47% nông dân không hài lòng với cuộc sống?

Google News

(Kiến Thức) - "47% người dân sống ở vùng nông thôn miền núi không hài lòng với cuộc sống của mình. Sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn, đời sống của người nông dân có sự tụt hậu so với phát triển kinh tế...".

ThS Lưu Đức Khải, Trưởng Ban Chính sách phát triển nông thôn, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương chia sẻ với phóng viên kết quả diều tra về thực trạng đời sống dân cư vùng nông thôn miền núi. 
Nông dân chưa thể... sướng
Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương vừa công bố báo cáo "Đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam", trong đó nhiều vấn đề về kinh tế nông thôn, thực trạng đời sống của người dân còn tồn tại. Vậy bức tranh đó có thể tổng quát thế nào thưa ông?
Phiếu hỏi của điều tra lên đến 70 trang, điều tra chi tiết về thực trạng đời sống dân cư vùng nông thôn miền núi. Điều tra được thực hiện với 3.700 hộ gia đình trong 2 tháng 6 và 7/2012. Về thu nhập của người dân qua các năm được thống kê chi tiết thì thấy tỷ lệ nghèo ngày càng tăng. Nguyên nhân chính là do chúng ta nâng chuẩn nghèo. Mặt bằng chung thì đời sống của người nông dân có tăng lên, nhưng việc hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế đến các hộ dân này là không giống nhau, phân bổ không đều.
Nghĩa là nếu xét con số tăng trưởng chung thì không có gì phải bàn, vì chúng ta đang tăng trưởng, nhưng những đối tượng mà ông vừa đề cập là chưa được hưởng lợi?
Đúng thế. Mình sống ở thành phố thì thế này thôi, chứ bà con nông dân còn rất vất vả đấy!
Chênh lệch đó có lớn lắm không thưa ông?
Khoảng cách này khá lớn. Đời sống của người làm nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay chưa khá lên nhiều, người nông dân chưa thể sung sướng. 
Trong quá trình đi điều tra, có những trường hợp nào làm ông thấy quá ấn tượng về việc có thể họ quá nghèo hoặc quá giàu?
Thực ra thì có những trường hợp rất nghèo, nhưng cũng có trường hợp rất giàu. Có gia đình người dân tộc xây dinh thự đẹp lộng lẫy, con cái sinh sống ở Hà Nội, có nhà có cửa đàng hoàng. Nhưng cũng có những gia đình nghèo khổ đến mức cơm không có mà ăn, ăn ngô với muối giã cùng ớt... Tuy nhiên, đó chỉ là những trường hợp cá biệt chứ không nói lên bức tranh chung. Cũng có người gọi điện cho tôi bảo ở chỗ họ còn khổ hơn nhiều, nhưng đó chỉ là những trường hợp cá biệt thôi.
ThS Lưu Đức Khải, Trưởng Ban Chính sách phát triển nông thôn, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương. 
Trong 24 giờ vừa qua chưa ăn thịt
Trong bảng câu hỏi của nhóm điều tra, làm thế nào để đánh giá chính xác mức sống của người dân vùng nông thôn miền núi?
Thực ra có rất nhiều bộ câu hỏi, mỗi ngày chỉ điều tra được 2 hộ gia đình, bởi thế con số đưa ra rất là chi tiết. Trong bảng hỏi về đa dạng hoá thực phẩm, trong rổ thực phẩm có 11 nhóm thực phẩm thì xem sự tăng giảm như thế nào. Các nguồn cá tôm tiêu thụ trong 24h qua như thế nào thì 4% trong số đó nói rằng trong bữa ăn cơm của gia đình là không có thịt cá. 
Giả sử như hỏi 1 tuần trước, 1 tháng trước hay cả 1 năm trước xem gia đình có ăn thịt, cá hay không thì chắc hẳn mức độ chính xác sẽ cao hơn?
Thực ra tưởng là hỏi như thế thì mức độ chính xác cao hơn nhưng không phải thế. Về kỹ thuật hỏi, không nên hồi tố quá lâu nó dẫn đến câu trả lời không chính xác. Hơn nữa, xác suất chính xác nó lớn là bởi ngày đến điều tra là ngày không báo trước, là ngẫu nhiên nên có thể tin cậy được. Vậy nên xác suất phải nhớ lại một ngày hay một tuần, một tháng, một năm thì đương nhiên là nhớ lại trong một ngày sẽ chính xác hơn.
Một trong những con số khiến dư luận quan tâm là có đến 47% người dân cảm thấy không hài lòng với cuộc sống hiện tại. Con số đó có đáng báo động?
