Say nên đòi cưa tay!
GS.TS Phạm Duệ nhớ mãi một trường hợp khi ông phải trực ngày cận Tết. Một thanh niên được đưa đến sau khi đi nhậu ở làng rắn Lệ Mật (Gia Lâm, Hà Nội). Khi đã ngà ngà, anh ta lững thững đi... xem rắn. Do say, nên anh ta cho cả ngón tay vào lồng đùa với rắn, không ngờ nó mổ (mổ dọa) khiến anh ta hồn vía lên mây, nằng nặc đòi đưa đi cấp cứu.
Tại Trung tâm Chống độc, bệnh nhân này đề nghị “cắt tay nếu không tôi chết mất!”. Tuy nhiên, khi kiểm tra, bác sĩ không phát hiện có vết rắn cắn nên giải thích là không phải cưa tay Không chịu nghe bác sĩ, bệnh nhân và nhóm bạn (toàn người có hơi men) làm náo loạn chỉ bởi không được đáp ứng yêu cầu.
Bản thân GS.TS Phạm Duệ đã lĩnh một cú đấm vào mặt. May sao, tại Trung tâm hôm đó có anh công an đi khám vì đau bụng. Anh này đã khuyên các nhân viên y tế: “Tránh đi, không đôi co giải thích nữa”, sau đó cũng chính anh gọi điện cho công an phường sở tại đến hỗ trợ giải quyết. Tình thế chỉ được ổn định khi công an phường tới.
Say từ trước, trong đến sau Tết
Theo GS.TS Phạm Duệ, thời điểm trước Tết, người ta ăn nhậu nhân dịp tất niên, khánh thành nhà mới khá nhiều. Trong các cuộc nhậu này, rất dễ xảy ra ngộ độc rượu.
|
Ảnh minh họa. |
Trong 3 ngày Tết, thường số người bị ngộ độc rượu dẫn đến phải đi cấp cứu không nhiều. Lý giải về điều này, GS.TS Phạm Duệ cho rằng: Dân gian có câu “No 3 ngày Tết”, tức là ngày Tết không ai bị đói cả; uống rượu khi không đói đỡ say hơn. Trừ khi uống phải rượu độc, còn nếu uống rượu thông thường, dù là hơi say, nhưng trong trạng thái hưng phấn, người ta đi sang nhà khác cười nói, chúc tụng. Quá trình đi lại như thế cũng “thải” bớt rượu.
Tuy nói 3 ngày Tết thường ít người ngộ độc rượu, nhưng GS.TS Phạm Duệ cho biết, tình hình ngộ độc rượu trong 3 ngày Tết có tăng lên. Nếu như mọi năm, trong mấy ngày Tết chỉ có 1 - 2 người cấp cứu vì ngộ độc rượu, thì trong dịp Tết Quý Tỵ 2013, có tới hơn 10 trường hợp phải cấp cứu vì quá chén (tính riêng tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai).
Thưởng rượu chứ đừng “uống”
Theo các chuyên gia chống độc, dù là rượu vang hay bia (tức các thức uống có nồng độ cồn được xem là nhẹ) thì cũng không nên lạm dụng, bởi nếu như bia là 50, rượu thông thường từ 20 - 300, wisky 400 thì tính ra 800ml bia = 100ml rượu mạnh. Uống bia thả phanh và cho rằng “tôi chỉ uống bia” cũng dẫn đến ngộ độc.
Theo GS.TS Phạm Duệ, nhìn rượu với khía cạnh tích cực và đúng bản chất là thứ đồ uống tinh túy, thức khai vị, chất dẫn thuốc có lợi cho sức khoẻ. Một chén rượu nhỏ khiến người ta hưng phấn, cởi mở hơn. Tuy nhiên, nếu dùng “quá” khiến nồng độ rượu trong người cao thì rượu lúc này trở thành chất độc. Dù chưa đến mức hôn mê, nhưng nếu uống nhiều rượu sẽ khiến mất kiểm soát bản thân và hậu quả thật khó lường. Vì vậy, chỉ nên thưởng thức chứ đừng uống rượu. Đặc biệt, đừng để “rượu uống mình”.
Khi có người thân say rượu, cần đưa người đó vào chỗ kín gió nghỉ ngơi, tránh để bị kích động. Sau đó, người nhà phải có sự theo dõi đề phòng người đó hôn mê sâu. Người uống nhiều dẫn đến say rượu thường ngủ sâu, nhưng nếu có khó thở, khò khè, tụt lưỡi... thì phải đưa ngay đến viện (bởi lúc đó người đó đã hạ đường huyết, tụt huyết áp).