Giao lưu trực tuyến: “Tầm soát và điều trị Ung thư vú“

Google News

(Kiến Thức) - BS Bertrand Farnault, BS Võ Kim Điền (Bệnh viện FV) và PGS Lê Đình Roanh (Giám đốc TT Nghiên cứu và Phát hiện sớm Ung thư) đã giải đáp nhiều câu hỏi về ung thư vú.

Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Thế giới (IARC), ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất và gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ nhiều nước công nghiệp; chiếm 21% trong tổng số các loại ung thư ở phụ nữ trên toàn thế giới.

Từ trái qua phải là BS. Bertrand Farnault, TBT Báo điện tử Kiến Thức Nguyễn Minh Quang, PGS. Lê Đình Roanh và BS. Võ Kim Điền.
Tại Việt Nam, ở nữ giới, ung thư vú chiếm tỉ lệ cao nhất trong các loại ung thư. Hà Nội và TP.HCM có tỷ lệ người mắc bệnh ung thư vú cao nhất với tỷ lệ 30/100.000 người tại Hà Nội và 20/100.000 người tại TP.HCM (năm 2010).
Với mong muốn phổ biến kiến thức về bệnh ung thư vú, cũng như giúp người dân sớm phát hiện và phòng tránh căn bệnh này, báo điện tử Kiến Thức, Truyền hình An Viên phối hợp với Trung tâm điều trị ung thư Hy Vọng, Bệnh viện FV, tổ chức buổi hội thảo “Tầm soát và điều trị Ung thư vú” với sự tư vấn, giải đáp của chuyên gia, bác sĩ đầu ngành về Ung thư người Pháp và Việt Nam.
Dưới đây là nội dung buổi giao lưu:

MC Biên Thuỳ: Chào mừng quý vị và các bạn đến với cuộc Giao lưu trực tuyến hôm nay với chủ đề “Tầm soát và điều trị Ung thư vú“.

Tham gia với chúng ta hôm nay có BS Bertrand Farnault, BS Võ Kim Điền (Trung tâm điều trị ung thư Hy Vọng, Bệnh viện FV) và PGS Lê Đình Roanh (GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Phát hiện sớm Ung thư).

Câu hỏi đầu tiên xin được chuyển đến BS Điền. Đây là câu hỏi của độc giả Hoàng Nhật Mai (quận Thanh Xuân, Hà Nội):“Thưa BS, tôi có một đồng nghiệp 46 tuổi, vừa phát hiện bị ung thư vú, nhưng ở vào tình trạng khá nặng. Chị ấy rất hoang mang vì thời gian trước đó, không hề phát hiện dấu hiệu bệnh đặc biệt gì. Xin bác sĩ cho biết các dấu hiệu thường gặp báo trước bệnh ung thư vú ở chị em phụ nữ”.

BS Võ Kim Điền: Ung thư vú ở giai đoạn sớm hầu như không có dấu hiệu. Một số dấu hiệu cơ bản là: một khối u vú nhỏ không đau là triệu chứng thường gặp nhất, phần lớn là do các chị em phụ nữ tự phát hiện. Ngoài ra, da quanh vú co rúm, nhăn nheo và núm vú chảy dịch, đặc biệt là dịch màu đỏ.

Phần lớn ung thư vú là do chị em phát hiện ra.
MC Biên Thùy: Thưa bác sĩ, nếu tôi mơ hồ cảm thấy đau ở vú, đó có phải là dấu hiệu của bệnh ung thư vú hay không?
PGS Lê Đình Roanh: Thưa quý vị, như lời bác sĩ Điền vừa nói ung thư vú không có biểu hiện đau. Còn nếu bạn cảm thấy mơ hồ đau ở vú thì đó có thể là triệu chứng của các bệnh khác.
PGS Lê Đình Roanh (trái) trả lời câu hỏi độc giả
MC Biên Thuỳ: Xin hỏi các chuyên gia, các yếu tố nào làm tăng nguy cơ ung thư vú?

BS Bertrand Farrnault: Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư được chia làm 2 nhóm: nhóm có thể kiểm soát được và nhóm không thể kiểm soát được.