Chúng tôi hỏi là "Ông bà có hài lòng với cuộc sống không", câu trả lời là Rất hài lòng, hài lòng, không hài lòng và hoàn toàn không hài lòng. Có 53% là rất hài lòng và hài lòng, còn lại 47% là không hài lòng và hoàn toàn không hài lòng (có 5,9% là hoàn toàn không hài lòng). Nhóm giàu thể hiện mức độ hài lòng cao hơn nhóm nghèo, điều này là dễ hiểu. Mức độ hài lòng tương quan với mức độ giàu nghèo. Có vẻ như điều này gắn chặt với mức độ giàu nghèo, nhưng thực ra không hoàn toàn như thế. Cả nhóm giàu và nhóm nghèo đều coi sức khoẻ tốt mới là yếu tố quan trọng nhất trong cuộc sống.
Nhưng điều đó đồng nghĩa họ không hài lòng với cuộc sống là bởi sức khoẻ của họ có vấn đề. Và việc sức khoẻ có vấn đề thì hẳn là vì họ không có điều kiện để chăm sóc cho tốt? Nó lại là cái vòng luẩn quẩn?
Mức độ quan tâm của người giàu và người nghèo là như nhau. Không phải vì nghèo mà không khoẻ. Vấn đề ở đây không hoàn toàn như thế. Người giàu cũng có đến 53% cho rằng sức khoẻ là quan trọng nhất, trong khi người nghèo chỉ có 52%. Chứng tỏ rằng người giàu còn sợ chết hơn. 
Nhưng rõ ràng giải quyết vấn đề sức khoẻ của hai nhóm giàu và nghèo là khác nhau?
Người giàu coi trọng vấn đề sức khoẻ hơn người nghèo, dù chênh lệch không lớn. Đó là yếu tố đầu tiên quyết định hạnh phúc. Người càng nghèo thì càng cho rằng có nhiều tiền là hạnh phúc, nhưng người giàu rồi thì cho rằng sức khoẻ mới là hạnh phúc. Khi chưa giàu thì người ta thấy tiền là quan trọng, khi giàu rồi thì người ta thấy rằng sức khoẻ mới là quan trọng.
Chính sách nhiều nhưng nông thôn vẫn tụt hậu 
Đời sống của người nông dân nói chung vẫn có quá nhiều khó khăn, mấu chốt nào cần phải giải quyết ở đây?
Bức tranh này có nhiều mảng. Thu nhập có thay đổi về cơ cấu nhưng có tới 26% thu nhập phụ thuộc vào nông nghiệp. Trong khi chính nông nghiệp thời gian qua khó khăn, sản xuất ra khó tiêu thụ, manh mún, quy mô nhỏ, làm ra không bán được. Nguồn thu nhập đó bị ảnh hưởng. Đó chính là mấu chốt. 
Vậy điều đáng báo động nhất là gì?
Đó chính là sự tụt hậu về đời sống của người nông dân so với sự phát triển của nền kinh tế. 
Phải chăng chính sách cho người nông dân đang có vấn đề?
Thực ra nói thế là không đúng, chính sách ban hành nhiều nhất là ban hành cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số. Số lượng chính sách ban hành rất nhiều. Từ năm 2006 - 2012 có đến 160 văn bản ban hành cho khu vực này, trong đó có 14 nghị định, 40 quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Chưa bao giờ chính sách về nông nghiệp lại nhiều như những năm vừa rồi, đầu tư cũng tăng nhưng khu vực này vẫn tụt hậu.
Phải chăng do chính sách không phù hợp?
Xuất phát điểm thấp, tăng trưởng chậm, vùng sản xuất khó khăn hơn, đương nhiên là sẽ lạc hậu. Rồi nội tại của sản xuất nông nghiệp thì tỷ suất lợi nhuận cũng thấp... Bởi thế dù có nhiều chính sách thì đời sống cũng chưa được cải thiện nhiều.
Dựa trên kết quả nghiên cứu này, sẽ có chính sách gì được đưa ra để việc cải thiện cuộc sống của nông dân thiết thực hơn?
Từ khuyến nghị chung sẽ chọn ra một vài chủ đề sâu để phân tích nghiên cứu nhiều về số liệu, mô hình để đưa ra khuyến nghị về chính sách. Xử lý câu chuyện tụt hậu của người nông dân thế nào. Nông nghiệp đang rất khó khăn thì vấn đề chính sách thế nào, vấn đề an sinh xã hội, vệ sinh an toàn thực phẩm, người dân lo lắng về sức khoẻ, ốm đau, từ đó đề xuất để đưa ra những giải pháp về chính sách. Nhìn vào bức tranh đó để biết chỗ nào cần tác động để đưa ra chính sách đúng để khắc phục những điều đó.
Xin cảm ơn ông!
Theo kết quả điều tra, ngay cả ở khu vực nông thôn, người có trình độ học vấn tốt hơn sẽ có khả năng nhiều hơn trong việc tìm một việc làm được trả lương cao hơn. Chủ hộ gia đình có trình độ học vấn tốt thu nhập từ làm công ăn lương cao hơn nhiều so với các hộ khác. Việc làm tại khu vực quốc doanh của Chính phủ có vẻ như mang lại khoản tiền lương thoả đáng nhất và công việc tại đây lại được đảm bảo nhất.
Tô Hội (Thực hiện)

Bình luận(0)