Trước thông tin một số cơ quan truyên thông, báo chí đăng tải về tình trạng thịt ôi, cá chết đang được bán ở một số chợ trên địa bàn Hà Nội, Cục Y tế đã có công văn chỉ đạo và phối hợp giữa các ngành chức năng liên quan kiểm tra thông tin trên.
Sau một thời gian kiểm tra và lấy mẫu một số loại thực phẩm được báo chí phản ánh là mất vệ sinh an toàn thực phẩm, mới đây Cục An toàn thực phấm (ATTP - Bộ Y tế) đã nhận được báo cáo số 121/SNN-QLCL, ngày 8/5/2014 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội về kết quả xử lý thông tin báo chí phản ánh.
Theo đó, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội đã lấy mẫu thực phẩm tại 3 chợ bao gồm: Chợ đầu mối phía Nam, chợ Long Biên và chợ cá Yên Sở.
|
Theo Cục ATTP thì hiện nay không có quy định nào cấm tiểu thương bán cá chết. Ảnh chụp tại chợ đầu mối Dịch vọng - Cầu giấy. |
Kết quả kiểm tra cho thấy, với 22 mẫu thực phẩm bao gồm: 1 mẫu mướp đắng, 1 mẫu đậu xanh, 1 mẫu giò lợn, 1 mẫu cá bống khô, 1 mẫu ức gà, 5 mẫu rau, 1 mẫu táo, 1 mẫu xoài, 10 mẫu các loại thủy sản tươi sống đều không phát hiện các chỉ tiêu gây mất ATTP. Đáng lưu ý là các mẫu thủy sản tươi sống đều không phát hiện tồn dư thuốc kháng sinh và các chất tẩy trắng, chất bảo quản.
Theo Chi cục Thủy sản Hà Nội, chợ cá Yên Sở (quận Hoàng Mai) hoạt động dưới sự quản lý của Tổ quản lý chợ và chốt kiểm dịch động vật thủy sản liên ngành (bao gồm các lực lượng: Chi cục Thủy sản, công an và Quản lý thị trường). Chốt này hoạt động 24/24 giờ, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm thủy sản.
Hầu hết các sản phẩm thủy sản đều được kiểm soát chặt chẽ và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Trung bình mỗi ngày kiểm soát 58 lượt xe vận chuyển từ các tỉnh lân cận và từ một số huyện ngoại thành Hà Nội vào chợ.
Theo Điều 3 Thông tư số 06/2010/TT-BNNPTNT thì thủy sản thương phẩm và sản phẩm thủy sản không bắt buộc kiểm dịch khi lưu thông, vận chuyển (trừ các trường hợp thủy sản thương phẩm, sản phẩm thủy sản đưa ra khỏi vùng có công bố dịch đối với loài đó của cơ quan thẩm quyền), do vậy không thể cấm thủy sản thương phẩm hay sản phẩm thủy sản lưu thông, vận chuyển khi rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đối với thủy sản chết có thể sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như thức ăn cho gia súc và một số động vật khác nên cũng không có quy định nào cấm việc buôn bán cá hay thủy sản chết.
Báo cáo cũng ghi nhận, tại chợ cá Yên Sở, không có hộ kinh doanh nào buôn bán cá ươn và cá có dấu hiệu phân hủy, chỉ có một vài lô hàng có lượng nhỏ cá bị chết ngạt do quá trình vận chuyển.
|
Đa số các hộ kinh doanh tại chợ đều chấp hành tốt các quy định. |
Đối với chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai) , Chi cục Thú Y Hà Nội đã kiểm tra các hộ kinh doanh gia súc, gia cầm, kết quả cho thấy: đa số các hộ kinh doanh tại chợ đều chấp hành tốt các quy định: sản phẩm động vật kinh doanh tại chợ có dấu kiểm soát giết mổ, có Giấy kiểm dịch hoặc biên lai thu phí, lệ phí thú y; chấp hành việc kiểm tra, lấy mẫu của cơ quan chuyên môn.
Kết quả kiểm tra cũng đã ghi nhận, vẫn còn hiện tượng một số hộ lén lút kinh doanh sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ gây khó khăn cho công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý của cơ quan chức năng.
Như vậy, Cục ATTP khẳng định thông tin trên một số báo phản ánh tình trạng lưu thông thịt ôi, cá chết tại các chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội, gây hoang mang cho người tiêu dùng đã được xác minh là không chính xác.
Cục An toàn thực phẩm sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường chủ động phát hiện, xác minh và điều tra, truy xuất các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATTP, phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho người tiêu dùng.