Vụ “người rừng”: Nạn nhân của sự vô cảm!

Google News

(Kiến Thức) - Nếu sự vô cảm đã kéo dài tấn bi kịch rừng xanh của cha con ông Thanh thì giờ đây hy vọng lòng nhân ái sẽ giúp họ từng bước hòa nhập vào cuộc sống mới...

Việc hai cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh (81 tuổi) và Hồ Văn Lang (41 tuổi) người dân tộc Kor vừa được đưa về địa phương sau 40 năm sống trong khu rừng thuộc huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi, đã khiến cho bất cứ ai có nhân tâm đều không khỏi trăn trở. 
Tại sao điều ấy lại có thể xảy ra suốt 40 năm ròng rã trên đất nước vốn giàu truyền thống nhân nghĩa này? Làm sao để ông Thanh và anh Lang có thể hòa nhập cộng đồng mà khi mà bao nhiêu năm sống tách biệt trên đỉnh APon giữa đại ngàn đã biến họ giờ đây như những con thú hoang cô độc giữa cuộc sống loài người?
 Vẻ mặt đầy căng thẳng của "người rừng" khi lần đầu tiên được nắm tay phụ nữ.
Có thể vụ “người rừng” khiến nhiều người sửng sốt. Nhưng một sự thật còn sửng sốt hơn đó là không ít người ở thôn Trà Kem xã Trà Xinh và họ hàng ông Thanh đều vô tư kể rằng họ biết, thậm chí còn gặp hai cha con ông Thanh sống trong rừng từ lâu. Đặc biệt là anh Hồ Văn Tri (con ông Thanh) và anh Hồ Minh Lâm (cháu ruột ông Thanh) cho biết, cách đây ngót 30 năm đã vào rừng mời ông Thanh “xuống núi” nhưng ông từ chối.
Tại sao nhiều người ở thôn Trà Kem biết cha con ông Thanh sống đơn độc nơi núi sâu rừng thẳm với gió mưa rét mướt, thú dữ và muôn vàn rủi ro khác mà không ai làm gì để đưa họ về với cuộc sống đời thường. Có thể có người sẽ biện hộ: Ồ, ngay con ruột của ông ấy bao nhiêu năm qua còn chẳng làm gì huống hồ chúng tôi? Chính sự thờ ơ vô cảm đã khiến người ta bỏ rơi đồng bào, người thân của mình giữa chốn thâm sơn cùng cốc và chẳng quan tâm đến họ sống chết thế nào?
Vụ “người rừng” không chỉ là sự vô cảm của gia đình và người dân địa phương mà còn là trách nhiệm lớn của chính quyền sở tại. Cha con ông Thanh vào rừng năm 1972 và 3 năm sau đất nước thống nhất. Chẳng lẽ suốt 38 năm qua, người dân ở Trà Kem biết vụ việc này mà chính quyền địa phương lại không hay? Phải chăng sự vô cảm và thiếu hiệu năng của chính quyền sở tại đã kéo dài cái bị kịch khốn khổ của hai cha con “người rừng” suốt ngót 4 thập niên với bao đời “công bộc của dân” đến rồi đi trong vinh dự là hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc?
Chưa nói đến vấn đề quản lý nhân khẩu mà chỉ nói đến việc quản lý lãnh thổ của chính quyền sở tại trong vấn đề này đã có những bất cập. Chính quyền, với lực lượng nòng cốt là bộ đội biên phòng và lực lượng kiểm lâm, vẫn thường tự hào là quản lý tốt đến từng mét vuông rừng quốc gia, ấy thế mà lại hề không hay biết có hai “người rừng” tồn tại “bất hợp pháp” ngót 40 năm trên địa bàn của mình? Có người còn đùa rằng: May mà cha con ông Thanh chỉ tồn tại hiền lành chứ nếu là hai đối tượng liên quan đến an ninh quốc gia thì không biết chính quyền sẽ ăn nói làm sao?
Đưa được “người rừng” về lại thôn làng là công lao xứng đáng được ghi nhận của các cấp chính quyền địa phương hiện tại. Tuy nhiên, từ đây lại mở ra một vấn đề không kém phần nan giải đó là làm thế nào để họ hòa nhập cộng đồng. Hai cha con “người rừng” đã biệt lập với thế giới loài người quá lâu nên giờ đây để họ chập chững hòa nhập vào cuộc sống lại là vấn đề không hề đơn giản chút nào. Trước nỗi nhớ rừng quay quắt của ông Thanh qua tiếng kêu bằng ngôn ngữ đồng bào Kor "Tra xú mờ gót" (nghĩa là muốn trở về núi rừng, thăm rẫy), đã có ý kiến là nên trả lại họ về lại với rừng bởi giờ đây họ không thể hòa nhập được nữa rồi, sự cưỡng bách có thể giết chết họ về tinh thần lẫn thể xác …
Liệu có cực đoan quá không khi trả họ về rừng thay vì ta phải bằng mọi biện pháp hợp lý có thể để giúp họ làm quen với cuộc sống mới? Không gì có thể biện minh cho việc đầu thế kỷ 21 rồi mà vẫn còn đồng bào của chúng ta leo trèo và săn bắn hái lượm như những động vật thời tiền sử? Lòng nhân ái, nghĩa đồng bào không cho phép chúng ta làm điều đó thất nhân tâm đó.
Ông Hoàng Anh Ngọc, Chủ tịch UBND huyện miền núi Tây Trà cho biết, sau khi cha con ông Thanh trở về, huyện đã đến thăm hỏi hỗ trợ lương thực giúp gia đình vượt qua khó khăn trước mắt. Các cơ quan chức năng cũng được tăng cường, quản lý không để cha con ông Thanh quay lại rừng sâu.
Những biện pháp hỗ trợ của huyện Tây Trà là kịp thời. Tuy nhiên vấn đề là chúng ta không thể đơn thuần đưa họ từ rừng về và “ném” họ vào cuộc sống đời thường mà phải áp dụng mọi biện pháp tổng hợp có thể để từng bước đưa họ hòa nhập cộng đồng.
Nếu sự vô cảm đã kéo dài tấn bi kịch rừng xanh của cha con ông Hồ Văn Thanh thì giờ đây hy vọng lòng nhân ái sẽ giúp họ chập chững bước vào cuộc sống mới trong những tháng năm còn lại của cuộc đời.
Ngọc Dũng

