Ly kỳ xung quanh tờ vé số trúng giải 100 triệu đồng

Google News

(Kiến Thức) - Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho rằng nếu em Tân không giật mà nhặt được thì vé số trúng giải 100 triệu đồng phải thuộc quyền sở hữu của em Tân.

Vụ việc tờ vé số trúng giải 100 triệu đồng “bị giật” đang được Công an quận 9, TP HCM điều tra làm rõ vì có nhiều tình tiết phức tạp.
Giật hay nhặt?
Những ngày qua, cha con em Nguyễn Văn Đời Tân (15 tuổi, tạm trú đường Nguyễn Xiển, khu phố Lonh Hoà, phường Long Thanh Mỹ, quận 9, TP HCM) đang gặp nhiều rắc rối vì bị anh Nguyễn Minh Q. (27 tuổi) tố cáo cơ quan chức năng cho rằng em Tân đã giật tờ vé số trúng giải khuyến khích 100 triệu đồng trên tay của mình.
Ly ky xung quanh to ve so trung giai 100 trieu dong
 Dãy số trúng giải khuyến khích từ tờ vé số của đài Vũng Tàu ngày 6/10.
Tuy nhiên em Tân khai nhận với cơ quan Công an là tờ vé số đó mình chỉ nhặt được.
Theo đó, tối ngày 6/10, em Tân đang trên đường đi bán vé số gần ngã 3 Gò Công (phường Long Thạnh Mỹ, quận 9) thì có 2 thanh niên đi chung trên xe máy (sau đó xác định là anh Q.) dừng xe mua và dò vé số. Sau khi dò tờ vé số của đài Vũng Tàu thấy không trúng, anh Q. vứt xuống đường rồi cùng bạn phóng xe đi.
Lúc này em Tân nhặt lên rồi gặp người anh họ tên L. (lớn tuổi hơn Tân, ngụ gần nhà trọ, quê huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) cùng dò lại và phát hiện tờ vé số nói trên mang dãy số .58047 trúng giải khuyến khích 100 triệu đồng
“Lừa” cha con của bạn để chiếm trọn tiền?
Phát hiện vé số trúng, L. đã chạy vội ra đại lý để đổi nhưng nơi đây yêu cầu phải có CMND. Lúc này, L. về nhờ ông Long (cha của Tân) đến đại lý vé số Thanh Long, trên đường Nguyễn Văn Tăng, phường Long Thạnh Mỹ để đổi giùm lãnh số tiền 90 triệu đồng (trừ 10% thuế).
Nhận được số tiền ông Long đưa, L. cho ông L. 7,5 triệu, cho Tân 3 triệu rồi ôm toàn bộ số còn lại trốn về quê ở Định Quán.
Hai ngày sau, khi biết tin mình trúng số nên anh Q. đã rủ thêm 3 người bạn đến nhà cha con ông Long để đòi lại gây náo loạn và Công an phường Long Thạnh Mỹ phải có mặt để yêu cầu tất cả về trụ sở giải quyết.
Tại Công an, anh Q. cho rằng mình bị Tân giật vé số trên tay nhưng em Tân phủ nhận và nói rằng mình chỉ nhặt được sau khi Q. vứt xuống đường.
Biết được L. chiếm đoạt tiền trúng thưởng từ tờ vé số của con mình nhặt được, ông Long đã tìm về nhà L. đòi lại thì đối tượng này cho biết đã xài hết và chỉ còn 20 triệu đồng trao trả cho ông Long.
Trao đổi với PV Kiến Thức, ông Long buồn bã nói: “Số tiền hơn 10 triệu L. đưa cha con tôi cũng tiêu gần hết, giờ chỉ còn một ít và số đồ chơi điện tử (Tân dùng tiền L. đưa để mua) cùng 20 triệu đồng ai có lấy thì tôi giao”.
Do tính chất vụ việc quá phức tạp, Công an phường Long Thạnh Mỹ đã bàn giao Cơ quan điều tra Công an quận 9 tiếp tục thụ lý.
Vé số thuộc về ai?
Nhận định về vụ việc trên khi trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty luật quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp cho biết, theo những thông tin ở trên, dựa vào những tình tiết vụ việc có thể thấy rằng, Tân là người nhặt được tờ vé số chứ không phải cướp giật. Bởi qua hành vi có thể thấy rằng, chắc chắn Tân là nhặt được vì đến ngày hôm sau khi trúng giải Q. mới biết và đi tìm tờ vé số nên tài sản thuôc về Tân. Tân nhặt được, tài sản thuộc về Tân vì không có căn cứ Tân giật tài sản từ Q. Bởi Q đi xe máy và có 2 người thì làm sao 1 cậu bé 15 tuổi lại giật được vé của 2 thanh niên đi xe máy. Trong trường hợp Tân nhặt được tấm vé số và khi nhặt được không biết tấm vé số trúng thưởng thì tài sản đó thuộc về Tân.
Tuy nhiên nếu cơ quan điều tra chứng minh, Tân có hành vi cướp giật tấm vé số thì sẽ bị xử lý theo điều 136, Bộ luật hình sự năm 1999 (Sửa đổi bổ sung năm 2009). Khác với tội cướp tài sản, người thực hiện hành vi cướp giật tài sản không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, hoặc dùng hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được; mà lợi dụng sơ hở của người quản lý tài sản hoặc có thể tự mình tạo ra những sơ hở để thực hiện hành vi công khai chiếm đoạt tài sản đang rồi nhanh chóng tẩu thoát.
Nhưng vì Tân còn bé không hiểu biết nên L. lợi dụng và chiếm đoạt tài sản. Theo điều 139 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có quy định cụ thể về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
“Nếu cơ quan điều tra xác minh hành vi của L là chiếm đoạt tài sản thì với hành vi vi phạm thì L phạm phải khoản 2, điều 139 bị phạt tù từ hai năm đến 7 năm tù. Bởi khi lấy tấm vé số từ Tân, L biết tấm vé số trúng giải với giá trị 100 triệu đồng”, Luật sư Thái cho biết.
Kiến Thức sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến vụ việc
Đăng Lê - Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)