- Nhóm có thể kiểm soát được bao gồm: cân nặng, chế độ ăn kiêng, chế độ thể dục, sự tiêu thụ thức uống có cồn cũng như thuốc lá và sự tiếp xúc với estrogen (liệu pháp thay thế hooc-môn hoặc tránh thai)

- Nhóm không thể kiểm soát được bao gồm: giới tính, độ tuổi, chủng tộc, tiền sử gia đình về ung thư vú, tiền sử bản thân về ung thư vú, người đang mang thai hoặc cho con bú.
BS Bertrand Farnault
MC Biên Thuỳ: Tôi phải làm gì khi nghi ngờ mình bị ung thư vú? Tôi nên làm các xét nghiệm gì?
PGS Lê Đình Roanh: Nếu các chị em nghi ngờ mình bị ung thư vú thì nên đến các cơ sở chuyên khoa về ung thư vú để tiến hành làm các xét nghiệm. Các xét nghiệm bao gồm: siêu âm tuyến vú, chọc hút bằng kim nhỏ, sinh thiết trọn khối bướu...
Các trung tâm nghiên cứu ở Hà Nội, các bệnh viện như bệnh viện Thanh Nhàn đều có cơ sở về ung thư vú. Trung tâm Ung bướu của bệnh viện Bạch Mai cũng làm được việc này. Hầu hết các bác sĩ ở các bệnh viện đều có khả năng phát hiện ung thư vú. Gần đây có một bệnh viện tư nhân cũng có khả năng phát hiện ung thư vú. Ngoài ra, bệnh viện Trí Đức cũng làm được việc này.
BS Võ Kim Điền: Ngoài bệnh viện Ung bướu còn có bệnh viện đa khoa có khoa ung bướu, bệnh viện có khoa Phụ khoa như Từ Dũ, Định Công.. hay bệnh viện FV. Sau khi đã khám tuyến vú, tùy theo các triệu chứng thực thể, các bác sĩ sẽ chỉ định chụp nhũ ảnh, siêu âm và sinh thiết nếu cần.. Hầu hết các bệnh viện hiện nay đều trang bị thiết bị chụp nhũ ảnh.

MC Biên Thuỳ: Các bác sĩ có thể hướng dẫn cụ thể quy trình tự khám vú để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường?

BS Võ Kim Điền: Đa số các trường hợp ung thư vú đều do chính bệnh nhân phát hiện. Do đó, tự khám vú đúng cách là cơ hội cho chị em phụ nữ phát hiện sớm ung thư vú. Chị em phụ nữ nên bắt đầu tự khám vú mỗi tháng từ sau 20 tuổi. Thời điểm khám tốt nhất là ngay sau khi sạch kinh đối với phụ nữ còn kinh và nên chọn 1 ngày cố định trong tháng dương lịch nếu mình đã mãn kinh. Quy trình tự khám vú gồm 2 bước chính:

-          Bước 1 (Quan sát): cởi bỏ áo, đứng trước gương, 2 tay buông thõng sau đó giơ tay lên cao; đứng thẳng, sau đó nghiêng người ra trước. Quan sát để tìm các bất thường ở vú như mất cân đối giữa 2 núm vú, đường dưới vú; bất thường ở da; ...

-          Bước 2 (sờ tuyến vú đúng cách):  tay phải sờ vú trái và ngược lại

Dùng mặt lòng của 3 ngón trỏ, ngón giữa và ngón áp út ấn nhẹ vào tuyến vú vào thành ngực theo một trong 3 cách sau:

Cách 1: đường zích zắc (chữ chi),

Cách 2: xoáy trôn ốc (đường tròn đồng tâm) từ ngoại vi của tuyến vú vào đến núm vú.

Cách 3: Hình căm xe (nan hoa).

Sau cùng là sờ vào hốc nách để tìm bất thường.

Tự khám là để phát hiện các bất thường nhưng không phải các bất thường đều là triệu chứng của ung thư vú. Khi có bất thường ở vú, chúng ta nên đến một cơ sở y tế tin cậy để được chẩn đoán chính xác.
BS Võ Kim Điền
MC Biên Thùy: Ung thư vú có di truyền không? Trong gia đình, mẹ tôi và chị của bà đều bị ung thư vú, tôi rất lo sợ mình sẽ bị bệnh. Tôi nên làm gì để phòng tránh căn bệnh quái ác này?

