Việc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam đã khiến dư luận trong nước cũng như quốc tế khá quan tâm. Lý do thực sự TQ rút giàn khoan là gì? TQ có đưa giàn khoan quay trở lại, nếu có thì ở đâu, bằng cách như thế nào…?
Trao đổi với Kiến Thức, TS Nguyễn Nhã, chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông, cho biết: "Việc Trung Quốc nói lý do rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam là tiềm năng dầu khí khu vực giàn khoan hạ đặt hạn chế và thời tiết không thuận lợi chỉ là cái cớ. Tôi nghĩ đây không phải là lý do thực sự, bởi trữ lượng dầu khí ở khu vực này gần như không có gì thì bản thân Trung Quốc và thế giới đã biết từ trước đó, còn việc thời tiết xấu, mưa bão Trung Quốc cũng dự đoán được từ trước. Bởi biển Đông là vùng biển dữ, mỗi năm hứng chịu từ vài ba tới gần chục cơn bão lớn nhỏ. Và bắt đầu từ thời điểm gần giữa tháng 7 cho tới tháng 9, 10, mưa bão liên tục hoành hành. Trung Quốc chắc chắn biết điều đó từ cả trăm năm nay, thế nên cơn bão Rammasun chỉ là lý do ngẫu nhiên trùng khớp với thời điểm Trung Quốc buộc phải rút giàn khoan Hải Dương 981 về.
|
Toàn bộ tàu Trung Quốc đã rút khỏi vùng biển Việt Nam theo giàn khoan Hải Dương 981. |
Tôi nghĩ lý do chính là từ lúc đem giàn khoan vào hạ đặt tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Trung Quốc chả có cái lợi gì, lại chịu tốn kém, thiệt hại rất nhiều, gặp bao nhiêu áp lực từ nhiều nước trên thế giới. Việc Trung Quốc rút giàn khoan càng khẳng định thêm chân lý rằng bất kỳ cường quốc nào cũng không thể coi thường dư luận quốc tế.
Chúng ta đang ở trong một cuộc chiến không tiếng súng, nên phải xác định đây là một cuộc “trường kỳ kháng chiến”. Dù Trung Quốc có rút giàn khoan thì chúng ta vẫn không được chủ quan, lơi lỏng. Tôi nghĩ Trung Quốc có thể đưa giàn khoan trở lại vùng biển Việt Nam, còn cụ thể vào lúc nào thì chưa biết được. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ tìm cách khôn ngoan hơn để hạn chế thiệt hại, tốn kém ở mức thấp nhất. Chẳng hạn như giàn khoan Nam Hải số 9 vừa qua là một ví dụ".
Cùng quan điểm, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh quân khu IV, cho hay: “Trung Quốc xưa nay rất mưu mô. Mưu đồ độc chiếm biển Đông của họ là một kế hoạch lâu dài và họ sẽ không bao giờ từ bỏ ý định đó. Mục tiêu của họ là chiếm được vùng biển Đông, tức kế hoạch nước sâu của họ đưa ra từ năm 1982, thời ông Lưu Hoa Thanh. Theo kế hoạch này, họ phải vươn từ chuỗi đảo thứ nhất rồi sang chuỗi đảo thứ hai và từ chuỗi đảo thứ hai và họ vươn ra Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, đe dọa vị trí của Mỹ. Việc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 về Hải Nam hay đi đâu nữa thì giàn khoan vấn ở trên Biển Đông và ý đồ xuyên suốt của Trung Quốc vẫn là làm chủ, bá quyền ở Biển Đồng, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, thực hiện trọn vẹn mưu đồ của cái gọi là đường 9 đoạn, nay là 10 đoạn phi lý của nước này".
Trung tướng Thước cho rằng, việc rút giàn khoan chỉ là việc làm nhằm xoa dịu dư luận trước sự đấu tranh của Việt Nam và sự phản đối gay gắt của thế giới đối với việc xâm phạm vùng biển của nước ta.
"Trong trường hợp này, chúng ta không được chủ quan, mà cần phải tiếp tục kết hợp với quốc tế đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa. Có thể thấy, Trung Quốc đang lùi một bước để tiếp tục tiến ba bước tiếp theo. Đừng bao giờ được phép thỏa mãn rằng Trung Quốc đã chịu dừng lại”, tướng Thước nói.