Những vị “hoàng đế con nít” nổi danh trong sử Việt (2)

Google News

(Kiến Thức) - Cuộc hôn nhân giữa “nữ hoàng nhi đồng” Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh, người sau đó thành “hoàng đế trẻ con” là một biến cố hi hữu trong lịch sử VN.

Kỳ 2: Cuộc chuyển giao quyền lực giữa hai “đứa trẻ”

Nữ hoàng đầu tiên và duy nhất của Việt Nam

Lý Chiêu Hoàng (1218-1278), là con gái thứ hai của vua Lý Huệ Tông, tên húy là Phật Kim, sau đổi là Thiên Hinh, tước hiệu là Chiêu Thánh công chúa. Bà sinh ra trong bối cảnh triều đình nhà Lý đã rệu rã, mọi quyền hành đều rơi vào tay họ Trần mà đứng đầu là Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ, một quyền thần có rất nhiều thủ đoạn chính trị.

Lý Huệ Tông không có con trai nối ngôi, lại bị họ Trần chi phối nên bất đắc chí mà chìm ngập trong rượu chè và sinh bệnh tâm thần. Sử sách ghi, có khi vua tự xưng là Thiên tướng giáng sinh, tay cầm giáo và mộc, cắm cờ nhỏ vào búi tóc, đùa múa từ sáng đến chiều không nghỉ

Năm 1224, Trần Thủ Độ ép vua Lý Huệ Tông đi tu ở chùa Chân Giáo. Do Lý Huệ Tông không có con trai, ông phải xuống chiếu lập công chúa Chiêu Thánh làm Thái tử, rồi truyền ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo, gọi là Lý Chiêu Hoàng.

Khi mới 6 tuổi, Lý Chiêu Hoàng trở thành vị vua thứ 9 của nhà Lý, đồng thời là nữ hoàng đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Việt Nam. Đây là trường hợp chưa từng có tiền lệ trong sử Việt.

Trước đó, do quan niệm “Nữ nhân ngoại tộc”, trong trường hợp vua không có con rtai thì sẽ nhận con cháu trong hoàng tộc để truyền ngôi chứ không bao giờ nhận con gái. Điển hình là trường hợp vua Lý Nhân Tông truyền ngôi cho Lý Thần Tông, vốn là con của Sùng Hiển Hầu, em ruột của vua.

Ngồi ở ngôi báu khi mới còn quá nhỏ tuổi, không hề có kinh nghiệm về chính trị, trên thực tế Lý Chiêu Hoàng trở thành tấm bình phong cho Trần Thủ Độ thao túng triều chính. Mặc dù trong hoàng tộc nhà Lý thời điểm đó vẫn còn những nhân vật tên tuổi như Lý Long Tường, Lý Quang Bật… nhưng thế lực của họ không mạnh để đối đầu với họ Trần.

Việc lên ngôi lạ lùng của Lý Chiêu Hoàng là khởi đầu của một màn kịch hoành tráng và độc nhất vô nhị trong lịch sử Việt Nam.

 Lý Chiêu Hoàng. Ảnh minh họa.

Cuộc hôn nhân chính trị Trần Cảnh - Lý Chiêu Hoàng

Trần Cảnh tên thật là Trần Bồ,sinh năm 1218, là con của Trần Thừa (anh họ Trần Thủ Độ). Do dung mạo khôi ngô tuấn tú và có tư chất thông minh, Trần Cảnh đã “lọt mắt xanh” của Trần Thủ Độ. Năm 8 tuổi, ông được được đưa vào cung làm Chánh thủ hầu hạ Lý Chiêu Hoàng để phục vụ âm mưu chính trị của ông chú.

Ngay từ buổi đầu gặp gỡ, Lý Chiêu Hoàng đã tỏ ra ưa thích Trần Cảnh. Bản thân Trần Cảnh rất biết giữ lễ vua tôi, hết mực cung kính khi đối đáp và phục vụ nữ hoàng nhỏ tuổi.

