Chuyên gia về sư phạm mẫu giáo nghĩ gì về “ác mẫu“?

Google News

(Kiến Thức) - Nhà giáo ưu tú Lộc Thọ nêu quan điểm, hành xử của các bảo mẫu ở cơ sở mầm non Phương Anh vừa qua là không thể chấp nhận được và đây cũng một phần là lỗi hệ thống.

Để xảy ra sự việc, lỗi do hệ thống
Liên quan đến các bảo mẫu ở cơ sở mầm non Phương Anh tại TP HCM bạo hành trẻ em khiến dư luận vô cùng bức xúc, Nhà giáo ưu tú – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm mẫu giáo Trung ương Đặng Lộc Thọ nêu quan điểm: “Những hành xử của các bảo mẫu mà báo chí nêu là không thể chấp nhận được, nên loại trừ ra khỏi ngành. Tuy nhiên, lỗi ở đây không phải do mình họ gây ra mà do cả một hệ thống”.
Nhà giáo ưu tú Đặng Lộc Thọ chia sẻ với phóng viên.
Theo phân tích của Nhà giáo ưu tú Đăng Lộc Thọ, lỗi ở đây là do các cấp chính quyền thiếu sự quan tâm, kiểm tra, hậu kiểm. Nhiều cơ sở chưa có giấy phép hoạt động nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động mà chính quyền không biết hoặc làm ngơ.
Với các cơ sở được cấp phép, không phải cứ có tờ giấy cấp phép đó là chính quyền có thể mặc nhiên để họ thích làm gì thì làm. Sự thiếu kiểm tra, hậu kiểm thường xuyên của các cơ quan chứng năng là một phần nguyên nhân khiến xảy ra tình trạng như vậy. Còn những bảo mẫu bạo hành trẻ em, pháp luật nên trừng trị thích đáng để làm gương cho người khác.
Ông Thọ cũng cho hay, do nhu cầu của xã hội, nghề trông trẻ là một trong những nghề dễ kiếm việc nhất, đặc biệt tại các thành phố lớn, nên những người không có bằng cấp, hoặc có bằng cấp nhưng không có trình độ vẫn mặc nhiên làm hoặc được chủ các cơ sở mầm non thuê làm.
Bên cạnh đó, khi gửi trẻ, cha mẹ các cháu thiếu sự quan tâm, tìm hiểu về cơ sở mình mang con đến gửi. Cha mẹ các cháu cũng thiếu phối hợp với nhà trường mà theo kiểu trăm sự nhờ cô. Nhiều bậc cha mẹ còn thiếu hay không thèm quan tâm tới cảm xúc, hỏi han trẻ, thiếu sự kiểm tra, giám sát con em mình.
Buổi học nhiệt huyết của các bảo mẫu tương lai.
Những người làm nghề trông giữ trẻ, họ cũng có nhiều tác động nên tâm lý không phải lúc nào cũng ổn định. Có thời gian họ rất yêu nghề, yêu trẻ, nhưng có những thời điểm họ lại chán nghề, mệt mỏi và dễ sinh ra những hành xử tiêu cực. Các cơ quan quản lý cần phải có sự kiểm tra, tác động thường xuyên để củng cố niềm tin, tinh thần cho họ. Có như vậy, những hành xử đáng tiếc như thời gian qua sẽ không còn xảy ra.
Hiện nay, nhu cầu trông giữ trẻ là khá lớn. Chạy theo nhu cầu này, một số trường không chuyên về giáo dục mầm non cũng mở khoa mầm non, nhưng họ lại kết hợp giữa giáo dục tiểu học và giáo dục mầm non... Các giảng viên phải làm việc "chéo tay", đào tạo gấp... Nhiều trường hợp sinh viên tốt nghiệp những khóa học này vẫn chưa đủ trình độ...
Phải giám sát chặt để tránh hậu quả xấu
Cũng theo Nhà giáo ưu tú Lộc Thọ, để có bảo mẫu tốt, ngoài việc thực hiện theo giáo trình bắt buộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường phải có giáo trình riêng và chuyên sâu về nghành học mần non. Cốt lõi của người bảo mẫu tốt phải có mục tiêu, kiến thức, kỹ năng, thái độ, lương tâm. Từ đó, nhà trường xây dựng giáo trình tâm lý học trẻ em, giáo dục học trẻ em… để các bảo mẫu ra trường có lòng yêu thương trẻ hết mực.
Giáo trình của trường cao đăng sư phạm Mẫu Giáo Trung ương dùng để giảng dạy các bảo mẫu tương lai.
“Trong giáo trình của nhà trường, có quy định rất rõ tâm lý học trẻ em được chia như sau: Trẻ từ 0 - 12 tháng tuổi, trẻ từ 1 - 3 tuổi, trẻ 3 - 6 tuổi. Giáo dục cho trẻ ở các độ tuổi này khác với phương pháp giáo dục của các bậc học khác. 
Trẻ phổ thông, đại học đã nhận thức bằng trực quan, bằng giác quan còn trẻ mầm non nhận thức bằng tích hợp. Khi dạy trẻ mầm non các bảo mẫu phải dạy 1 chiếc lá rơi, 2 chiếc lá rơi… hoặc bức tranh này có 2 cái bút, bức tranh kia có 3 cái bút… cho ăn cũng nhẹ nhàng, không được đánh, la mắng…”, Nhà giáo ưu tú Lộc Thọ chia sẻ.
Để có một bảo mẫu tốt, vị hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm mẫu giáo Trung ương cho rằng, khi các sinh viên vào trường phải cho học giáo dục công dân. Việc học này phải áp dụng đầu khóa, giữa khóa, cuối khóa và làm rất nghiêm túc. Hiệu trưởng phải xuống từng lớp, gặp từng sinh viên truyền đạt lòng yêu trẻ, yêu nghề. Tổ chức giảng dạy môn này đầu khóa, nhà trường sẽ mời các sinh viên ra trường có kinh nghiệm về giao lưu với các tân sinh viên để các em mới vào được truyền thêm hứng thú và cảm xúc”.
Giảng viên trường cao đẳng sư phạm Mẫu Giáo Trung ương Hà Nội đang truyền lòng yêu trẻ cho các bảo mẫu tương lai.
Hiện trường Cao đẳng Sư phạm mẫu giáo Trung ương có 3 trường mầm non thực hành đó là trường Hoa Thủy Tiên, Hoa Hồng và Hoa Sen. Mọi hoạt động, xây dựng kế hoạch, nhân sự… của 3 trường này phải báo cáo và được sự đồng ý của đơn vị chủ quản mới được làm. Để 3 trường đó làm tốt, nhà trường thường xuyên kiểm tra, hậu kiểm tra và kiểm tra bất ngờ, đồng thời luôn có sự giám sát chặt chẽ để đảm bảo tốt công tác giáo dục trẻ.
Tiến Dũng - Ngọc Bích

Bình luận(0)