Cuộc chiến gian nan của bệnh nhân ung thư tinh hoàn

Google News

(Kiến Thức) - "Nhìn lại chặng đường đã qua với những đau yếu, thậm chí đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết nhưng tôi chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc".

Đó là những chia sẻ của anh Trần Thanh Khiết - người từng mắc căn bệnh ung thư tinh hoàn.
Anh Trần Thanh Khiết, sinh năm 1965, ở 21/14 Trần Hưng Đạo, Phường Mỹ Quý, Thành phố Long Xuyên, An Giang. Anh đang công tác tại Cục Thuế tỉnh An Giang.
Anh Khiết kể: "Cơn ác mộng mang tên ung thư của tôi bắt đầu từ năm 2002. Một ngày, tôi đột nhiên phát hiện tinh hoàn của mình to và cứng. Khi đi khám ở bệnh viện tỉnh, bác sĩ cho biết tôi có khối bướu nhưng chưa biết lành hay ác tính. Sau khi phẫu thuật cắt bỏ khối bướu, bác sĩ chuyển mẩu sinh thiết của tôi đi xét nghiệm. Vài tuần sau, được bác sĩ thông báo đó là bướu lành, cả gia đình tôi vui mừng khôn xiết.
Tưởng mọi chuyện thế là xong nhưng đến năm 2004, tôi tình cờ ấn bụng, thấy rất cộm và bất thường nên liền đi siêu âm. Xem xong kết quả, bác sĩ khuyên tôi nên đi thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra lại. Sau khi thực hiện hàng loạt xét nghiệm, tôi điếng người khi biết mình bị ung thư tinh hoàn. Vậy ra khối bướu hai năm trước không phải bướu lành mà là bướu ác nên dù đã được cắt bỏ, bệnh vẫn âm thầm phát triển do chưa được điều trị đúng và đủ. Sau hai năm không điều trị, tình trạng bệnh đã trở nên nghiêm trọng.
Nghe hung tin, vợ tôi ở nhà suy sụp, ngất lên ngất xuống. Giữa lúc tôi như người đứng giữa ngã ba đường, không biết phải làm sao, một người quen đã giới thiệu tôi đến Bệnh viện FV. 
Sau khi xem bệnh án, bác sĩ Võ Kim Điền, chuyên gia ung bướu của Trung tâm điều trị ung thư Hy vọng thuộc Bệnh viện FV, nói với tôi: “Bệnh ung thư tinh hoàn ở anh đã di căn vào hạch bẹn và rất nhiều hạch trong ổ bụng. Quá trình điều trị bây giờ sẽ rất tốn kém, phức tạp và mất nhiều thời gian vì đã gián đoạn điều trị mất 2 năm. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ làm hết sức mình và lập ra phác đồ điều trị tốt nhất với hy vọng giúp anh vượt qua căn bệnh”.
Nghe những lời nói chân tình của bác sĩ Điền, tôi như người chết đuối vớ được phao. Kể từ giây phút đó, tôi như phó mặc sinh mạng mình cho các bác sĩ, tuân thủ từng bước theo quy trình điều trị. Sau khi được bác sĩ Nguyễn Ngọc Tiến, khoa Niệu Bệnh viện FV phẫu thuật, tôi trải qua 6 chu kỳ hóa trị. Mỗi kỳ kéo dài 1 tuần, sau đó nghỉ 2 tuần và lại tiếp tục kỳ hóa trị tiếp theo. 
Khi đang hóa trị, tôi đột ngột bị nhồi máu cơ tim và ngưng thở. Bệnh lý bất ngờ này khiến tôi phải vào viện cấp cứu. May mắn thay, tôi hồi phục tốt và tiếp tục xạ trị và hóa trị để hoàn tất quy trình điều trị kéo dài đến hơn 10 tháng.
Tôi trở về nhà, nghỉ dưỡng đến năm 2007 thì bắt đầu đi làm lại. Ngày đầu tiên chạy xe đến sở làm, tôi như nhìn thấy lại mình của hơn 5 năm trước: khỏe mạnh, sống có ích, vẫn còn có thể cống hiến cho đời và quan trọng nhất là vẫn được ở bên vợ và nhìn các con khôn lớn.
Đến nay, đã gần 6 năm kể từ khi kết thúc quy trình điều trị, tôi vẫn đều đặn tái khám mỗi 6 tháng một lần và sức khỏe rất tốt, không hề phát hiện di căn hay tái phát. 
Nhìn lại chặng đường đã qua, có những lúc tôi đau đớn, sức khoẻ suy giảm, thậm chí đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết nhưng chưa bao giờ tôi bi quan hay có ý định bỏ cuộc. Tôi luôn dặn lòng không được phép gục ngã giữa chừng, không được phép phụ tình cảm của gia đình và những người thân quen. Họ đã luôn sát cánh và đặt niềm tin vào tôi nên tôi cần chứng minh cho họ thấy: Tôi có thể chiến thắng ung thư".
Chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng khoa Niệu, Bệnh viện FV
Trường hợp phẫu thuật nạo hạch di căn của anh Trần Thanh Khiết là một trong những trường hợp rất phức tạp. Hôm ấy, tôi vẫn còn nhớ như in sự căng thẳng khi chúng tôi cùng hội chẩn về trường hợp này vì bệnh ung thư tinh hoàn của bệnh nhân đã đến giai đoạn 3 và rất nghiêm trọng. 
Sau cuộc hội chẩn y khoa, chúng tôi quyết định sẽ phẫu thuật trước cho bệnh nhân, sau mới đến hóa trị và xạ trị. Đây là một trường hợp phẫu thuật khó, vì hạch đã di căn rất nhiều, lan đến cả các mạch máu lớn trong cơ thể như động mạch chủ bụng và tĩnh mạch thận trái. Sau hơn 4 giờ nỗ lực, ê-kíp phẫu thuật mới có thể nạo bỏ hoàn toàn hạch cho bệnh nhân.
Chúng tôi rất hài lòng với kết quả điều trị này và yếu tố quan trọng giúp trường hợp mổ thành công chính là sự kết hợp chặt chẽ giữa bác sĩ phẫu thuật, là tôi, và bác sĩ ung bướu Võ Kim Điền.
Ung thư tinh hoàn là dạng ung thư thường gặp ở nam giới trong độ tuổi trẻ, từ 16-35. Đặc biệt, tình trạng tinh hoàn ẩn (tinh hoàn nằm lạc chỗ ở bẹn hoặc ổ bụng) làm gia tăng đáng kể nguy cơ của bệnh ung thư này. Đây là dạng ung thư có tỷ lệ chữa khỏi cao nếu được phát hiện sớm nên các quý ông và các bà mẹ có con trai cần lưu ý kiểm tra tinh hoàn thường xuyên và phải đi khám bác sĩ ngay nếu phát hiện tinh hoàn ẩn, tinh hoàn to và cứng hơn bình thường, đau vùng bìu...
Hoàng Thảo

Bình luận(0)