“Dùng tiền của dân không hiệu quả thì chết!“

Google News

(Kiến Thức) - TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội chia sẻ với phóng viên nhân việc 51 công chức ở huyện Bến Lức (Long An) được vận động xin nghỉ việc.

Bất bình thường

Theo ông thì việc vận động công chức tự nguyện nghỉ việc ở Bến Lức (Long An) có phải là điều bình thường không?

Tôi cho rằng đây là điều bất bình thường. Họ chưa thực hiện đúng theo Luật Cán bộ, Công chức. Quy trình tuyển dụng, sử dụng và sa thải công chức rất chặt chẽ chứ không thể tuyển dụng vào làm việc rồi không có tiền trả lương thì cắt biên chế. Phải có "sự cố" thì mới bãi miễn hoặc sa thải được. Thứ nữa là cách ứng xử với công chức như vậy là không ổn.

Ý ông là việc có tiền thì tuyển, hết tiền thì sa thải trong cơ quan nhà nước như vậy là tùy tiện?

Không bao giờ có chuyện hết ngân sách dành cho công chức khi đã được tuyển dụng. Bởi trong Luật Cán bộ, Công chức quy định rất rõ việc tuyển dụng, sử dụng và bãi miễn, cho thôi việc cho từng vị trí. Khi tuyển công chức là phải tuyển theo nhu cầu sử dụng lao động, theo vị trí, chức danh và biên chế được duyệt hằng năm. Khi được trúng tuyển là được bổ nhiệm vào ngạch, bậc và chắc chắn là ngân sách nhà nước phải trả lương. 

Vậy thì lý do đưa ra là "không có ngân sách trả lương" hẳn phải có gì đó khuất tất từ khẩu tuyển dụng?

Rõ ràng là thế. Họ vi phạm ngay từ khi tuyển dụng rồi thì mới có tình trạng này. Trong trường hợp này thì tỉnh bảo huyện trả lương, huyện thì nghĩ tỉnh trả. Điều này rất vô lý. Khâu tuyển dụng ở đây có vấn đề từ Sở Nội vụ Long An. Họ nói mục đích tuyển dụng 51 người này là phục vụ cho "công chức dự nguồn cấp xã". Mà không có văn bản, cũng không thấy có khái niệm nào trong Luật Cán bộ, Công chức là "công chức dự nguồn cấp xã" cả.

Có thể họ tính đến "nguồn nhân lực tương lai"?

Ngay cả như thế rồi thì không có lương mà chuyển họ sang vị trí bán chuyên trách là không đúng luật. Những công chức này hoàn toàn có thể khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền hoặc khiếu kiện ra tòa.

TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội.

Số công chức phá rối khá nhiều

Có người cho rằng hẳn là lãnh đạo huyện Bến Lức đã tính đến việc nếu không có 51 người này thì bộ máy cũng không ảnh hưởng gì?

Theo Luật Cán bộ, Công chức thì khi tuyển dụng phải dựa trên nhu cầu, vị trí công việc đó và biên chế để tuyển. Còn hiệu quả làm việc của công chức đến đâu thì còn phải bàn lại, và nó cũng là một câu chuyện khác.

Nhưng cụ thể trong trường hợp này thì dù có hay không có 51 công chức ấy cũng không ảnh hưởng gì thì cắt giảm là cần thiết chứ. Nhà nước tránh trả lương hớ?

Đó là câu chuyện giữa yêu cầu công việc với chất lượng đội ngũ cán bộ. Nếu công chức làm việc hiệu quả kém, không làm mà việc vẫn chạy đều thì cho nghỉ việc là đúng.

Thế thì bài toán chất lượng thấp và số lượng nhiều, hiệu quả kém của đội ngũ công chức xem ra vẫn chưa có lời giải?

Phải nói rằng chất lượng cán bộ công chức hiện nay là có vấn đề. Nhiều người nói rằng 30% công chức không làm được việc, cho họ nghỉ thì cũng không ảnh hưởng gì. Nhưng theo tôi con số đó chắc nhiều hơn. Số công chức không đảm bảo chất lượng, hiệu quả công việc, không làm việc, thậm chí là phá rối lại khá nhiều. 

