay). Nếu ai hiểu phong thủy, kết nối các điểm ấy với nhau sẽ thấy đó là hình của cụm sao Vua. Chiêm tinh gia như Huỳnh Liên cũng bái phục tài chiêm tinh của Thiệu.
Tuy nhiên, sau khi lật tới lật lui bức đồ hình, Huỳnh Liên đề nghị Thiệu kéo thêm 1 đường gạch thẳng xuống đồng bằng sông Cửu Long kèm thêm phân tích: "Với đồ hình này, tổng thống chỉ làm vua từ miền Trung tới Sài Gòn thôi. Cần kéo dài đến miền Tây Nam Bộ. Với đồ hình kéo thêm về miền Tây thì chữ "chủ" sẽ hiện rõ. Trong chữ chủ có chữ vương. Nếu làm vua mà không làm chủ thì mất quyền vào tay Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ, tổng thống thành ra kẻ ngồi làm hình nộm. Nếu vừa vương vừa chủ thì tổng thống mới đích thật có quyền hành trong tay. Vả lại, đồ hình chữ chủ gần giống với mũi tên hướng về miền Bắc". Nghe Huỳnh Liên diễn giải, Thiệu mát ruột đồng ý ngay.
Ngay lập tức, Thiệu cho gọi một sĩ quan công binh vào dinh Độc Lập bằng một công điện "tuyệt mật".
Viên sĩ quan này được Thiệu trực tiếp ra lệnh: "Em tuyển một số lính có biểu hiện sợ chết, đào ngũ để thành lập một đơn vị đặc biệt. Đơn vị đặc biệt này sẽ thực hiện một loạt nhiệm vụ đặc biệt tối mật theo sự hướng dẫn của một chuyên gia từ Hồng Kông trở về. Em chỉ được phép thực hiện chứ không được phép hỏi". Đó là lý do sau này người ta đồn Huỳnh Liên là thầy phong thủy gốc Hồng Kông.
Tuy đồ hình phong thủy trấn yểm long mạch cho vận mạng "quốc gia" nhưng lại mang tính chất cá nhân cho Thiệu. Những vị trí được đánh dấu trấn yểm trên bản đồ gồm 5 vị trí: Dinh Độc Lập; Thư viện Quốc gia; Nhà thờ Đức Bà; núi Mặt Quỷ ở Ninh Hải, Ninh Thuận (quê hương của Thiệu); tư dinh của Thiệu (số 81, Trần Quốc Thảo ngày nay) và một khu vườn sát quốc lộ ở trung tâm quận Thốt Nốt, Long Xuyên (ngày nay Thốt Nốt thuộc Cần Thơ).
Trong 5 vị trí phong thủy đó, cụm "long mạch" dinh Độc Lập quan trọng nhất, bao gồm: Dinh Độc Lập (đầu rồng - Long); Thư viện Quốc gia (chân và mình rồng - Lân); Nhà thờ Đức Bà (chân và mình rồng - Phụng) và Hồ Con Rùa (đuôi rồng - Quy).
|
Hồ Con Rùa ngày nay.
|
Giải mật đồ hình Hồ Con Rùa
Nếu nhìn từ khía cạnh địa lý thì vị trí đất dinh Độc Lập và Hồ Con Rùa là 2 gò nổi cao nhất trong khu vực.
Thầy bói Huỳnh Liên khẳng định, con rồng nằm dưới dinh Độc Lập quẫy đạp nên Diệm mới bị đảo chính và bị giết. Để con rồng dinh Độc Lập không quẫy đạp nữa, cần phải dùng pháp thuật đóng đuôi rồng xuống đất cho nó nằm im chịu phép.
Một ngày cuối năm 1970, Hồ Con Rùa được khởi công xây dựng gấp gáp ngay tại vị trí cổng thành Khảm Khuyết thuở xưa. Giữa trung tâm hồ nước tròn là một đài tưởng niệm cao có hình cánh hoa xòe. Theo Huỳnh Liên, đó là cây đinh đóng ghim đuôi rồng xuống đất cho nó đừng vùng vẫy. Dưới chân đài có đúc một con rùa lớn bằng kim loại đội tấm bia đá ở trên lưng. Tấm bia đá khắc tên nhiều quốc gia.