Gen và yếu tố di truyền là 2 thứ hoàn toàn khác nhau. Mặc dù gen được xem là một lý do của ung thư vú, nhưng điều đó không có nghĩa là di truyền. Khi những người phụ nữ cùng sinh ra trong một gia đình có tiền sử về ung thư vú, bác sĩ chúng tôi sẽ đề nghị với tất cả các phụ nữ đó tham dự buổi tư vấn về nguyên nhân phát sinh ung thư, và tìm kiếm những đột biến gen có khả năng gây bệnh ung thư (2 đột biến gen thường thấy nhất là BRCA1 và BRCA2). Nếu một đột biến xuất hiện, chúng tôi hội chẩn về ung thư di truyền. Nguy cơ ung thư vú đối với những phụ nữ có đột biến này là rất cao và cần được theo dõi chuyên sâu.

Tầm soát ung thư vú là một cách rất hiệu quả, cho phép phát hiện và chữa trị ung thư vú từ rất sớm. Chụp nhũ ảnh ở phụ nữ 50 tuổi là một điều nên thực hiện để tầm soát ung thư vú.

MC Biên Thùy: Tôi nghe nói phụ nữ thường hay phát bệnh ung thư vú trong giai đoạn mang bầu, điều này có đúng không? Làm thế nào để phòng tránh bệnh?

PGS Lê Đình Roanh: Điều đó không đúng bởi vì chưa có một nghiên cứu đầy đủ nào chứng minh điều này. Có những trường hợp kết thúc quá trình mang thai mới phát hiện ung thư vú.

Tuy nhiên, khi mang thai mà mắc ung thư vú thì phải chờ khi kết thúc quá trình mang thai mới tiến hành phẫu thuật được. Cách tốt nhất, trước khi mang bầu cần tiến hành khám vú, khi có dấu hiệu nghi ngờ ung thư vú thì cần đến các bệnh viện, các trung tâm để các bác sĩ để được tư vấn và chữa trị kịp thời.

MC Biên Thùy: Tôi là nam giới, 6 năm trước tôi bị ươnghì đại tuyến vú, kích thước 8 cm đã phẫu thuật bóc bỏ từ cách đây 6 năm. Nay bệnh tái phát, tôi rất lo lắng. Xin hỏi bệnh này có nguy hiểm không? Nam giới có khả năng bị ung thư vú không?

PGS Lê Đình Roanh: Phì đại tuyến vú là một bệnh liên quan đến nội tiết, bệnh này hoàn toàn khác với bệnh ung thư vú ở phụ nữ. Nguyên nhân của bệnh này là tăng sinh mạnh của tuyến sữa làm phì đại. Bệnh do nội tiết tố kích thích gây nên. Đối với bệnh này, nếu điều trị nội khoa không hiệu quả thì bệnh nhân cần phải điều trị ngoại khoa.

Sau khi điều trị xong, có những bệnh nhân có thể tái phát bệnh sau một thời gian. Nhưng không có nghiên cứu nào cho thấy sự liên quan giữa phì đại tuyến vú và ung thư vú.

MC Biên Thùy: Tôi sinh con nhưng không cho con bú. Một thời gian sau tôi thấy ở ngực trái có một khối tròn nhỏ như hạt lạc, di chuyển được. Nhiều người nói không cho con bú dễ bị ung thư vú, khối u của tôi có phải là ung thư vú hay không?

PGS Lê Đình Roanh: Nói chung việc sinh đẻ bình thường ảnh hưởng tới quy trình ung thư vú. Ở những phụ nữ độ tuổi 30 mà chưa sinh con lần đầu thì có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn.

Sau khi sinh con, trên vú của những người phụ nữ có thể xuất hiện những cục nhỏ, đó có thể là do tắc sữa nhưng không phải là ung thư vú. Các bác sĩ có thể can thiệp để sản phụ thông tuyến sữa.

MC Biên Thuỳ: Tôi nâng ngực thẩm mỹ cách đây 4 năm. Giờ nghe báo đài nói nhiều rằng, phẫu thuật độn ngực dễ bị ung thư, tôi rất sợ. Tôi cũng thử tự khám cho mình nhưng có cảm giác túi ngực silicon khiến việc tự khám không chính xác. Tôi phải làm gì thưa bác sĩ?

