Tiềm ẩn ung thư từ tấm lợp amiăng

Google News

(Kiến Thức) - Amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp xây dựng có nguy cơ gây ra ung thư cho con người (theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO). Theo các nhà khoa học, nguy cơ gây ung thư từ tấm lợp amiăng là có thật, công nhân sản xuất tấm lợp đến người sử dụng đều tiềm ẩn những nguy cơ với sức khoẻ.

Amiăng gây ung thư
Theo báo cáo của WHO và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), các bệnh liên quan đến amiăng là ung thư phổi, u trung biểu mô, xơ phổi, ung thư thanh quản, ung thư buồng trứng... Tất cả các dạng amiăng đều có thể gây ung thư ở nhiều thể. Hai tổ chức này khuyến nghị cấm hoàn toàn mọi dạng amiăng là cách hiệu quả nhất để loại bỏ mọi bệnh liên quan tới loại vật liệu này. Do vậy, Việt Nam nên cấm sử dụng amiăng và sử dụng các vật liệu thay thế mà hiện nay hoàn toàn đủ điều kiện.
GS Nguyễn Thúc Tuyên, nguyên giảng viên Bộ môn Vật liệu xây dựng, trường Đại học Thủy lợi cho biết, Pháp là nước sản xuất công nghệ xi măng bê tông đầu tiên trên thế giới, nhưng cách đây rất lâu, nước này đã cấm sản xuất vật liệu trên. Đến nay thì người Pháp hoàn toàn không sử dụng tấm lợp amiăng nữa. Ở Việt Nam, khoảng 5 - 7 năm trở lại đây cũng dấy lên nhiều luồng ý kiến về việc cấm sản xuất amiăng ở Việt Nam, nhưng sau đó lại chìm xuống. Mãi đến gần đây người ta mới quan tâm đến vấn đề này.
Theo GS Nguyễn Thúc Tuyên, thành phần của tấm lợp amiăng là xi măng, một số hóa chất và amiăng. Amiăng giúp cho tấm lợp trở nên dai hơn, bền hơn. Amiăng ở dạng bột nên khi sản xuất, công nhân rất dễ hít phải. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến ung thư mà WHO khuyến cáo. Mặt khác, người sử dụng tấm lợp amiăng làm mái, tường cũng có khả năng gặp những vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ. Đặc biệt, với tập tính sinh hoạt của nhiều người dân Việt Nam là hứng nước mưa để sử dụng. Với mái nhà lợp bằng amiăng, chất amiăng sẽ ngấm vào trong nước, gây hại cho cơ thể.
PGS.TS Trịnh Lê Hùng, Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cùng chung nhận định bởi bụi của đá sợi để sản xuất amiăng là rất nhỏ, dễ đi vào đường thở. Nó giống như bụi của sợi bông, sợi thủy tinh vậy.
Sử dụng tấm lợp amiăng làm mái có khả năng gặp những vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ. 
Tìm vật liệu thay thế
GS Nguyễn Thúc Tuyên cho biết, các nhà khoa học Việt Nam trước đây cũng đã đi tìm nhiều loại vật liệu khác nhau để thay thế tấm lợp amiăng. Ban đầu, các nhà khoa học sử dụng sợi đay, xơ dừa để làm tấm lợp. Nhưng khi sử dụng, người dân trèo lên mái nhà thì tấm lợp rất giòn, dễ gãy. Sau này người ta sử dụng bột từ nghiền nhỏ các thùng cacton để làm mái, tuy nhiên khả năng chống chịu với nước rất thấp, độ bền không cao. Hiện nay, một giải pháp được các nhà khoa học đưa ra là sử dụng vật liệu sợi nhựa polyme để thay thế. Đây là một loại vật liệu không độc hại, tuy không bền bằng amiăng nhưng đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của tấm lợp. Giá thành của loại vật liệu này cao hơn, nguyên liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài chứ hiện chúng ta chưa tự sản xuất được.
PGS.TS Trịnh Lê Hùng cho rằng, nguy cơ tiềm ẩn với người sử dụng vật liệu amiăng là đã hiện hữu. Việc tìm ra một vật liệu thay thế là cần thiết. Các hệ quả nguy hại của việc hít phải sợi amiăng đã được ghi nhận đầy đủ trong các tài liệu từ đầu thế kỷ trước và các đặc điểm gây ung thư của amiăng được ghi nhận từ những năm 1950. Các nước làm được thì Việt Nam cũng làm được.
Theo GS Nguyễn Thúc Tuyên, một khó khăn trong việc triển khai các vật liệu mới thay thế tấm lợp amiăng ở Việt Nam là hiện có nhiều công ty sản xuất tấm lợp amiăng với hàng nghìn công nhân lao động. Nếu thay thế tấm lợp này thì đồng nghĩa với việc hàng nghìn công nhân này sẽ mất việc, bởi thế vẫn có những luồng ý kiến phản đối việc thay thế vật liệu này. Lập luận của họ đưa ra thường là "chưa có ai chết vì tấm lợp". Nhưng nhìn nhận khách quan, khi cả thế giới đã công nhận là độc hại, thì chúng ta không thể đi ngược lại. Đã đến lúc phải mạnh dạn thay thế.
Theo Viện Nghiên cứu Địa chất Mỹ, khoảng hai triệu tấn amiăng vẫn được sử dụng vào năm 2007 trên toàn thế giới. Trung Quốc là nước tiêu thụ lớn nhất, chiếm 30%, tiếp theo là Ấn Độ 15%, Nga 13%, Kazakhstan và Brazil mỗi nước 5%.
Bảo Khánh

Bình luận(0)