Chủ siêu xe dùng biển số giả có bị khởi tố?

Google News

Hàng chục chiếc xe đắt tiền bị Công an quận 7 (TP.HCM) tạm giữ vì không sang tên, sử dụng biển số không đúng xe, giấy đăng ký xe giả.

Vụ việc đang là tâm điểm chú ý của dư luận xã hội bởi lẽ người dính lùm xùm này là những doanh nhân thành đạt và có cả người của công chúng – ca sĩ, diễn viên Ngô Thanh Vân.
Phóng viên có cuộc trao đổi với một chuyên gia về pháp luật, có nhiều kinh nghiệm xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông về việc này.
Trong một lần trả lời báo giới, thượng tá Đoàn Văn Nam, Đội trưởng cảnh sát kinh tế, Công an quận 7 cho biết: giấy tờ của những chiếc siêu xe này được làm giả rất tinh vi nên ngay cả công an cũng rất khó phát hiện.
Để sở hữu được siêu xe, những người có tiền ở Việt Nam mua lại xe của các cơ quan ngoại giao nước ngoài rồi dùng biển số giả để tham gia giao thông.
Một chiếc siêu xe tại Công an quận 7.
Như vậy, với hai dữ liệu trên có thể căn cứ vào Nghị định 71/2012/NĐ-CP ngày 19.12.2012 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ để phạt. Cụ thể: tại Điều 19, khoản 5, điểm d của Nghị định này quy định xử phạt từ 4 đến 6 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe gắn biển số không đúng với giấy đăng ký xe hoặc biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Trường hợp cá nhân xài giấy đăng ký xe giả đã có chế tài tại luật hình sự với tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo Điều 267 Bộ luật Hình sự.
“Theo tôi, việc các cá nhân cố tình mua xe ngoại giao rồi không sang tên nhằm trốn thuế là đã tiếp tục vi phạm tội trốn thuế theo Điều 161 Bộ luật Hình sự. Bởi lẽ những xe sang này không chịu thuế khi các cơ quan ngoại giao nhập vào Việt Nam. Lợi dụng kẻ hở này, những người có tiền đã luồn lách để chạy xe sang mà giá rẻ là không chấp nhận được. Càng không công bằng khi có người chỉ trốn thuế trăm triệu đồng thì đã bị đi tù, còn đại gia, người mẫu trốn thuế tiền tỉ thì ung dung”. Vị chuyên gia này nói.
Chuyên gia này cho biết hiện Công an quận 7 đang điều tra ngăn chặn việc thất thu một nguồn tiền thuế cho ngân sách và xử lý những cá nhân sai phạm. Việc điều tra sẽ phải tốn nhiều thời gian vì phải gửi văn bản xác nhận ở nhiều nơi như sứ quán các nước, Cục Lễ tân…
Công an phải làm các bước sau:
- Chuyển hồ sơ sang phòng giám định kỹ thuật để giám định số sườn, số máy của các siêu xe xem đó có phải là xe có số sườn, số máy hợp pháp hay không, có bị đục số hay không.
- Nếu xe có số sườn, số máy hợp pháp không bị đục số, thì công an phải gửi văn bản sang cơ quan hải quan yêu cầu xác định siêu xe đó có được nhập khẩu hợp pháp hay không.
- Công an phải xác định hành vi vi phạm của chủ xe hoặc người đang được giao sử dụng xe là vi phạm điều khoản nào của pháp luật. Nên nhớ lúc công an đến kiểm tra và tạm giữ xe, các chiếc siêu xe đó đang nằm trong bãi chứ không phải được lái trên đường. Do đó, công an phải bỏ qua tình tiết xe đang lưu thông và chỉ có thể phạt hành chính về hành vi gắn biển số không đúng quy định (nếu không có các tình tiết vi phạm khác, biển số xe là biển số hợp pháp của một chiếc xe hợp pháp khác, xe nhập khẩu hoặc mua lại từ các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam).
- Trường hợp không có hồ sơ hải quan cho thấy các siêu xe đó được nhập khẩu hợp pháp thì có căn cứ để xác định đó là xe nhập khẩu lậu. Khi đó, các siêu xe này phải bị tịch thu, kèm theo đó người nào nhập khẩu lậu các siêu xe đó về Việt Nam phải bị khởi tố hình sự về tội buôn lậu. Nếu người mua lại xe này từ đầu nậu xe gian mà ngay tình, không biết việc nhập lậu thì cũng chỉ bị phạt hành chính. Nếu người mua lại xe biết rõ xe gian mà vẫn mua thì có thể bị xử lý hình sự.
Để làm rõ các vấn đề trên, công an cần có thời gian để điều tra. Nếu thời hạn quy định không đủ thì có thể gia hạn điều tra. Cứ điều tra là sẽ ra hết thảy. Vấn đề là công an có muốn xử lý tới nơi tới chốn các siêu xe xài biển số gian này hay không mà thôi.

Theo Motthegioi

Bình luận(0)