Là đà trên mặt hồ nước là 3 đường hình bán nguyệt, 1 đường hình dấu hỏi giao nhau dưới chân "cây đinh". Từ trên cao nhìn xuống, 4 lối đi trên mặt nước tạo thành một đồ hình giống lá bùa. Năm 1972, công trình Hồ Con Rùa hoàn thành và được đổi tên thành Công trường Quốc tế nhưng dân Sài Gòn vẫn thích gọi đó là Hồ Con Rùa.
Cho đến tận bây giờ nhiều người vẫn đặt dấu hỏi, 4 con đường trên mặt nước là chữ bùa gì? Người thì đoán đó là chữ "Trấn thần" theo chữ Phạn. Theo giới pháp sư Xiêm, Lèo, Trà Kha chuyên sử dụng chữ Phạn vẽ thần phù thì 4 con đường đó chỉ hao hao thôi chứ không giống.
Người thì đoán đó là chữ "gạo" theo Hán tự cách điệu. Vì Thiệu tuổi tý, trấn phù bằng chữ "gạo" thì kể như "chuột sa hũ gạo", sống giàu sang, thụ hưởng suốt đời. Tuy nhiên, xoay dọc ngang, đồ hình đó cũng chỉ hao hao chứ không đủ nét để tạo thành chữ gạo.
Sau năm 1975, thầy Huỳnh Liên đói khổ đã đổi vài ký gạo để tiết lộ với một người nguyên là thiếu tá thủy quân lục chiến Việt Nam Cộng hòa định cư ở Cali về thăm quê hương rằng: "Nó chẳng mang chữ gì cả. Đầu rồng nằm ở dinh Độc Lập. Thân rồng chạy dọc theo đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa xuống bến Bạch Đằng rồi ẹo lên theo đường Đồng Khởi, đi qua Nhà thờ Đức Bà để đuôi rồng nằm ở Hồ Con Rùa. Những lối đi ấy là rẻ quạt đuôi rồng. Những rẻ quạt ấy từ xương cụt của đuôi rồng tủa ra theo đường tròn rồi tụ về hướng đường Võ Văn Tần. Do tôi vẽ tồi nên cái rẻ quạt đuôi rồng không được giống lắm". Hóa ra, cái đồ hình của Hồ Con Rùa chẳng có ý nghĩa gì hết. Ấy vậy mà nhiều người tin đến sái cổ.
Cũng thời điểm 1971, Nguyễn Văn Thiệu còn nhờ Huỳnh Liên trấn phong thủy để đặt "hậu điện vua" ở quê nhà Ninh Thuận.
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên đã xảy ra vào cuối năm 1974. Khi đó, các mặt trận Tây Nguyên, miền Đông được quân ta giải phóng ào ạt. Bỗng dưng, vùng núi Đá Chồng có hiện tượng "bão côn trùng". Cào cào, châu chấu, sâu bướm sinh sôi nảy nở bay thành từng đàn lớn rợp cả bầu trời. Chưa hết, một buổi chiều mưa, sét đánh vỡ ngọn Đá Dao làm đôi. Đá Dao lăn xuống bứng gốc 3 hòn đá mặt quỷ. Thế là Đá Dao lẫn Mặt Quỷ không còn.
Đầu năm 1975, quân ta giải phóng Sài Gòn. Được dịp, các thầy bói càng tin tưởng vào việc Thiệu trấn yểm cung mạng. Năm 1975 là năm Ất Mão. Họ cho rằng tuối Giáp Tý của Thiệu kỵ Ất Mão. Con mèo làm thịt ăn sống con chuột nên Thiệu phải ra đi.
Cùng trong năm xây dựng miếu Văn Thánh trấn hòn Đá Dao, Thiệu còn cho trồng 5 trụ đá theo thế "ngũ long trấn phục" ở dinh thự số 81, đường Trần Quốc Thảo, quận 3 ngày nay. Đó là dinh thự được giao cho Thiệu làm nhà ở. Thiệu sợ ám sát, không dám ở bên đó nên giao cho bà mẹ vợ. Lấy cớ trồng 5 trụ đá trấn yểm vận mệnh quốc gia, Thiệu cắt cử một toán cảnh sát dã chiến đến canh giữ. Xem như mẹ vợ của Thiệu được bảo vệ mà không tốn một xu thuê người.