Một năm sau khi Lý Chiêu Hoàng ở ngôi, Trần Thủ Độ nhận thấy thời cơ đã chín muồi. Ông thực hiện một nước cờ hiểm: thuyết phục Lý Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh. Đến đây, âm mưu đoạt ngôi nhà Lý của Trần Thủ Độ đã được thực hiện một nửa.  

Theo quan niệm truyền thống, phụ nữ đã lấy chống thì phải phục tùng chống chứ không thể đứng trên chồng. Đó là cơ sở để vị Thái sư đã ra đòn quyết định: ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh. Vào đầu năm 1225, Lý Chiêu Hoàng viết chiếu nhường ngôi cho chồng. Trần Cảnh chính thức lên ngôi vua, lấy miếu hiệu là Trần Thái Tông. Trần Thủ Độ sau đó được phong làm Thái sư - chức quan cao nhất trong triều đình phong kiến Việt Nam.

Đến đây, màn kịch chính trị mà Trần Thủ Độ làm đạo diễn, Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng là hai diễn viên chính đã diễn ra một cách hoàn hảo. Bằng mưu lược của mình, ông đã biến việc đại sự quốc gia như nhường ngôi thành chuyện vợ chồng trong nội bộ gia đình và đoạt ngôi nhà Lý một cách nhẹ nhàng.

Với sự giúp sức của Trần Thủ Độ, trong thời gian Trần Thái Tông ở ngôi, đất nước Đại Việt ngày càng trở nên hùng mạnh và thịnh vượng. Ông ông ở ngôi hơn 32 năm (1225 - 1258) và làm Thái thượng hoàng cho đến khi mất (1277).

Đoạn kết cuộc tình “nữ hoàng nhi đồng” - “hoàng đế trẻ con”

Dù đến với nhau như những quân cờ dưới bàn tay của Trần Thủ Độ, nhưng giữa cựu nữ hoàng Lý Chiêu Hoàng và vua trẻ tuôi Trần Thái Tông đã nảy sinh tình cảm thực sự.

Sau khi nhường ngôi cho chồng, Lý Chiêu Hoàng đã được lập làm Hoàng hậu Chiêu Thánh. Bà chung sống với Trần Thái Tông hơn 10 năm, tình cảm khá mặn nồng, được Trần Cảnh vua yêu thương hết mực.

Nhưng một lần nữa Trần Thủ Độ lại can thiệp thô bạo và làm cuộc sống của bà bị đảo lộn.

Vì lấy nhau 12 năm nhưng Hoàng hậu Chiêu Thánh không có con, Thái sư Trần Thủ Độ đã ép Trần Cảnh phải bỏ Chiêu Thánh để lấy chị dâu (vợ Trần Liễu, chị ruột Chiêu Thánh) là công chúa Thuận Thiên đương có mang 3 tháng. Chiêu Thánh bị phế bỏ ngôi vị hoàng hậu, lui về ẩn mình trong cung cấm, toan dứt nợ trần tục.

Cuộc đời chỉ tươi sáng hơn khi 20 năm sau, khi đã ở độ tuổi 40, Chiêu Thánh được vua Trần Thái Tông đem gả cho Lê Phụ Trần, một đại tướng có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ.

Mặc dù việc làm của nhà vua bị người đời chê trách, nhưng bản thân cựu vương Lý Chiêu Hoàng đã tìm được một niềm hạnh phúc mới. Bà và Lê Phụ Trần đã có một cuộc sống yên ấm và đầy tình yêu thương. Họ đã có với nhau hai đứa con, sau này đều trở thành những người thành công trong sự nghiệp.  

Lý Chiêu Hoàng mất năm 1278, khi 61 tuổi. Tương truyền ở tuổi lục tuần bà vẫn giữ được những nét xuân sắc hiếm có từ thời thiếu nữ…

TIN BÀI LIÊN QUAN

BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Hoàng Phương

Bình luận(0)