BS Võ Kim Điền: Bản thân của phẫu thuật đặt các túi để nâng ngực không làm tăng nguy cơ bị ung thư vú. Vấn đề nằm ở chỗ các sản phẩm làm túi nâng ngực có an toàn không. Trước khi quyết định làm phẫu thuật nâng ngực, người phụ nữ nên trao đổi kỹ với bác sĩ phẫu thuật về việc chọn lựa các sản phẩm an toàn. Khám tuyến vú ở một người đã làm phẫu thuật nâng ngực hơi khó hơn bình thường và đòi hỏi phải có kinh nghiệm. Nếu bạn không an tâm khi tự khám tuyến vú thì nên tìm đến một cơ sở y tế có khoa ung bướu hoặc khoa sản – phụ khoa.

MC Biên Thuỳ: Thưa các bác sĩ, tôi có một khối u ở ngực, đi khám thì được chỉ định phải làm sinh thiết để xác định u lành hay u ác. Tôi muốn hỏi Sinh thiết là gì? Sinh thiết có gây đau đớn không và có cho kết quả chính xác rằng tôi có hay không bị ung thư hay không?

BS Võ Kim Điền: Sinh thiết là lấy một mẩu mô từ một tổn thương để khảo sát tế bào học, xác định các bất thường ở mức độ tế bào. Khi thực hiện sinh thiết, các bác sĩ phải gây tê tại chỗ để bệnh nhân không có cảm giác đau. Có 2 phương pháp sinh thiết:

-        Sinh thiết bằng phẫu thuật .

-        Sinh thiết bằng dụng cụ chuyên dụng (Kim sinh thiết), không cần phẫu thuật, chỉ gây tê.

Kết quả chọc hút kim nhỏ cho kết quả âm học cũng không đồng nghĩa với việc bạn không bị ung thư vú. Thường các bác sỹ sẽ khuyên bạn tiến hành sinh thiết để cho kết quả chính xác.

MC Biên Thùy: Thưa quý vị và các bạn, nhân bàn về việc điều trị ung thư vú, tôi nhớ đến một câu nói quen thuộc của ông bà ta: "Có bệnh thì vái tứ phương". Nhưng với những căn bệnh phức tạp như ung thư vú, thì  liệu người bệnh có nên vội vàng "vái tứ phương" hay tốt hơn là nên bình tĩnh tìm hiểu để lựa chọn cho mình một bác sĩ, một bệnh viện có khả năng chuyên môn tốt nhất trên hành trình đẩy lùi bệnh tật?

Tôi xin chuyển đến các bác sĩ một câu hỏi của khá nhiều độc giả gửi đến chương trình rằng có nhất thiết phải ra nước ngoài điều trị thì mới hiệu quả không?

PGS Lê Đình Roanh: Những năm qua trong nước đã đạt nhiều thành tựu về chẩn đoán và điều trị về ung thư vú. Cho nên, đối với bệnh này, chỉ cần điều trị trong nước là được. Tuy nhiên, nếu bỏ ra một số tiền lớn điều trị ở nước ngoài thì chỉ hơn ở chỗ là có dịch vụ tốt hơn. Vì vậy, chỉ cần điều trị bệnh ung thư vú là có thể yên tâm.

MC Biên Thuỳ: “Vợ tôi bị ung thư vú. Sau khi phát hiện, vì nhà khó khăn nên chúng tôi phải chạy tiền, thu xếp gia đình con cái rồi 3 tháng sau mới lên bệnh viện điều trị được. Nhưng bác sĩ trách tôi đưa vợ đi điều trị muộn quá, sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng. Tôi xin hỏi, khi phát hiện bệnh đến phát bệnh nặng, thời gian ngắn vậy sao? Làm thế nào nhận biết các giai đoạn phát triển của bệnh ung thư vú?

BS Võ Kim Điền: Để xác định giai đoạn của bệnh ung thư, chúng tôi dựa vào các tiêu chuẩn:

-          Kích thước và sự xâm lấn xung quanh của bướu.

-          Số lượng, vị trí và sự xâm nhiễm của các hạch bạch huyết.

-          Sự hiện hữu các di căn xa đến các cơ quan khác.

Ung thư vú có thể được phát hiện ở giai đoạn sớm, điều trị ngay, tỉ lệ khỏi cao. Bệnh nhân được xem là ở giai đoạn muộn khi bướu lớn, hạch bị xâm nhiễm và đã có di căn xa. Càng đến muộn thì cơ hội điều trị khỏi càng ít.