Sau năm 1975, chính quyền cách mạng tiếp quản dinh thự đó làm nhà tang lễ. Thấy những trụ đá ngăn cản lối đi, nhân viên nhà tang lễ nhổ bỏ 4 trụ. Họ chừa 1 trụ nằm ở góc tường nhà bên trái làm miếu nhang khói cúng vong. Khi nhà tang lễ dời đi, biệt thự này trở thành trụ sở Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật TP HCM. Ngôi miếu này vẫn tồn tại. Mới đây, trụ sở này được phá dỡ xây mới. Cái miếu - trụ đá trấn yểm bị phá bỏ.
Tại trung tâm Thốt Nốt, Cần Thơ, Thiệu cũng cho xây một ngôi miếu nhỏ trồng 5 trụ đá giữa một khu vườn cây ven quốc lộ 91 rồi cắt cử một lính nghĩa quân canh gác, hương khói. Thật ra, đó là miếng đất Thiệu mua khi còn là Tư lệnh Quân khu 4. Ông ta dự tính, nếu mất Sài Gòn, ông ta sẽ về Cần Thơ trú ngụ và đó sẽ là nơi xây dinh thự. Sau năm 1975, cái miếu này bị phá bỏ và chính quyền xây thành Trung tâm Giáo dục dạy nghề.
|
Hồ Con Rùa chụp từ vệ tinh giống như lá bùa.
|
Sự thật…
Người ta chỉ biết sự thật về ngày sinh khi Nguyễn Văn Thiệu kết thúc kiếp người vào ngày 29/9/2001 tại Boston, Massachusetts, Mỹ. Đến lúc này người ta mới giật mình vỡ lẽ khi thấy vợ con ông ta ghi ngày sinh của ông trên bảng cáo phó khác hoàn toàn so với những lần ông công bố trước đây.
Ngày sinh thật của Nguyễn Văn Thiệu là ngày 5/4/1923, chứ không phải ngày 24/12/1924 như ông khai trong hồ sơ cá nhân và thường khoe ầm ĩ.
Theo lời kể của bà mẹ ông thì ông chào đời vào giờ Dần. Chiếu theo tử vi thì đó là giờ Dần, ngày Mậu Thân, tháng Ất Mão, năm Quý Hợi. Theo đó thì lá số tử vi của ông xấu đến tàn tệ: Tứ hành xung khắc. Tức mệnh yểu, bất tài, độc ác và háo sắc. Theo những ông thầy tử vi thì nhờ năm sinh thật thuộc về mạng "quý" nên ông không thành cướp cạn hoặc tử trận từ thời mới mang lon thiếu úy.
Thiệu không làm "vua" suốt đời mà chỉ tồn tại 10 năm. Năm 1975, trước sự sụp đổ về chính trị lẫn quân sự, ngày 21/4, Thiệu lên truyền hình mếu máo khóc, xin từ chức. Nửa đêm ngày 25/4, ông ta đùm túm vợ con, bí mật rời Sài Gòn lên máy bay chuồn sang Đài Loan sống lưu vong. Những ngày cuối đời, ông mò sang Mỹ và qua đời ngày 29/9/2001. Đến lúc đó, người ta mới thấy cuộc đời Nguyễn Văn Thiệu hoàn toàn dỏm, từ ngày sinh tháng đẻ cho đến cái chức tổng thống.
Sau năm 1975, Huỳnh Liên rời Sài Gòn về Vĩnh Phú, Lái Thiêu, Bình Dương sống với bà vợ út, tránh mặt thế gian với cái tên cúng cơm là Trần Thanh Sỹ. Một ngày đầu tháng 10/1982, ông bị 2 gã cháu vợ dùng dây điện siết cổ đến chết để chiếm đoạt số vàng ông cất giấu. Tuy nhiên, họ chẳng tìm được món gì có giá trị. Vụ án nhanh chóng được công an địa phương khám phá. Kẻ thủ ác ra tòa lãnh án.
Do không bói nổi hậu vận cho mình nên "chiêm tinh gia phủ đầu rồng" không kịp hiểu vì sao mình chết thảm như vậy!