Bình luận(8)

Minh Hiền

Dân Trà Kem

Ông Lâm tức lên đã phóng hỏa lều người rừng trên cây rồi. Tiếc quá!

Minh Hiền

Vinh- Trà Bồng Quảng Ngãi

Ông Lâm cháu nguoi rừng Thanh giờ đây đang kinh doanh ông bác của mình. Ai chụp ảnh thì 500 ngàn đồng, ai phỏng vấn thì một triệu. Ôi trời, còn gì để nói nữa không. Chính quyền đâu rồi!

Minh Hiền

Dân xứ Quảng

Đưa về cho mọi người đến ngắm nghía đùa cợt để làm gì ? Rồi họ sẽ chết vì thái độ tò mò đơm đặt của người đời mất thôi các ông các bà ạ. Thả cho họ về rừng đi kẻo họ không chịu nổi là có tội đấy.

Minh Hiền

Dân Trà Kem

Dân kéo đến ngắm nghía bình luận trêu chọc anh Lang làm anh này sợ phải trốn. Đúng như nhà báo Ngọc Dũng nói giờ đây anh như con thú hoang cô độc giữa cuộc sống hiện đại. Thiết nghĩ chính quyền nên có cách để bảo vệ người rừng tránh đám đông hiếu kỳ thiếu văn hoá

Minh Hiền

Dzung- Hà Nội

Hầu hết các báo đưa tin vụ người rừng kiểu giật gân câu khách mà không có kiểu phát hiện vấn đề có tính nhân văn như Kienthuc.net.vn. Chúng ta lên án bệnh vô cảm nhưng trong góc độ nào đó chúng ta cũng là nạn nhân và là thủ phạm.

Minh Hiền

Hoàng Hà

Biết bố con ông Thanh và anh Lang sống trong rừng mà con cái, họ hàng, chính quyền chẳng làm gì để kéo họ về. Giờ đưa về rồi lại đòi đẩy đi là ác độc.

Minh Hiền

Quyên Hà

Do sống quá nhiều năm trong rừng rồi giờ họ như những con thú xa lạ với cuộc sống loài người hiện đại. Nên trả họ vê rừng đi kẻo họ sẽ chết đây

Minh Hiền

Hiền Lương - Hà Nội

Vừa rồi thấy mấy ông MTTQ tỉnh đến tặng phong bì cho người rừng mà thấy không ổn. Người rừng cần cái khác chứ đâu cần phong bì?