Cháy TTTM Hải Dương: Phát ngôn làm dân tuyệt vọng!

Google News

(Kiến Thức) - LS Dương Đình Khuyến, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nói về phát ngôn: "Cháy chợ thì khó cứu, đến chợ Vòm của Nga còn phải bó tay nữa là Việt Nam".

Theo LS Dương Đình Khuyến, "trong tình huống người dân đang rối hết cả lên như thế mà phát ngôn như vậy thì làm họ tuyệt vọng".
Không thể đổ lỗi cho phòng cháy chữa cháy!
Sáng 15/9, Trung tâm Thương mại Hải Dương bốc cháy với thiệt hại lên đến gần 500 tỷ đồng khiến nhiều tiểu thương mất trắng tài sản. Chiều 16/9, trong cuộc đối thoại với Sở LĐ-TB&XH TP Hải Dương, nhiều tiểu thương bất bình trước năng lực chữa cháy của lực lượng Phòng cháy chữa cháy (PCCC), ai chịu trách nhiệm về sự việc... Dưới cái nhìn của một luật sư thì ông phân tích việc này thế nào?
Ở các trung tâm thương mại, khi thiết kế xây dựng là phải có hệ thống PCCC, phải mua bảo hiểm phòng cháy cho cái khung nhà của trung tâm đó. Các tiểu thương thì có quyền mua bảo hiểm tài sản riêng của mình. Khi xảy ra cháy, bảo hiểm sẽ phải tiến hành bồi thường theo thỏa thuận hợp đồng đã ký kết. Còn trong trường hợp này, được biết các tiểu thương không mua bảo hiểm PCCC thì chính họ phải chịu trách nhiệm về tài sản của mình. Họ không thể đổ lỗi cho lực lượng PCCC không có trang thiết bị này, trang thiết bị kia, thái độ phục vụ thế này, thế khác dẫn đến họ bị thiệt hại tài sản.
Nghĩa là có lỗi của các tiểu thương khi không tham gia bảo hiểm PCCC?
Khi xây dựng trung tâm là phải có bảo hiểm PCCC do đơn vị PCCC duyệt. Khi xây dựng xong thì họ đến kiểm tra hệ thống PCCC có đảm bảo không, sau đó phải mua bảo hiểm PCCC cho khu vực đó. Đây là quy trình chung. Còn trong sự việc này, trách nhiệm chính là của tiểu thương và của trung tâm thương mại đó. Phải tự thỏa thuận giữa quản lý trung tâm đó với tiểu thương.
Các tiểu thương nói họ không biết để mà mua bảo hiểm?
Thường khi xây dựng các trung tâm thương mại là người ta phải phổ biến các quy trình đó. Còn trung tâm thương mại thì phải mua bảo hiểm cho cả tòa nhà của họ. Nếu thế thì chính quản lý trung tâm thương mại đó đã có lỗi khi không phổ biến cho tiểu thương.
Tiểu thương không mua bảo hiểm thì có thể đổ trách nhiệm lên chính những người lãnh đạo trung tâm thương mại?
Khi đóng bảo hiểm thì sẽ có nhiều mức với những trách nhiệm bồi thường khác nhau. Kèm theo đó là các điều khoản quy định chặt chẽ. Đơn vị bảo hiểm cũng sẽ phải thường xuyên kiểm tra vì để xảy ra rủi ro thì họ phải bồi thường. Mà nếu như thế thì lại không xảy ra hỏa hoạn.
 LS Dương Đình Khuyến, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nói về vụ cháy Trung tâm Thương mại Hải Dương.
Tôi đã làm hết trách nhiệm, ai làm gì được!
Nhiều tiểu thương cho rằng vai trò của lực lượng cảnh sát PCCC của Hải Dương chưa được thể hiện khi xảy ra sự cố. Sau khi xảy ra cháy, họ thông báo cầu cứu đến lực lượng PCCC nhưng phải 2 giờ sau lực lượng này mới có mặt. Khi cảnh sát PCCC đến thì lại điều đến 2 chiếc xe một đã hết nước, một đã chết máy... Đáng lẽ họ làm tốt hơn thì thiệt hại đã không lớn thế?
Không thể nói nhẽ ra thế này thế kia được, bởi lẽ đó là những hiện tượng dưới góc nhìn của mỗi cá nhân. Giả sử giờ họ bảo chúng tôi chỉ có 2 chiếc xe chữa cháy để phục vụ PCCC trên địa bàn. So với quy mô đám cháy thì không đáp ứng được. Thế thì ai bắt lỗi được họ. Hơn nữa, họ đâu phải là người chịu trách nhiệm toàn bộ việc cháy nổ trên địa bàn. Đó chỉ là lực lượng cứu hỏa. Xảy ra cháy thì họ đến cứu. Cứu được bao nhiêu thì nó còn tùy chứ làm sao mà họ phải chịu trách nhiệm.
Thế nhưng khi xảy ra sự cố thì người ta chỉ biết trông chờ vào lực lượng PCCC?
Ừ thì trông chờ, nhưng bây giờ khả năng chỉ có thế, con người chỉ có vậy thôi, phương tiện chỉ có vậy thôi, thì họ cũng chỉ biết làm đến vậy thôi chứ không thể làm hơn được. Đặt trường hợp như khi người dân gọi họ đến mà họ không dập lửa, họ thờ ơ đứng nhìn đám cháy thì nó lại là vấn đề khác. Khi đó thì nhóm đi làm đó sẽ bị xử lý trách nhiệm không hoàn thành nhiệm vụ.
Giả sử như họ có làm nhưng chỉ làm cho có, cho gọi là hoàn thành nhiệm vụ thôi thì sao?
Thế tôi mới nói đến giờ thì việc tranh luận ấy là vô cùng khó khăn. Giờ anh bảo tôi làm chưa hết trách nhiệm, thì lấy gì để chứng minh. Khả năng của tôi chỉ như thế thôi thì phải tính thế nào. Không có lý gì để bắt bẻ được họ cả.
Thế nhưng, trong khi đó thì lực lượng PCCC các địa phương khác khi có mặt lại xử lý rất nhanh?
Như thế là đã thấy họ có trách nhiệm rồi. 
Phát ngôn làm dân tuyệt vọng
Nếu như ông nói không thể quy trách nhiệm cho ai thì các tiểu thương trong vụ cháy này tuyệt vọng quá?
Tuyệt vọng là chuyện đương nhiên vì quyền và trách nhiệm mua bảo hiểm mà không mua. Thế thì ai bảo vệ cho họ được. Chuyện hỗ trợ này nọ cũng chỉ là câu chuyện "lá lành đùm lá rách" chứ không có luật nào quy định việc bồi thường khi không có bảo hiểm hay cam kết gì cả. Vụ cháy chợ Đồng Xuân kinh khủng hồi 1994 đấy, thì ai bồi thường cho ai. Ai cũng la hét om sòm nhưng rồi cuối cùng ai mất của thì phải chịu thôi.
Của đau con xót, việc các tiểu thương bức xúc cũng là lẽ thường. Thế nhưng, phát ngôn kiểu như "Cháy chợ thì khó cứu, đến chợ Vòm của Nga còn phải bó tay nữa là Việt Nam" thì đúng là người dân khó mà tránh khỏi bức xúc?
Họ muốn nói rằng những trường hợp như thế là khó xử lý. Thế là họ cũng nói thật đấy chứ. Thứ nữa đó hẳn cũng là sự việc xảy ra ngoài mong muốn của các cơ quan chức năng. Nhưng trong tình huống người dân đang rối hết cả lên như thế mà phát ngôn như vậy thì làm họ tuyệt vọng.
Thế nhưng nếu ông làm với trách nhiệm cao thì thiệt hại đã có thể nhẹ hơn?
Nói thế thì vô cùng. Tôi đã cố gắng hết sức, huy động lực lượng của cả tỉnh bạn đến cơ mà. Tôi là lực lượng PCCC, đâu phải chỉ có mỗi nhiệm vụ canh gác trung tâm thương mại đó đâu. Khi cháy thì tôi dập lửa cơ mà.
Giả sử đúng là việc thiếu trách nhiệm của lực lượng PCCC là một trong những nguyên nhân dẫn đến hậu quả vụ cháy nghiêm trọng hơn thì sự việc sẽ được xử lý thế nào?
Đến thời điểm này thì chưa ai dám nói chính thức là họ thiếu trách nhiệm cả. Còn giả sử như thế thì họ cũng chỉ xử lý nội bộ thôi chứ làm gì có chuyện chịu trách nhiệm hay bồi thường ở đây. Bởi cái thiếu trách nhiệm nó vô cùng lắm, phân tích làm sao để khẳng định là thiếu tinh thần trách nhiệm cũng là cả một vấn đề lớn. Ai là người thiếu tinh thần trách nhiệm chứ không thể là cả tổ chức.
Có thể quy trách nhiệm cá nhân lắm chứ?
Tất nhiên, hoàn toàn có thể truy ra được và hình thức xử lý vẫn sẽ là xử lý nội bộ chứ không thể nào quy trách nhiệm về tài sản để bồi thường được.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Trung tâm Thương mại Hải Dương rộng 15.000m2, được xây kiến cố 3 tầng từ năm 1998 với gần 1.000 gian hàng. Đây được xem là chợ đầu mối, đổ buôn lớn nhất tỉnh Hải Dương từ hàng chục năm qua. Nhiều gia đình có 3 thế hệ mưu sinh tại trung tâm này. Công an tỉnh Hải Dương đã lập chuyên án để điều tra vụ việc. Khi quá trình điều tra hoàn tất, nếu xác định có yếu tố hình sự thì sẽ xử lý thích đáng các cá nhân hay tổ chức liên quan.
Tô Hội (Thực hiện)

