Hỏi: Ung thư cổ tử cung là do virus HPV gây ra, vậy tiến trình lây nhiễm như thế nào, có thể đề phòng được không? Những người nào là dễ bị mắc bệnh nhất? (Bảo Châu, 26 tuổi, Hà Nội).
|
Virus HPV là nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung ở phụ nữ.
|
Trả lời:
Khoảng 70% các trường hợp
ung thư cổ tử cung có liên quan đến việc bị nhiễm HPV. Hay nói cách khác, chính việc bị nhiễm HPV qua đường sinh hoạt tình dục đã gây ra những biến đổi ở mức độ tế bào và gây ra 70% trường hợp ung thư cổ tử cung. HPV thâm nhập vào bên trong tế bào cổ tử cung, phát triển và làm biến đổi gen của tế bào. Các tế bào bị đột biến gen sẽ phát triển thành các tế bào ác tính. Quá trình sẽ diễn ra trong thời gian dài, có thể từ 10 đến 15 năm. Giai đoạn này được gọi là giai đoạn tiền lâm sàng, nghĩa là đã có bất thường về mức độ tế bào song khi thăm khám thì cổ tử cung có thể hoàn toàn bình thường. Nhưng sau đó, một khi đã là ung thư thì bướu sẽ lan rộng nhanh chóng trong thời gian ngắn.
Quan hệ tình dục trước 18 tuổi, quan hệ với nhiều bạn tình, sinh đẻ nhiều, hút thuốc lá là những yếu tố nguy cơ của ung thư cổ tử cung.
Có hai điều cần nhớ để ngăn ngừa
HPV hiệu quả là tiêm phòng sớm và có đời sống tình dục lành mạnh. Tiêm phòng bằng vắc xin ngừa các tip HPV nguy cơ cao gây ung thư như típ 16, 18 hay típ 6, 11 gây bệnh sùi mào gà, mụn cóc sinh dục được coi là chiến lược phòng ngừa hiệu quả nhất hiện nay. Ngoài tiêm vắc xin và có đời sống tình dục lành mạnh, riêng nữ giới cần chủ động đến các trung tâm y tế để khám phụ khoa định kỳ, làm xét nghiệm PAP (Pap’s smear) nhằm tầm soát sớm ung thư cổ tử cung do HPV gây ra.
Nếu được điều trị, tỷ lệ sống trên 5 năm của ung thư cổ tử cung 5 năm là 92% cho các giai đoạn sớm nhất, từ 80% đến 90% cho ung thư giai đoạn 1, và 50% đến 65% cho giai đoạn 2.
Chỉ có 25% đến 35% phụ nữ ở giai đoạn 3 và ít hơn 15% với ung thư cổ tử cung giai đoạn 4 còn sống sau 5 năm. Do đó, kiểm tra và phát hiện sớm ung thư cổ tử cung là rất quan trọng.