MC Biên Thùy: Thưa bác sĩ ung thư di căn là gì? Tôi nghe mọi người thường nói, nếu là u ác mà động dao kéo phẫu thuật thì càng nhanh di căn, càng nhanh chết, có đúng vậy không?

BS Bertrand: Ung thư di căn xảy ra khi tế bào ung thư phát triển lan ra từ khối u ban đầu đến những phần khác trong cơ thể hoặc đến các cơ quan nội tạng khác. Ví dụ, ung thư vú lây lan đến phổi và tạo thành một khối u di căn, gọi là ung thư vú di căn, không phải ung thư phổi.

Chúng ta có thể ngăn chặn hoặc làm giảm sự phát triển của ung thư di căn nhưng không thể chữa ung thư di căn.Tuy nhiên, phương pháp điều trị có sẵn cho tất cả các bệnh nhân ung thư di căn. Nói chung, mục tiêu chính của những phương pháp điều trị là kiểm soát sự phát triển của ung thư hoặc làm giảm các triệu chứng gây ra bởi nó. Trong một số trường hợp, phương pháp điều trị ung thư di căn có thể giúp kéo dài cuộc sống.

BS Bertrand Farnault  

MC Biên Thuỳ: Xin các bác sĩ cho biết cách điều trị hiệu quả nhất với ung thư vú là gì? Xin bác sĩ cho biết thêm về phương pháp xạ trị hoặc hóa trị?

BS Võ Kim Điền: Như tôi đã nói, từ xa xưa cho đến tận bây giờ, phẫu thuật vẫn là vũ khí chính và rất hữu hiệu trong điều trị ung thư vú. Tuy nhiên, sau phẫu thuật vẫn có những trường hợp bệnh tái phát hoặc di căn. Các nhà khoa học đã có câu trả lời từ nhiều năm trước khi nghiên cứu diễn tiến tự nhiên của ung thư vú. Khi 1 tế bào bị đột biến thành tế bào ung thư, nó sẽ sinh sản bằng cách nhân đôi: 1 thành 2, 2 thành 4, 4 thành 8, ... theo cấp số nhân với công bội là 2. Để thành 1 khối bướu khoảng 1cm, là kích thước có thể nhận biết khi thăm khám, thời gian cần thiết vào khoảng 4 – 5 năm. Trong ngần ấy thời gian phát triển trong cơ thể bệnh nhân, các tế bào ung thư có thể sẽ rời khỏi vị trí ban đầu đi đến các cơ quan khác qua mạch hạch huyết hoặc máu. Chúng nằm phục kích tại nơi đó và sẽ xuất hiện khi có đủ điều kiện thuận lợi. Đó là nguyên nhân thất bại dù bệnh nhân đã được phẫu thuật. Để tăng cơ may khỏi bệnh, giảm thiểu tối đa nguy cơ tái phát và di căn, các bác sĩ sẽ sử dụng hóa trị và xạ trị.

Xạ trị là phương pháp dùng các bức xạ i-on hóa (bệnh nhân thường gọi là các tia phóng xạ) để tiêu diệt các tế bào ung thư trong một thể tích có giới hạn, nhằm làm giảm nguy cơ tái phát tại chỗ. Hoá trị là phương pháp sử dụng các thuốc có độc tính tế bào để tiêu diệt các tế bào ung thư. Được sử dụng theo đường truyền tĩnh mạch, hoặc đường uống, thuốc sẽ vào máu và đến tấn công các tế bào ung thư ở khắp cơ thể bệnh nhân. Như vậy, hóa trị là phương pháp điều trị toàn thân và làm giảm nguy cơ di căn ở bệnh nhân ung thư. Ngoài hóa trị, phương pháp điều trị toàn thân còn có Liệu pháp nhắm trúng đích và liệu pháp nội tiết.
 
MC Biên Thùy: Ngoài xạ trị, có thuốc nào chữa khỏi bệnh ung thư vú không?

PGS Lê Đình Roanh: Hiện nay, các phương tiện thông tin đại chúng đưa nhiều về các cơ sở chữa bệnh hoặc các thầy thuốc dân gian, tuy nhiên không có một cơ sở nào điều trị trúng đích bệnh ung thư vú. Bệnh nhân cần đến các bệnh viện có chuyên môn và uy tín để phát hiện và chữa trị bệnh này.

