Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những phương pháp sử dụng thảo mộc này không mang lại hiệu quả nhiều, thậm chí dù lành tính nhưng vẫn có nguy cơ gây dị ứng.
Dễ kiếm, rẻ tiền
Hiện nay, các phương pháp chữa tàn nhang bằng thảo dược được chị em khá ưa chuộng bởi nguyên liệu dễ kiếm, rẻ tiền, chủ yếu từ nguồn gốc tự nhiên nên được cho là vô hại, lại có thể tự làm tại nhà. Phương pháp đầu tiên có thể kể đến là kem cà bát - chanh. Theo đó, cà bát trắng rửa sạch, thái nhỏ, giã nhuyễn, trộn với nước cốt chanh rồi cho vào lọ đậy kín, sau 2 ngày có thể dùng bôi vào chỗ da bị tàn nhang.
Một phương pháp nữa được nhiều người áp dụng là kết hợp lá mướp, lá sen và mật ong. Theo đó, lá mướp (mướp đắng hoặc mướp hương) và lá sen phơi hoặc sấy khô, tán thành bột mịn, cho thêm mật ong vào quấy đều để chế thành một thứ cao lỏng, dùng để bôi lên chỗ da bị nám. Nước ép đu đủ xanh hoặc sự kết hợp củ cải trắng với chanh cũng là những phương pháp được ưa chuộng.
Có một điểm chung của các phương pháp này là đều khuyên người dùng bôi thường xuyên hằng ngày để có hiệu quả tẩy sạch nám và tàn nhang; đồng thời trong khi sử dụng các phương thuốc này cần kiêng ra nắng, gió.
Chị Nguyễn Lan Anh (117 Trần Duy Hưng, Hà Nội) cho biết, khoảng 2 năm nay da mặt chị bắt đầu có biểu hiện nám, ngày càng đậm và lan rộng. Chị đã áp dụng nhiều cách trị nám bằng thảo dược như nói trên, nhưng kết quả không như mong đợi. Hơn nữa, dù cách làm không quá cầu kỳ nhưng yêu cầu kiêng nắng gió thì rất khó thực hiện. Đấy là chưa kể có lần chị bị ngứa, sưng đỏ cả mặt chỉ vì dị ứng với nhựa đu đủ xanh.
|
Các loại thảo dược dù đều có nguồn gốc thiên nhiên, lành tính nhưng cũng không loại trừ những trường hợp da mẫn cảm và có thể dị ứng. |
Lành cũng vẫn ngứa đỏ, dị ứng
Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam cho biết, những cách trị nám bằng thảo dược như trên thực ra chỉ là kinh nghiệm dân gian, chứ không được ghi chép trong văn y. Vì vậy, Đông y cũng không xác định được tính xác thực của các phương pháp này.
Tuy nhiên, nám da, tàn nhang, theo Đông y là do máu huyết không lưu thông hoặc lưu thông không đều khiến cho máu tụ lại tại các điểm này, gây nên những đốm sẫm màu trên da. Về lý thuyết thì các cách làm tan máu tụ đều có tác dụng trị các nốt thâm này, tuy nhiên phải kiên trì thực hiện trong thời gian dài. Thành phần cách chất trị nám này đều từ thiên nhiên nên lành tính, có thể dùng lâu dài được.
Chuyên gia Nguyễn Minh Hương, Trung tâm Thẩm mỹ Trúc Lâm lại cho rằng, nám, sạm da, tàn nhang là do sự gia tăng hắc sắc tố melanin ở da, tạo nên các đốm sẫm màu. Nám da, tàn nhang thường xuất hiện ở phụ nữ sau tuổi 30 với nguyên nhân do tiếp xúc với các tia bức xạ trong ánh nắng mặt trời; do thiếu hụt nội tiết tố estrogen ở phụ nữ giai đoạn sau sinh, giai đoạn tiền mãn kinh hay mãn kinh; do lão hóa da theo độ tuổi.
Ngoài ra, việc sử dụng mỹ phẩm tẩy trắng da, hoặc do máu huyết kém lưu thông cũng khiến da không được cung cấp đủ dưỡng chất... Những vấn đề này cũng làm da trở nên suy yếu, nhạy cảm trước các tác nhân gây hại từ môi trường và dễ bị nám, sạm, tàn nhang. Để giải quyết vấn đề này không chỉ cần các biện pháp thoa, bôi bên ngoài, mà còn phải chú trọng bổ sung nước và dưỡng chất cho cơ thể, giúp tăng cường lưu thông khí huyết, tăng lượng máu đến nuôi dưỡng da, giúp da sáng đẹp, hồng hào, tăng cường hệ thống miễn dịch, tăng khả năng tái tạo da và hạn chế lão hóa da.
Chuyên gia Nguyễn Minh Hương cũng cho hay, các loại thảo dược dù đều có nguồn gốc thiên nhiên, lành tính nhưng cũng không loại trừ những trường hợp da mẫn cảm và có thể dị ứng với các thành phần thảo dược này. Ngoài ra, nếu không đảm bảo vệ sinh da đúng cách trước khi bôi đắp các hỗn hợp này thì nguy cơ thẩm thấu ngược các chất bẩn trên da khiến da dị ứng, ngứa đỏ, thậm chí mọc mụn... cũng không thể loại trừ.
Các thảo dược khi được sử dụng để bào chế mỹ phẩm đều đã qua quá trình tinh chế, chọn lọc các tinh chất thích hợp và loại bỏ các thành phần có nguy cơ gây hại cho da, vì thế sẽ đem lại hiệu quả cao hơn và an toàn hơn việc dùng trực tiếp các loại thảo mộc đó.
Chuyên gia Nguyễn Minh Hương