Theo bác sĩ Lê Quan Anh Tuấn - Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, trước đây, ung thư đại trực tràng (UTĐTT) thường xuất hiện ở những người trên 40 tuổi thì nay đã có không ít bệnh nhân ở độ tuổi 20. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao nếu phát hiện trễ.
Chị P.N., 48 tuổi, bị tiêu chảy kéo dài xen lẫn những đợt táo bón. Khi đi phân ra nhiều máu, người gầy rộc, chị N. đến bác sỉ, được nội soi thì phát hiện có khối u. Các bác sĩ cho biết chị N. có khối u ác tính đại tràng. Ca mổ được tiến hành ngay sau đó.
Vài nét về bệnh
|
Ảnh minh họa.
|
UTĐTT là bệnh ung thư phổ biến được xếp hạng tư trong các loại ung thư gây bệnh tại Việt Nam. Đại tràng (ruột già) nối với ruột non và trực tràng (ruột thẳng) là nơi hoàn tất quá trình tiêu hóa.
Thoạt đầu, bệnh chỉ là các pô lýp có hình nấm, lành tính. Sau đó một số pô lýp phát triển thành ung thư. Quá trình này kéo dài nhiều năm.
Giai đoạn I, ung thư “ăn” tới lớp cơ. Việc điều trị thường là cắt đại tràng, trực tràng. Giai đoạn II, ung thư “ăn” bên trong thành ruột và có thể đến lớp ngoài, nhưng chưa di căn; điều trị bằng phẫu thuật cắt đại, trực tràng. Giai đoạn III, ung thư di căn tới các hạch, nhưng chưa đến các cơ quan khác trong cơ thể; phẫu thuật kết hợp hóa trị, có thể kèm xạ trị. Giai đoạn IV, ung thư đã di căn xa; điều trị bằng phẫu thuật, hóa trị, có thể kèm xạ trị.
Ai dễ mắc bệnh?
Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhiều nhất trên 50 tuổi. Tuy nhiên, những người “lọt” vào danh sách dưới đây là có nguy cơ cao:
- Có pô lýp đại trực tràng: một hay nhiều pô lýp (cắt bỏ pô lýp đại trực tràng lành tính giúp phòng ngừa ung thư).
- Có người thân (cha mẹ, anh chị em ruột, con) bị UTĐTT thì nguy cơ mắc cao gấp ba lần người bình thường.
- Viêm loét đại trực tràng và bệnh Crohn là những bệnh gây viêm mạn tính lớp niêm mạc của đại trực tràng, lâu ngày có thể hóa ung thư.
- Chế độ ăn nhiều thịt mỡ: quá trình tiêu hóa những thức ăn này có thể tạo ra những chất gây ung thư.
- Hút thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ gây UTĐTT.
Phát hiện và phòng ngừa
Bác sĩ Nguyễn Hữu Thịnh - Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM cho biết: “Những người trên 50 tuổi nên thực hiện các xét nghiệm tầm soát định kỳ thì có thể tránh được hơn 1/3 tử vong do UTĐTT. Khi được chẩn đoán và điều trị sớm thì hơn 90% bệnh nhân UTĐTT có thể khỏi bệnh”.
Tuy nhiên, phần lớn bệnh được phát hiện ở giai đoạn trễ do các triệu chứng bệnh thường không rõ ràng, tiến triển âm thầm và dễ nhầm lẫn với các bệnh đường tiêu hóa. Do vậy, khi thấy cơ thể thay đổi ở đường tiêu hóa như: tiêu chảy, táo bón hoặc tiêu chảy xen kẽ táo bón cảm giác đi tiêu không hết phân hoặc không nhịn tiêu được (phân nhỏ dẹt, phân đen, phân lẫn nhầy máu); buồn nôn, nôn, sụt cân, mệt mỏi; tắc ruột: đau bụng nhưng không đi tiêu được, ói, bụng trướng; đau vùng hậu môn, quanh hậu môn. Hoặc thấy tiểu đau, tiểu buốt, bí tiểu… thì nên tìm đến bác sĩ để kiểm tra.
Để phòng bệnh cần thay đổi chế độ ăn uống. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có thể giảm nguy cơ mắc UTĐTT bằng cách hạn chế ăn thịt động vật, chất béo nguồn gốc động vật, tăng cường ăn đạm thực vật, trái cây và rau xanh.