Khi các khối u phát sinh, khi phát triển lớn hơn 2-3 mm, tế bào ung thư tiết ra chất để khối u phát triển. Hiện nay có nhiều nghiên cứu về chất chống tạo mạch: sụn vi cá mập, nghệ... Đối với sụn vi cá mập, đến một lúc nào đó trong quá trình phát triển tiết ra chất không vào mạch máu và không phát triển nữa. Các nước Mỹ và Úc sử dụng sụn vi cá mập này. Ngoài ra các nhà nghiên cứu cũng lấy các tinh chất từ thực vật từ đậu tương để bổ sung vào các chất dự phòng ung thư. Đây được coi là những thực phẩm chức năng có ý nghĩa để phòng bệnh ung thư vú.

MC Biên Thuỳ: Vợ tôi bị ung thư vú, cô ấy rất sợ phải phẫu thuật vì sẽ phải cắt bỏ ngực, trở nên xấu xí, dị dạng. Xin hỏi hiện ở VN các phương pháp tái tạo ngực sau phẫu thuật cắt bỏ vì ung thư có đáng tin cậy không, có ảnh hưởng gì đến bệnh và sức khỏe không, giá cả thế nào?

BS Võ Kim Điền: Phẫu thuật cắt bỏ vú là phẫu thuật gây nhiều ảnh hưởng đến tâm lý người phụ nữ. Hiện nay, khuynh hướng điều trị ung thư ngày càng ít xâm lấn và ít tàn phá. Nếu phải “cắt bỏ ngực”, chúng tôi thường gọi là đoạn nhũ do bệnh được phát hiện trễ, bướu có kích thước lớn, các bác sĩ trong nước hoàn toàn có thể thực hiện phẫu thuật tái tạo tuyến vú bằng các vạt da – cơ được lấy từ nơi khác trên cơ thể bệnh nhân. Việc tái tạo tuyến vú có thể trì hoãn hoặc tái tạo tức thì tùy thuộc vào nguy cơ tái phát tại chỗ. Bệnh nhân nên trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ về nguy cơ này khi có nguyện vọng được phẫu thuật tái tạo tuyến vú.

Nếu bệnh nhân đến sớm, bướu có kích thước nhỏ hơn 3cm, các bác sĩ có thể không cần đoạn nhũ mà chỉ cần cắt khối bướu và lấy rộng ra 1 phần mô tuyến vú bình thường xung quanh bướu. Đó là phương pháp điều trị bảo tồn đã được áp dụng trên thế giới từ 20 năm nay. Chúng tôi đã áp dụng phương pháp này tại bệnh viện FV từ 10 năm nay. Kết quả khỏi bệnh hoàn toàn tương đương với phương pháp đoạn nhũ nhưng phẫu thuật nhẹ nhàng hơn, ít tàn phá hơn. Và điều quan trọng nữa là bệnh nhân hoàn toàn hài lòng về mặt thẩm mỹ và về tâm lý thì không phải lo sợ chuyện “mất một bên ngực”.

MC Biên Thuỳ: Tôi thấy một số người bị UTV đã điều trị bằng nấm linh chi hoặc thuốc đông y. Vậy điều trị bằng phương pháp này có khỏi được hay không?

BS Võ Kim Điền: Hiện tại , có nhiều phương pháp điều trị ung thư vú, nhưng các phương pháp điều trị bằng thực phẩm chức năng hay nấm linh chi thì chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh điều này. Đứng trên khía cạnh chuyên môn, chúng tôi khuyên các bạn nên đến các cơ sở y tể để điều trị thì tốt hơn là tự điều trị bằng nấm linh chi hay thuốc đông y. 

MC Biên Thuỳ: Bác tôi bị ung thư vú. Sau mỗi lần xạ trị và hóa trị, tôi thấy bác thường mệt mỏi, khó ăn, dễ nôn. Vậy, dinh dưỡng cần thiết bổ sung cho người bệnh nên thế nào? Có cần kiêng loại thực phẩm gì và nên bổ sung vitamin gì hay không?

BS Võ Kim Điền: Người Việt Nam có thói quen bệnh thì ăn kiêng, như thế là không tốt. Dinh dưỡng trong điều trị cũng quan trọng không kém chuyện thuốc men. Trong một cơ thể đầy đủ dinh dưỡng, các tế bào lành trong đó có các tế bào của hệ miễn dịch được nuôi dưỡng tốt và sẽ đủ sức chống lại các tế bào ung thư.

