Bảo vệ nhà báo trên mặt trận chống tham nhũng

Google News

(Kiến Thức) - Việc bảo vệ phóng viên tác nghiệp, đưa tin, nhất là phản ánh các vụ việc tiêu cực, tham nhũng đến người dân, cơ quan chức năng là hết sức cần thiết...

Bao ve nha bao tren mat tran chong tham nhung
 Ảnh minh họa.
Sau vụ việc 2 phóng viên của Báo Giao thông bị hành hung khi tác nghiệp tại cầu Tăng Long, phường Long Trường, quận 9, TP HCM dư luận cho rằng, nếu không có các biện pháp hữu hiệu, đặc biệt là các hành lang pháp lý để bảo vệ phóng viên tác nghiệp thì việc hành hung phóng viên sẽ tiếp tục diễn ra.
Trong những ý kiến tranh luận về việc bảo vệ phóng viên khi tác nghiệp, có ý kiến đề nghị xây dựng Luật Báo chí theo hướng hành vi của phóng viên khi tác nghiệp là hành vi thi hành công vụ, tức là thi hành nhiệm vụ của nhà nước, mọi hành vi xâm hại đến phóng viên khi đưa tin, tác nghiệp là hành vi chống người thi hành công vụ và sẽ bị pháp luật trừng trị. 
Ý kiến khác cho rằng, phóng viên khi tác nghiệp, đưa tin các vụ việc tiêu cực, tham nhũng thì cần phối hợp với chính quyền địa phương, đặc biệt là lực lượng công an địa phương để có phương án bảo vệ. Đây là hai luồng ý kiến có sự tranh luận sôi nổi nhất, đều có cơ sở lập luận riêng, xét về tổng thể các ý kiến nêu trên đều có mặt tích cực và hạn chế của nó. 
Ông Đỗ Văn Nhân (Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum) cho rằng, đối với ý kiến đề nghị xây dựng Luật Báo chí theo hướng hành vi của phóng viên khi tác nghiệp là hành vi thi hành công vụ cần phải xác định rõ, cụ thể khi nào là hành vi thi hành công vụ, khi nào hành vi không phải là thi hành công vụ? Khi phóng viên báo chí tác nghiệp, đưa tin thuộc lĩnh vực nào được xem là thi hành nhiệm vụ công vụ, lĩnh vực nào thì không phải thi hành nhiệm vụ công vụ? Do vậy, không thể bao trùm hết các lĩnh vực hoạt động phóng viên báo chí khi tác nghiệp, đưa tin, viết bài trên các lĩnh vực đều là hành vi thi hành công vụ cần được nhà nước bảo vệ.
Đối với ý kiến, khi phóng viên tác nghiệp, đưa tin những vụ việc tiêu cực, tham nhũng cần phối hợp với chính quyền địa phương, đặc biệt là lực lượng công an địa phương để có phương án bảo vệ khi tác nghiệp. Đây là giải pháp tối ưu nhất và được các cơ quan báo chí, cũng như phóng viên khi tác nghiệp, đưa tin áp dụng trong thời gian qua. 
Tuy nhiên, giải pháp này vẫn có sự hạn chế nhất định như việc tác nghiệp, đưa tin những vụ việc tiêu cực, tham nhũng đối với một số trường hợp cần phải nhanh chóng, kịp thời, bí mật để thu thập chứng cứ nhằm vạch trần các hành vi tiêu cực, tham nhũng. Lúc này nếu chờ sự phối hợp để bảo vệ phóng viên sẽ dẫn đến mất đi cơ hội thu thập chứng cứ, tin tức phóng viên đến tác nghiệp, đưa tin vụ việc có nguy cơ bị lộ, lọt, làm cho các đối tượng liên quan đến tiêu cực, tham nhũng đề phòng, che giấu chứng cứ và cản trở, gây khó khăn cho phóng viên báo chí...
Việc bảo vệ phóng viên tác nghiệp, đưa tin, nhất là phản ánh các vụ việc tiêu cực, tham nhũng đến người dân và cơ quan chức năng là hết sức cần thiết, giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực, tham nhũng. 
“Có thể khẳng định rằng, lực lượng báo chí hiện nay ở nước ta có vai trò hết sức quan trọng, là kênh thông tin hiệu quả trên mặt trận phòng, chống tiêu cực, tham nhũng hiện nay. Các phóng viên khi tác nghiệp, đưa tin trong lĩnh vực này, họ xứng đáng được hưởng sự quan tâm, bảo vệ của nhà nước để họ có động lực tiếp tục đấu tranh bằng vũ khí riêng của mình, góp phần vì sự bình yên của nhân dân”, ông Nhân cho biết thêm.
BBĐ (ghi)

>> xem thêm

Bình luận(0)