Những bộ phim về danh tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp

Google News

(Kiến Thức) - Vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp không chỉ sống trong niềm kiêu hãnh của người VN, ông còn còn sống mãi trong các tác phẩm điện ảnh tâm huyết khắc họa về người.

Vị tướng của dân tộc
 Chân dung vị Đại tướng huyền thoại của dân tộc VN - Võ Nguyên Giáp
Đó là tên bộ phim tài liệu do Nguyễn Hoàng biên kịch và đạo diễn. Bộ phim ra mắt khán giả đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2011).
Phim dài 20 phút, được dựng đan xen quá khứ với hiện tại. Trong phần tư liệu của phim, khán giả được nghe lại những lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp tâm tình về trận Điện Biên Phủ, về chuyện đời thường của ông. Ngoài ra, một phần chân dung tướng Giáp được thể hiện qua lời kể của cố GS Trần Văn Giàu, TS Phan Lạc Tuyên, NSND Trần Hiếu...
Đại tướng Võ Nguyên Giáp
 Đại tướng Võ Nguyên Giáp và lãnh tụ Hồ Chí Minh
Bộ phim tài liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Cao Nguyên Dũng đạo diễn, với sự tham gia của hai nhà văn Hoàng Minh Phương và Hà Đình Cẩn.
Phim được dựng thành 6 tập gồm: Tập 1: Đường Kách Mệnh, kể về hồi ức của ông đối với vùng quê nghèo khổ, nằm dọc dãy Trường Sơn. Tập 2: Từ nhân dân mà ra; Tập 3: Chín năm làm một Điện Biên; Tập 4: Cuộc đụng đầu lịch sử; Tập 5: Tiến lên toàn thắng ắt về ta; Tập 6: Người anh cả của Quân đội Nhân dân.
Kể về tác phẩm của mình, đạo diễn Cao Nguyên Dũng chia sẻ: "Tôi đã có dự định thực hiện bộ phim về chân dung đại tướng Võ Nguyên Giáp từ lâu nhưng mãi sau này, đại tướng mới đồng ý với lý do rất khiêm tốn: “Các anh hãy làm phim về nhiều tấm gương anh hùng trong lao động, xây dựng Tổ quốc trước. Phim về tôi, chầm chậm cũng chẳng sao!”. Vì thế, cả hãng phim TFS vui mừng khi nhà văn Hoàng Minh Phương, thư ký riêng và là người gần gũi với đại tướng từ những năm kháng chiến, điện vào cho biết: “Đại tướng đã nhận lời”.
Quyết định lịch sử
 Hình tượng Đại tướng trong phim hoạt hình 3D
Đây là bộ phim hoạt hình 3D về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến dịch Điện Biên Phủ có độ dài 20 phút mà đạo diễn Hà Bắc cùng ê-kíp của ông đã thực hiện ròng rã trong vòng 2 năm.
Tỉ mẩn trong từng khuôn hình, đạo diễn Hà Bắc đã khắc họa rõ nét hình tượng vị tướng trong những giây phút trọng đại của lịch sử. Bên ngọn đèn dầu leo lét trong lán chỉ huy, với chiếc áo khoác hờ trên vai, hình tượng vị đại tướng hiện lên một cách trung thực: từ cái chau mày, hành động cầm bút chì gõ gõ trên tấm bản đồ đầy suy tư, hay dáng đứng chống hai tay vào bàn - thói quen của đại tướng khi suy nghĩ.
Trả lời về thử thách tạo hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đạo diễn Hà Bắc từng chia sẻ: “Đúng là tạo hình đại tướng rất khó. Tên thường gọi của đại tướng là Văn, lại theo nghiệp võ, đó lại là thời điểm đại tướng phải đưa ra một quyết định trọng đại liên quan đến sinh mệnh của nhiều bộ đội đang chiến đấu trên chiến trường. Tạo hình trong bộ phim phải thể hiện được nét nho nhã của một thầy giáo, cái quyết liệt của người chỉ huy. Năm 1954, đại tướng còn trẻ nhưng tạo hình vẫn phải cố gắng thể hiện được thần thái của một vị tướng”.
"Điện Biên Phủ - Cuộc chiến giữa hổ và voi"
 Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đạo diễn D.Roussel năm 1991.
Đây là một bộ phim tài liệu của đạo diễn người Pháp - Daniel Roussel được Đài Truyền hình Việt Nam mua bản quyền và phát sóng nhân kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
“Điện Biên Phủ - cuộc chiến giữa hổ và voi” kể lại những diễn biến trên chiến trường Điện Biên, một trong những trận chiến vĩ đại của thế kỷ 20 và qua đó ca ngợi vị danh tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp.
Nói về cảm nhận lần đầu được gặp tướng Giáp và thực hiện bộ phim tâm đắc của mình, Daniel Roussel cho biết: “Tôi là một trong số rất ít đạo diễn đã có nhiều thời gian được trò chuyện cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi biết là vào lúc đó, tôi đang nói chuyện với lịch sử, một con người vĩ đại. Tôi biết đang đứng trước mặt tôi là con người đã làm thay đổi lịch sử của dân tộc Việt Nam và cũng là một phần của thế giới. Tôi đã lắng nghe ông một cách chăm chú, và như người Pháp hay nói, tôi như uống từng lời Đại tướng nói ra, tôi ghi chép rất nhiều, tôi quay phim, tôi đã quay hàng giờ, hàng giờ bằng phỏng vấn Đại tướng”.
Nguyệt Cát

Bình luận(0)