Bình luận(4)

Minh Hiền

LÊ BÌNH

Tôi cho rằng, trước sự kiện này thì ngay đến lực lượng PCCC của các nước tư bản kém phát triển cũng không có ai dám lý luận theo lối của ông luật sư kia.

Minh Hiền

Linh Nhi

Nói như ông LS thì cần gì phải xây dựng lực lượng PCCC nữa!

Minh Hiền

Trần Tuấn

Mà cũng đúng. Trách nhiệm ở Việt Nam thuộc về tập thể. Nói mãi nói nữa thì tình trạng nó vẫn cứ như vậy.

Minh Hiền

Nguyễn Anh Tuấn

Nghe ông LS này phát biểu, tôi cũng là 1 LS mà gai hết cả người. Lực lượng PCCC ăn lương NN nghĩa là tiền thuế của dân, có nhiệm vụ PHÒNG và CHỮA CHÁY. Để xảy ra cháy là đã có 1 phần trách nhiệm. Việc chữa cháy lại không hiệu quả nghĩa là đã không làm tốt cả công tác QLNN lẫn thực thi nghiệp vụ. Không đuổi việc thì cũng phải cảnh cáo kỷ luật. Tất cả công chức NN cần phải có ý thức khi nhận đồng lương là dân đang trả cho họ để thực thi tốt nhiệm vụ được giao.