Ví dụ về sự kém dinh dưỡng: Khi bệnh, cơ thể bị tụt cân là do khi mình không ăn được, cơ thể tự tiêu thụ nguồn dự trữ (cơ, mỡ) . Ăn kiêng, nhịn đói không làm giảm sự phát triển ung thư mà chính là “bỏ đói tế bào lành, giảm khả năng đề kháng của cơ thể”.

MC Biên Thùy: Thêm một độc giả gửi đến chương trình câu hỏi như sau: "Mẹ tôi phát hiện bị ung thư vú tháng trước, bà rất sốc và buồn chán. Bố tôi thành đạt, phong độ, mẹ tôi không nói ra những rất lo lắng bệnh sẽ làm ảnh hưởng đến nhan sắc, tình cảm vợ chồng và sinh mạng của bà. Tôi rất thương mẹ, muốn giúp bà ổn định về tâm lý để điều trị tốt hơn. Tôi phải làm gì để giúp bà mạnh mẽ hơn, sẵn sàng đối đầu với những đau đớn trong điều trị? Có dịch vụ hỗ trợ nào tốt dành cho bệnh nhân ung thư không ạ?"

BS Bertrand: FV có chuyên gia tâm lý để giúp bệnh nhân vượt qua những rào cản tâm lý để chiến thắng bệnh tật.

Điều quan trọng đầu tiên mẹ bạn nên làm là kể về căn bệnh của mình với bố bạn, và sau đó bà nên đến gặp một chuyên gia tâm lý để chia sẻ và nhận được những lời khuyên hợp lý trong trường hợp này.

Khi bố bạn biết chuyện này từ chính lời kể của mẹ bạn, ông ấy sẽ hiểu và chấp nhận dễ dàng hơn căn bệnh của bà, từ đó có thể giúp bà trong việc chữa trị. Mẹ bạn sẽ mạnh mẽ hơn và từ đó có thể đối mặt với tất cả những triệu chứng của ung thư. Các cơn đau không phải là triệu chứng mà bác sĩ chúng tôi có thể tìm thấy nhiều nhất trong suốt quá trình điều trị. Nhưng những triệu chứng khác có thể xuất hiện và các bác sĩ luôn sẵn sàng đưa ra những lời khuyên và phương pháp chữa trị để làm giảm những triệu chứng đó.

MC Biên Thuỳ: Tôi nghe nói các bệnh viện ở nước ngoài, như Singapore, phác đồ điều trị ung thư vú rất tiên tiến, như một dây chuyền khép kín, gồm từ khám, phẫu thuật, điều trị tới tư vấn dinh dưỡng… cho người bệnh. Hiện, ở Việt Nam đã có bệnh viện nào chữa ung thư vú theo tiêu chuẩn “nhiều trong 1” này không?

BS Võ Kim Điền: Quy trình khép kín này ở nước ngoài được đưa vào để đánh giá chất lượng bệnh viện. Sau khi tiến hành khám, xét nghiệm, các bác sỹ sẽ tiến hành hội chẩn liên-chuyên khoa để đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất. Tại bệnh viện FV, chúng tôi đã thực hiện điều này từ 10 năm nay. Khi đến khám, bệnh nhân sẽ được tiến hành chẩn đoán. Khi có kết quả, bệnh nhân sẽ được tư vấn về các phương pháp điều trị, hiệu quả, biến chứng, giá thành, v.v.... Bệnh nhân còn được tư vấn về dinh dưỡng và tâm lý. Điều quan trọng nhất là chúng tôi luôn tiến hành “Hội chẩn đa chuyên khoa” để có quyết định điều trị tối ưu cho từng bệnh nhân trước khi bắt đầu điều trị. “Hội chẩn đa chuyên khoa” hiện nay được xem như là “tiêu chuẩn chất lượng bắt buộc” được áp dụng trên toàn thế giới ở những cơ sở y tế có khoa điều trị ung thư.

MC Biên Thuỳ: Xin các bác sĩ đưa ra một vài đánh giá về khả năng phát hiện, chữa trị thành công bệnh ung thư ở một số viện lớn, đầu ngành ở VN hiện nay? Ưu điểm của các hệ thống y tế trong nước trong việc điều trị ung thư vú là gì?

