Đó là những ý kiến được đưa ra tại Hội thảo “TPCN: Vai trò trong dự phòng, thực trạng quản lý và định hướng trong thời gian tới” do Cục An toàn vệ sinh thực phẩm) phối hợp Báo Lao động tổ chức ngày 30/11 tại TPHCM.
|
Ảnh minh họa. |
“Vàng thau” lẫn lộn
Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, trong hơn 10 năm trở lại đây, ở nước ta, thị trường TPCN phát triển nhanh chóng với gần 10.000 sản phẩm, trong đó nhập khẩu chiếm gần 40%. Thống kê cho thấy, có khoảng 1.800 doanh nghiệp trong nước sản xuất, kinh doanh TPCN.
Đến nay, TPCN lưu hành trên thị t[rường qua nhiều kênh phân phối khác nhau và công tác quản lý chưa thật sự hiệu quả, dẫn tới xảy ra nhiều sai phạm: hàng xách tay chưa công bố nhưng đã lưu hành; sản phẩm không đúng chất lượng như công bố, quảng cáo vượt quá công dụng…
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, tháng 10 vừa qua, Bộ Y tế đã kiểm tra 95 cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN, phát hiện 48 cơ sở sai phạm, trong đó 50% (48 cơ sở) có sai phạm về quảng cáo, một số cơ sở sai phạm về chất lượng, vệ sinh thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm sai quy định.
Ở góc độ đại diện người tiêu dùng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, sự phát triển quá “nóng” của ngành TPCN lại đặt ra cho công tác quản lý nhiều thách thức. Không ít tổ chức, cá nhân lợi dụng kẽ hở pháp luật và sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng về TPCN, dùng những lời quảng cáo “có cánh” để bán hàng với giá cao, gây thiệt hại về kinh tế, sức khỏe cho người tiêu dùng. Những hành vi vi phạm diễn ra dưới nhiều hình thức và quy mô, tính chất khác nhau.
Trên thực tế có những quảng cáo TPCN đã đi vào vùng cấm nhưng chưa bị ngăn chặn. Trên thị trường hiện có nhiều loại TPCN không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn được bày bán công khai. Có những loại sản xuất ở trong nước hay nhập từ Trung Quốc vẫn ghi là sản xuất tại Hoa Kỳ. Có loại được giới thiệu là “Đại bổ sâm nhung hoàn” nhưng mù mờ về thông tin. Hàng giả, hàng lậu, hàng không nhãn mác, hoặc thông tin trên nhãn không đầy đủ, không chính xác, đã làm cho thị trường TPCN “vàng, thau” lẫn lộn”.
Ông Nguyễn Thanh Phong lý giải, tốc độ phát triển các sản phẩm TPCN quá nhanh trong khi hệ thống các văn bản chưa theo kịp, công tác thanh tra, truyền thông đến sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng còn hạn chế. Thêm vào đó, việc kiểm nghiệm định lượng hàm lượng của TPCN rất khó. Sự phối hợp giữa các cơ quan trong quản lý chưa hiệu quả, khiến việc kiểm soát TPCN gặp nhiều khó khăn.
GS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ đã ban hành ít nhất năm văn bản để quản lý TPCN. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ có những điều chỉnh phù hợp về quản lý tốt mặt hàng TPCN, để nâng cao sức khỏe cho cộng đồng.
Không được kê toa thực phẩm chức năng
Theo ông Phong, TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học.
Bộ trưởng Y tế Kim Tiến thừa nhận, người tiêu dùng đang có những phản ứng trái chiều về TPCN, có nhiều nơi thì thần thánh hóa, có những nơi lại tẩy chay, đều do những quan niệm không đúng về thực phẩm chức năng.
Theo ông Hùng đánh giá, thực phẩm chức năng có tác dụng tăng sức đề kháng, phòng một số bệnh, vì vậy sử dụng thực phẩm chức năng theo đúng chỉ định là cách phòng bệnh tốt. Tuy nhiên, điều mà người tiêu dùng lo lắng chất lượng có thực sự tốt như nhiều quảng cáo? Giá bán đến tay người tiêu dùng có phản ánh đúng giá trị sản phẩm hay đã bị đẩy lên quá cao? Băn khoăn này khiến người dân chưa hiểu đúng về TPCN?
Tại Hội thảo nhiều đại biểu nhận định, người dân chưa hiểu đúng về TPCN nên sử dụng tùy tiện, đặc biệt do thiếu việc tư vấn sử dụng của nhân viên y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ, việc tư vấn cách dùng TPCN cho bệnh nhân là cần thiết nhưng không cần phải kê đơn TPCN, ngay cả một số loại thuốc không cần phải kê đơn. Nếu cho kê đơn TPCN cùng với thuốc gây ra lo lắng bác sĩ sẽ lạm dụng mặt hàng này khi kê đơn và cũng không chứng thực được loại thực phẩm đó có cần thiết cho loại bệnh đó hay không. Thêm vào đó, bảo hiểm y tế cũng không chi trả chi cho mặt hàng này.
Ông Phong đề xuất giải pháp, để quản lý tốt và giúp người dân sử dụng TPCN đúng cách, cần ban hành văn bản quản lý TPCN phù hợp với thực tế; khuyến khích công tác giữa các nhà khoa học, nhà sản xuất, cơ quan quản lý để cho ra đời các sản phẩm tốt, giá thành hạ; khuyến khuyến cán bộ y tế tư vấn người dân khi sử dụng TPCN.