Hôm vừa rồi tôi có dự Hội thảo chuyên gia do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức góp ý về Đề án Cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công đến năm 2020, trong đó có vấn đề tiền lương cho cán bộ công chức, thì các chuyên gia cũng cùng quan điểm như vậy.

Dùng tiền của dân để nuôi người vô dụng

Rõ ràng lương của cán bộ công chức là lấy từ ngân sách - tiền thuế của dân. Vậy mà một số người làm việc không hiệu quả thì dấu hỏi trong bài toán sử dụng ngân sách ở đây là gì?

Hằng năm nhà nước bố trí theo chỉ tiêu biên chế. Đáng lẽ công chức được tuyển vào và được trả lương theo vị trí làm việc và  hiệu quả, chất lượng thực thi công vụ. Nhưng từ trước giờ ta tuyển và sử dụng công chức chưa theo nguyên tắc đó một cách triệt để. Ta trả lương chủ yếu theo chủ nghĩa bình quân dàn trải. Người làm được việc và không làm được việc trong cùng ngạch, bậc, chức danh nhận lương giống nhau. 

Ở góc độ là một người dân, tôi rất buồn với việc tiền của tôi dành để nuôi những người ngồi không hưởng lương, hoặc có làm nhưng không biết làm gì?

Trả lương cho công chức là từ ngân sách, mà ngân sách thì thực chất là tiền của dân. Nếu dùng ngân sách đó để trả lương cho người không làm việc thì sẽ là sự lãng phí lớn và không thực hiện được trách nhiệm đối với dân. Điều này gây ra bức xúc rất lớn với dân. Họ đóng thuế để nuôi cán bộ, công chức trong bộ máy phục vụ dân, vậy mà một bộ phận không nhỏ trong bộ máy không phục vụ được dân. Thế thì vô lý quá.

Vô lý, nhưng nó vẫn tồn tại?

Tiền của dân phải sử dụng đúng mục tiêu và hiệu quả. Người dân không bao giờ tiếc tiền nuôi bộ máy nhưng bộ máy đó phải hoạt động vì dân, giúp dân, phục vụ nhân dân chứ không thể dùng tiền của dân để nuôi người vô công dồi nghề, thậm chí còn tham nhũng, tiêu cực, hành dân.

Thế thì vô tình dân phải bỏ tiền ra để nuôi người hạch sách mình?

Đúng thế. Vấn đề nâng cao chất lượng nền công vụ, chất lượng cán bộ, công chức là vấn đề rất lớn hiện nay. Đội ngũ cán bộ, công chức của ta hiện nay không phải là nhiều so với dân số, chỉ khoảng hơn 30 vạn người (chưa kể công chức cấp xã). Thế nhưng thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu. 

Vậy bài toán tiền lương từ ngân sách này sẽ phải có lời giải thế nào ạ?

Nghĩa là phải có sự tinh giảm biên chế, giảm bớt những người thừa, những người không làm được việc, đảm bảo trả lương cao cho công chức đồng thời vẫn đảm bảo ngân sách chi trả. Sắp xếp lại đội ngũ công chức, đánh giá đúng năng lực từng người.

Nếu giảm biên chế thì theo ông bao nhiêu phần trăm công chức hiện nay sẽ phải nghỉ việc?

Nếu làm thật chặt thì có khi phải trên 1/3 công chức hiện nay. Để làm được phải có quyết tâm chính trị rất cao, đề án khả thi và một số chính sách đi kèm nữa.

Xin cảm ơn ông!

Theo quy định tại khoản 3, Điều 58 Luật Cán bộ, Công chức, công chức 2 năm liên tiếp hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc 2 năm liên tiếp trong đó có 1 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan tổ chức đơn vị có quyền bố trí công việc khác, trong đó có cho thôi việc. Trong khi đó đây là những người được tuyển dụng chính thức, được công nhận bổ nhiệm, không vi phạm pháp luật, làm việc hiệu quả, thì không thể đuổi được họ.


Tô Hội (Thực hiện)

Bình luận(0)