BS Võ Kim Điền: Các bác sĩ trong nước gần như đã tiếp cận được các tiến bộ trong điều trị ung thư vú. Các phương tiện chẩn đoán, các phác đồ điều trị, hiệu quả điều trị gần như không có nhiều khác biệt so với bên ngoài. Ưu điểm lớn nhất theo tôi là tính kinh tế về tổng chi phí điều trị. Điều trị trong nước sẽ rẻ hơn đi ra nước ngoài.

Vậy tại sao chúng ta lại phải ra nước ngoài khi chúng ta vẫn có thể được điều trị tốt ngay trong nước!

MC Biên Thùy: Để chữa trị ung thư vú, ngoài phẫu thuật, xạ trị, hóa trị… là những cách tôi thường được nghe nói đến ở Việt Nam, hiện có những phương pháp tiên tiến nào mới được áp dụng trong nước không thưa bác sĩ?
PGS Lê Đình Roanh: Hiện nay, có những phương pháp điều trị ung thu vú mang lại kết quả rất cao, có những trường hợp đạt kết quả sống hơn 5 năm. Đối với giai đoạn bệnh thì chữa trị sẽ hiệu quả hơn giai đoạn 2 và 3.
Đối với những bệnh nhân mắc ung thư vú ở cấp độ 1 thì độ sống sẽ là 90%, độ 2 là 70% còn độ 3 là 40%.
Phụ thuộc vào tình trạng di căn hạch: Đối với những người không có di căn hạch thì có thời gian sống lâu hơn, còn những trường hợp còn lại sẽ có khả năng sống ít hơn. Nếu 1-3 hạch thì tiên lượng sống xấu hơn, tuy nhiên có trên 9 hạch thì là xấu nhất. Có những yếu tố tiên lượng không thuận lợi thì việc điều trị khó hơn.

MC Biên Thuỳ: Thưa các bạn, chúng ta vừa được bác sỹ Bertrand Farnault, BS Võ Kim Điền và PGS Lê Đình Roanh trả lời nhiều câu hỏi, thắc mắc. Còn khá nhiều câu hỏi của khán giả và độc giả liên quan đến chủ đề hôm nay nhưng do thời lượng chương trình có hạn, chúng tôi sẽ gửi đến các bác sĩ để trả lời quý vị và các bạn sớm nhất.
Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ Bertrand Farnault, BS Võ Kim Điền và PGS Lê Đình Roanh đã nhiệt tình tham gia và trả lời những câu hỏi, thắc mắc của quý độc giả báo điện tử Kiến Thức.
Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm theo dõi!
Xin hẹn gặp lại ở cuộc giao lưu trực tuyến lần sau!
Vũ Anh

Bình luận(3)

Minh Hiền

Trần Hồng Nhật

Xin chương trình và các chuyên gia cho tôi hỏi có phải dưới 20 tuổi, con người không có nguy cơ mắc ung thư vú có đúng không?

Minh Hiền

Mai Giang

Tôi là Mai Giang, ở Thanh Xuân, Hà Nội. Tôi xin được hỏi 2 câu về vấn đề ung thư vú. Xin TS báo ĐT Kiến thức và các bác sĩ trả lời giúp. 1, Với những bệnh nhân bị mắc bệnh ung thư vú thì sau khi phẫu thuật cắt bỏ vú thì có ảnh hưởng đến giới tính và đời sống tình dục không? 2, Bệnh ung thư vú có bị di truyền không? Xin cám ơn

Minh Hiền

ngọc minh

Tôi tên là Ngọc Minh, 30 tuổi, hiện đang sinh sống và làm việc tại Quận Hoàng Mai, Hà Nội. Mẹ tôi năm nay 57 tuổi, đang ở giai đoạn tiền mãn kinh. Sau nhiều lần thăm khám tại các bệnh viện, bác sĩ có kết luận, mẹ tôi hiện có nhiều nhân xơ ở vú, nhưng kích thước chưa lớn. Mẹ tôi cũng đã làm các xét nghiệm để xác định lành tính hay ác tính. Kết quả cho biết những nhân xơ này đều lành tính. Vậy, xin bác sĩ tư vấn giúp, mẹ tôi có nên mổ bóc nhân xơ để tránh trường hợp nhân xơ phát triển nhanh, chuyển thành dạng ác tính hay không? Xin cám ơn!