Ở nơi “thèm” người

Google News

Theo anh Mông Thế Minh, ở nơi hoang sơn này, món quà quý giá nhất mà anh em trực sóng đón đợi đó là những tiếng xe máy lạ...

- Chiếc xe chở chúng rôi dò dẫm rẽ đám sương mù đặc quánh vượt qua đoạn đường đến trạm phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam trên đỉnh núi Phia Oắc cao 1.931m.

Mong khách như trẻ mong mẹ về chợ

Thấy chúng tôi xuất hiện, anh Mông Thế Minh lò dò khoác chiếc áo ấm đi ra. Đôi mắt anh nheo nheo cố phóng tầm mắt vượt đám sương mù để nhìn cho rõ mặt từng người. Anh dẫn chúng tôi vào một căn phòng nhỏ để nghỉ ngơi cho đỡ lạnh rồi bảo: Ở nơi hoang sơn này, món quà quý giá nhất mà anh em trực sóng đón đợi đó là những tiếng xe máy lạ và những người từ dưới núi lên thăm.

Anh Minh vội vàng khua tay lấy cái phích nước pha ấm trà đặc "thiết đãi" chúng tôi. Anh hào hứng kể cho chúng tôi nghe chuyện về chính mình một cách đầy hứng thú. Anh quê ở Trùng Khánh, Cao Bằng. Trước đây, anh học trường Trung cấp Phát thanh - Truyền hình Hà Nam. Học xong, anh về quê xin vào làm tại trạm phát sóng Quốc gia của Đài tiếng nói Việt Nam trên cổng trời Phia Oắc.

Anh Minh tâm sự: "Mình vừa rời gót phố thị, nơi phồn hoa vui vẻ bỗng đùng một cái khăn gói lên Phia Oắc sống giữa ngút ngát trùng sơn quanh năm sương phủ. Sự cô đơn không chỉ đến từ không gian cô liêu, u tịch mà đến từ chính lòng người. Có những lúc mình nhớ đến cháy lòng cảm giác được ngồi ở quán cóc vỉa hè nhâm nhi cốc trà đá, hay ngồi cà kê cùng anh em chúng bạn chia nhau chén rượu vơi đầy".

Năm 2009, anh Minh lập gia đình. Cưới xong chẳng được bao lâu, vợ chồng đã phải xa nhau. Anh lên núi làm bạn cùng những bước sóng phát thanh, còn vợ anh lại ở nhà tần tảo chăm lo công việc gia đình, nhà cửa. Anh Minh kể: "Hồi mới cưới nhau, nhà tôi siêng lên núi lắm. Cứ khoảng 10 ngày nhà tôi lại lọc cọc phi xe máy từ thị xã Cao Bằng lên đến Phia Oắc thăm tôi. Khi lên núi, nhà tôi đem rất nhiều đồ, nào là muối, mắm, mỳ tôm, thịt, cá... để dự trữ ăn trong nửa tháng. Nhưng sau đó chúng tôi có con, cô ấy phải ở nhà, tôi phải trực trạm thường xuyên nên ít khi về thăm nhà. Cũng vì thế mà cảm giác nhớ gia đình, vợ con lại tăng lên gấp bội".

Trên đỉnh Phia Oắc, hãn hữu lắm mới có khách dưới xuôi lên thăm. Chính vì thế mà mỗi khi nghe thấy tiếng xe máy lạ anh em trực trạm rất vui và chạy ra đón khách từ rất xa. Cái cảm giác ngóng đợi tiếng xe máy lạ cứ phập phồng, thắc thỏm giống như là đứa trẻ mong mẹ đi chợ về, chỉ có điều khác là những đứa trẻ được nhận trên tay mẹ món quà là cái bánh rán, manh quần, tấm áo... còn anh em trực trạm đón chờ những tiếng cười nói, những cái bắt tay...

Những thiết bị phát sóng lắp đặt trên núi Phia Oắc phải hứng chịu những trận sấm sét dữ dội.
Anh Minh bên thiết bị thu phát sóng.

Chén rượu nơi u sơn

Năm 2007, Đài tiếng nói Việt Nam đã xây dựng trạm phát sóng cao 75m trên đỉnh núi Phia Oắc. Khi mới xây dựng, đường lên Phia Oắc vô cùng khó khăn. Nếu muốn lên đỉnh Phia Oắc phải đi bộ, leo núi gần nửa ngày mới tới nơi. Những ngày đầu, anh em trực trạm phải phân công nhau xuống núi tiếp tế lương thực và thuốc men.

Anh Minh cho biết: "Mỗi tháng, anh em xuống núi 1 - 2 lần mua thực phẩm như gạo, thịt, cá... Thịt lợn, cá, khi mua về phải ướp muối rồi cho vào tủ lạnh ăn dần trong vòng từ 10 - 15 ngày. Mỗi lần xuống núi, một loại đồ uống mà không anh em nào quên mua đó là rượu. Ở nơi hoang sơn u tịch này, chén rượu khi nhớ nhà, khi thời tiết lạnh giá cũng là nguồn động viên mỗi khi cần. Ngoài ra, anh em trực trạm còn nuôi thêm được vài con gà để những ngày mưa bão, hay lễ tết anh em thịt làm cỗ".

