Cứu bệnh nhi ung thư máu thâm nhiễm thần kinh và thận

Google News

(Kiến Thức) - Sau một ngày phát hiện kịp thời, Bệnh viện Nhi trung ương đã cứu sống cháu H.Đ.M., 2 tuổi ở Lạng Sơn, bệnh nhi ung thư máu thâm nhiễm thần kinh và thận. 

Bệnh nhi M. trước và sau điều trị. 
Ngày 26/4, cháu H.Đ.M. nhập Bệnh viện Nhi T.Ư do có khối u vùng thái dương 2 bên. Theo người nhà kể lại, từ tháng 4/2014, cháu M. có triệu chứng sốt, viêm họng kéo dài, sau đó sưng vùng thái dương trái, trẻ đã đi khám và điều trị kháng sinh nhưng không đỡ. 1 tuần sau khi có u vùng thái dương trái, trẻ xuất hiện thêm các biểu hiện như thái dương phải cũng nổi u, phì đại lợi, mắt lồi to. Trẻ được chuyển đến khám chuyên khoa Ung bướu của Bệnh viện Nhi T.Ư. 
Nhận định đây là trường hợp bệnh nặng, hiếm gặp, nhóm các chuyên khoa chẩn đoán bệnh ung thư của bệnh viện đã khẩn trương làm xét nghiệm máu, tủy đồ, miễn dịch tế bào tủy xương, chụp cộng hưởng từ sọ não, siêu âm bụng... Sau 1 ngày, bệnh nhi được chẩn đoán là bạch cầu cấp dòng lympho L3 có thâm nhiễm thần kinh trung ương, thận 2 bên (U lympho Burkitt's) bị bệnh bạch cầu cấp dòng lympho L3 (một thể nặng, hiếm gặp của bệnh ung thư máu). Ngay lập tức, cháu M. được điều trị hóa chất theo phác đồ, vì nếu để chậm, bệnh ung thư tiến triển nhanh, có thể sẽ không qua khỏi. May mắn, sau khi điều trị hóa chất 2 ngày, trẻ có tiến triển tốt, khối u nhỏ dần và hết, hết lồi mắt và thâm nhiễm lợi, không có biến chứng nặng. Tuy nhiên, bệnh nhi vẫn cần tiếp tục truyền hóa chất 6 đợt nữa và theo dõi thêm.
TS.BS Bùi Ngọc Lan, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, bệnh bạch cầu cấp dòng lympho là căn bệnh ung thư gặp nhiều nhất ở trẻ em, chiếm khoảng 30% bệnh nhân ung thư. Nhưng bạch cầu cấp dòng lympho L3 chỉ chiếm 1 - 5% tổng số bệnh nhân bạch cầu cấp dòng lympho. Bệnh tiến triển nhanh, nặng, có thể tử vong trước khi điều trị. Cũng giống như những căn bệnh ung thư khác, kết quả việc điều trị bệnh ung thư máu ở trẻ em phụ thuộc nhiều vào thời điểm phát hiện ra bệnh. Trẻ được phát hiện bệnh càng sớm thì càng có nhiều cơ hội điều trị. Tuy nhiên, việc phát hiện bệnh sớm không hề đơn giản đối với gia đình người bệnh cũng như chính các bác sĩ.
Vì vậy, TS.BS Ngọc Lan khuyến cáo, cha mẹ cần quan tâm, chăm sóc sức khoẻ của con em mình. Khi có các biểu hiện bất thường như nổi u, hạch, da xanh, xuất huyết, đau xương, sốt dai dẳng, điều trị các nhiễm khuẩn thông thường mà không cải thiện, trẻ cần được làm các xét nghiệm và khám tại cơ sở y tế chuyên sâu để phát hiện và điều trị kịp thời.
Nhật Hà

Bình luận(0)