Chia tay, ly hôn, đối diện với mất mát... là những lần "chết trong lòng"...
- Chia tay, ly hôn, đối diện với mất mát... là những lần “chết trong lòng” mà mỗi chúng ta đều trải nghiệm trên đời. Hãy nhớ lại, và chia sẻ - chuyên viên tâm lý Ngô Toàn đề nghị tại một lớp học yêu ở Hà Nội.
Chết đi và tái sinh
Đó là một bài tập chúng tôi được chứng kiến tại một khóa học yêu kéo dài 8 buổi, mang tên “Ái tình, ly biệt và tái sinh” trong một ngõ nhõ của làng Thành Công, Đê La Thành, Hà Nội.
Hai học viên nữ của lớp học bật khóc khi nhớ về lần mình “chết” về tình cảm, tinh thần. “Trước đây, tôi sống không gần gũi với bố nhiều. Người ta nói con gái thần tượng bố, tôi thường bật cười. Tôi đã khóc nhiều khi nhận ra sự thật ấy, nhận ra điều mình quý giá nhất, lúc bố tôi mất đi.”
Chị Nguyễn Thị Thu Hà (giáo viên văn, 30 tuổi) cho biết đó là cái “chết” lớn nhất, hơn bất kỳ mối tình nào đi qua đời.
|
Chia sẻ về trải nghiệm chết trong tình yêu |
Một học viên khác chưa quên được cảm giác mất mát bàng hoàng khi tận mắt nhìn thấy bố mình ngoại tình với một cô hàng xóm. “Đó là người bố tôi vẫn luôn tôn thờ, ngưỡng mộ”.
“Chết đi còn dễ dàng hơn là chịu đựng” là trải nghiệm của chị Nguyễn Thu Thuỷ (35 tuổi, kinh doanh) khi chia tay mối tình đầu. “Cách tôi vượt qua nỗi đau của mình là chìm đắm trong đó, nhận ra những giá trị của mình, yêu quý bản thân bất luận người khác nói gì, kể cả khi bị người yêu từ bỏ”.
Câu chuyện “chết” trong tình yêu của lớp học cuối cùng không chỉ chia tay người yêu, ly hôn mà còn gắn liền với những mối quan hệ gia đình, bạn bè, kể cả con mèo mà ta gần gũi. “Trong đau đớn, khủng hoảng có sự tĩnh lặng để cảm nhận, chăm sóc những gì sâu xa nhất trong mình, nhận ra những gì quý giá để thay đổi mình, được tái sinh, sống theo cách khác đi, bình yên và hạnh phúc hơn” - giảng viên lớp học nói.
Bị định kiến, sĩ diện ngăn cản
“Tôi thấy những người bạn của mình loanh quanh luẩn quẩn với những vấn đề mà họ gặp phải trong tình yêu. Những ràng buộc trong quan niệm về tình yêu, những phong tục văn hoá bóp cổ không thở được, bịt mắt không nhìn được, không cho phép họ tìm được tình yêu thực sự” - anh Lê Thành Hoà (bác sỹ, Khâm Thiên), người đã sống hơn 20 năm ở Đức, nói.
Theo anh Hoà, những rào cản, định kiến, sĩ diện ngăn trở người ta thể hiện con người thật của mình mở lòng với tình yêu, đặc biệt sau ly hôn.
|
Học yêu cũng ghi chép, làm bài tập chăm chỉ |
Nhiều phụ nữ anh biết chấp nhận một cuộc sống ngục tù, ông chồng vừa không làm ra tiền, vừa gia trưởng, đánh đập vợ chỉ để “có chồng”, “gia đình yên ổn” trong mắt người khác. Người ta cũng có cái nhìn phân biệt với những người đã ly hôn, cho là “mất giá”, kém giá trị.
“Ly hôn là điều không ai muốn, nhưng vẫn phải làm khi không thể tiếp tục sống hạnh phúc với nhau. Cũng giống như mua một căn nhà rồi nhận ra không như ý, chỉ có hai cách, hoặc sửa chữa lại, hoặc đạp đổ đi xây mới, thay vì chìm đắm trong ngôi nhà cũ rồi bắt mình chịu đựng nó”.
Theo anh Hoà, ly hôn là một “cái chết” mà để “tái sinh”, ở nước ngoài, người ta sẽ gắng sức chia tay như một người bạn, cùng chăm lo cho con, chúc nhau hạnh phúc. Họ chuyển nơi ở, chỗ làm, bắt đầu cuộc sống trong một căn nhà mới.
Thế nhưng ở Việt Nam, chuyển tới một nơi mới chẳng thể làm cuộc sống của một người vừa ly hôn tươi sáng hơn, bởi định kiến héo rũ trong chính họ và người xung quanh.
“Sự thay đổi chỉ có thể bắt đầu ngay từ bên trong và đó là lý do ta cần phải học yêu để sống thật hơn với chính bản thân mình, dám bứt phá để có tình yêu thực sự” - anh Hoà nói.
Thành viên lớp học yêu ngẫu hứng này đều là những người độc thân, hoặc chưa bước vào hôn nhân, hoặc đã một lần đứt gánh. Điều thú vị nhất mà họ thu nhận được sau 8 buổi học lại là hiểu được những cảm xúc sâu kín trong chính tâm hồn mình.
“Cuối cùng, người ở lại trong tất cả các mối quan hệ yêu đương lại là chính bản thân mình. Nếu không thấu hiểu và hoàn thiện bản thân thì khó yêu mình đúng đắn, dễ dàng vùi dập bản thân khi người yêu từ bỏ, tình yêu ra đi” - chị Thu Thuỷ chia sẻ câu nói của giảng viên mà chị tâm đắc nhất.
“Kỳ cục”, “đặc biệt”, “khác lạ” là những từ giảng viên và học viên mô tả khóa học yêu của mình.
Chủ đề của 8 buổi học (mỗi buổi kéo dài 2 tiếng) đã cho thấy hàm lượng lý thuyết, trừu tượng đậm đặc: tình yêu ấu thơ, sinh thái học và sex, lý thuyết tam giác tình yêu và các lý thuyết không hề lãng mạn về tình yêu lãng mạn, bệnh lý tình yêu, chết và tái sinh trong tình yêu...
Trao đổi về sự lý thuyết, trừu tượng trong nội dung và cách diễn giải của lớp học, chị Phạm Thị Kim Oanh (giáo viên, Hoài Đức) thừa nhận nhiều kiến thức chuyên sâu, cao siêu, hơi khó hiểu so với bản thân mình. Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thu Hà lại cho rằng nền tảng lý thuyết là gốc rễ cần thiết cho mọi thứ, kể cả tình yêu. |
Hướng Dương