Nói rồi anh Minh quờ tay ra phía sau lôi ngay ra một can rượu trắng. Anh rót ra một cái chén mắt trâu rồi chia đều cho mỗi người một ngụm và giải thích rằng: "Phia Oắc cao tới 1931m so với mặt nước biển nên không khí rất lạnh. Chênh lệch nhiệt độ trên đỉnh núi và dưới núi từ 6 - 8 độ. Vì thế, mặc dù bây giờ mới đang đầu thu nhưng anh em lúc nào cũng phải dùng đến chăn bông và áo ấm.
 
Ngoài ra, còn một thứ có thể chống lại cái lạnh ở Phia Oắc đó chính là rượu. Chỉ cần mỗi người uống một ngụm rượu sẽ cảm thấy trong người ấm áp. Vào mùa đông, nhiệt độ ở Phia Oắc có khi xuống dưới 0 độ C, anh em trực trạm phải dùng rượu để sưởi ấm, để chống lại cái lạnh cắt da cắt thịt nơi rừng hoang núi thẳm".

Nghe lời anh Minh kể, tôi liền đưa chén rượu lên môi và cảm nhận nó chảy vào huyết quản. Một cảm giác nóng ấm lan tỏa khắp cơ thể. Thấy tôi thích thú với việc "sưởi ấm bằng rượu". Anh Minh nhắc nhở, rượu ở đây ngon thật, nhưng chỉ dùng để "sưởi ấm" chứ không được uống say. Ở đây anh em chưa bao giờ say rượu mà quên nhiệm vụ.
Anh Mông Thế Minh liên tục kiểm tra thiết bị phát sóng, quyết tâm không để việc phát sóng bị gián đoạn.
Anh Mông Thế Minh liên tục kiểm tra thiết bị phát sóng, quyết tâm không để việc phát sóng bị gián đoạn.
Làm bạn với sét

Anh Nông Văn Minh, một cán bộ bảo vệ mục tiêu cho biết: "Ở Phia Oắc ngoài rượu ra anh em còn có thêm một người bạn tử thần đó là sét. Từ khi xây dựng trạm đến nay, chưa có trận mưa nào mà sét không đánh vào trạm. Có những hôm mưa sét đánh suốt cả ngày, những tia sét tử thần cứ nhằm trạm mà nã. Sau những lần như thế là mùi khét lẹt lan tỏa khắp nơi vì các thiết bị viễn thông bị cháy".

Anh Nông Văn Minh chưa kịp kể hết lời thì đám mây dông bất chợt kéo đến. Một tiếng sét nã xuống cùng với tiếng kêu loẹt xoẹt chứa đầy chết chóc. Bóng đèn điện trên tường bỗng nổ tung rồi tắt ngóm. Chiếc ti vi đang xem cũng xèo xèo phụt tắt. Sau tiếng nổ xé óc vì sét đánh, chúng tôi bịt tai lại ngồi co rúm người trong một góc tường. Anh em kíp trực lấy bóng đèn khác lắp lại chỗ cũ và khẩn trương đi kiểm tra thiết bị phát sóng. Đối diện với tử thần như thế nhưng họ làm việc khá thản nhiên, nhẹ nhõm.

Anh Mông Thế Minh, kíp trực sóng, kể thêm: "Mùa hè năm 2010, mưa gió liên tục, sét đánh trạm dai dẳng cả tuần liền, cứ có mưa là có sét. Lúc đó, sét đánh cháy hết các thiết bị phát sóng, anh em phải băng qua những tia sét liếm ngang đầu để kích hoạt thiết bị dự phòng, đảm bảo không để mất sóng. Thế nhưng, sau khi chạy thiết bị dự phòng được vài phút thì sét tiếp tục nã vào trạm làm cháy cả thiết bị dự phòng. Đó là lần duy nhất kể từ khi xây dựng năm 2007 đến nay trạm bị mất sóng, và phải đợi ngớt mưa Đài tiếng nói mới đưa được thiết bị thay thế lên đỉnh Phia Oắc để tiếp sóng trở lại".
        

Giữa núi cao rừng sâu, cuộc sống của những người trực trạm phát sóng của Đài tiếng nói Việt Nam gặp muôn trùng khó khăn. Khi chúng tôi chào các anh em trực trạm ra về, anh Mông Thế Minh giữ lại ăn trưa rồi bảo: "Cuộc sống anh em trên này chỉ có thế". Nói rồi anh chạy vào mở cửa tủ lục lạo, lúc sau anh quay ra với hai bàn tay không. Anh nhìn chúng tôi cười: "Hết mỳ tôm rồi, thật là ngại với các anh nhà báo quá".

Nói rồi anh lại lôi từ gầm bàn ra can rượu trắng thơm lừng rót ra từng chén để anh em "ăn trưa" với nhau và cụng ly trong tràn ngập tiếng cười. Anh cười khà khà: "Chiều nay đội tiếp tế lương thực, thực phẩm mới lên núi, anh em chịu khó nhịn đến chiều vậy".

Quách Dương
[links()]

Bình luận(0)