Chân dung người tìm ra Đà Lạt bằng 10.000 hạt đậu

Google News

(Kiến Thức) - Họa sĩ Vi Quốc Hiệp sau một thời gian dài kiên trì sáng tạo đã kết 10.000 hạt đậu các loại thành chân dung bác sĩ Yersin - người tìm ra Đà Lạt vào năm 1893.

Chúng tôi đến phòng vẽ tại gia của họa sĩ Vi Quốc Hiệp ở khu dân cư mới Yersin Đà Lạt (Lâm Đồng) đúng lúc người họa sĩ này đang loay hoay hoàn thiện những công đoạn cuối cùng của bức chân dung người tìm ra Đà Lạt.
Họa sĩ Vi Quốc Hiệp bộc bạch, là người nặng lòng với miền đất này, ông muốn làm một chút gì đó cho Đà Lạt. Cuối năm nay, Đà Lạt sẽ diễn ra một loạt sự kiện như Festival hoa lần thứ 5; Festival di sản UNESCO Việt Nam – ASEAN lần thứ nhất; Kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và Phát triển và Công bố năm du lịch quốc gia Tây Nguyên – Đà Lạt năm 2014, nên ngay từ đầu năm, ý tưởng “vẽ” chân dung người tìm ra Đà Lạt đã được hình thành trong đầu ông.
 Tác giả bên chân dung người tìm ra Đà Lạt.
Nghĩ là làm. Thế nhưng, vẽ bằng bút, mực, sơn dầu, giá đỡ như mọi khi thì… thường quá. Phải có cái mới lạ, độc đáo mới làm nên một bác sĩ Yersin đặc biệt. Vậy là ý tưởng “vẽ” bằng những hạt đậu được hình thành trong đầu ông. 9 loại đậu đã được Vi Quốc Hiệp lùng khắp chợ Đà Lạt mua về xếp thành từng bao. Hàng xóm những ngày đầu nhìn thấy vị họa sĩ này chuyển đậu về nhà ai cũng ngỡ để làm nhân bánh.
Vi Quốc Hiệp tâm sự, nghĩ thì dễ, nói cũng dễ nhưng làm thì khó. Khác với những nét vẽ chân dung bình thường, “vẽ” bằng những hạt đậu không phải là chuyện đơn giản. Để đạt được sự mềm mại, tự nhiên, lột tả được chân dung, tính cách bác sĩ Yersin từ những hạt đậu vô hồn đòi hỏi người họa sĩ phải thể hiện hết mình sự khéo léo, tài hoa.
 Chân dung bác sĩ Yersin bằng 10.000 hạt đậu.
Sau nhiều tháng lên kế hoạch, bắt tay vào thực hiện, rồi chỉnh sửa, mê “vẽ” đến mất ăn quên ngủ, cuối cùng đến những ngày nửa cuối tháng 8 này, chân dung người tìm ta Đà Lạt đã hoàn thành. Chân dung bác sĩ Yersin bằng 10.000 hạt đậu các loại có chiều cao 1,5 mét và chiều rộng là 1,1 mét. Ngốn mất trên 6kg đậu, bao gồm đậu hà lan, đậu nành, đậu phụng, đậu đỏ, đậu ngự…
Màu tranh chân dung bác sĩ Yersin hoàn toàn tự nhiên bằng màu thật của hạt đậu mà không phải qua công đoạn xử lý màu. Các loại đậu được xử lý sơ qua loại thuốc chống sâu mọt để đảm bảo tranh có thời gian kéo dài được lâu. Sau khi hoàn thành, bức tranh hạt đậu được quét thêm một lớp dầu bóng, độ bền sẽ rất cao mà không thay đổi được màu tự nhiên của hạt đậu.
Họa sĩ Vi Quốc Hiệp cho biết, đây là một trong số 120 bức tranh mà ông chuẩn bị cho đợt triển lãm vào đầu tháng 11 tới, nhân kỷ niệm Đà Lạt 120 năm hình thành và phát triển.
Khắc Lịch

Bình luận(0)