Các yếu tố cơ bản có thể gây nổ lốp
Cần phải xem xét tới các yếu tố cơ bản nhất có thể gây nổ lốp khi xe vận hành gồm: Xe chở quá tải, tốc độ vận hành cao, nhất là chạy đường dài. Xe càng chạy nhanh, lốp xe càng bị nóng nhanh dễ nổ lốp, đường xấu lốp dễ va đập với mặt đường gây biến dạng làm lốp bị nóng lên. Ngoài ra, một vấn đề khách quan như xuất xứ lốp cũng phải kể tới trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến an toàn vận hành của lốp xe.
Để tăng cường chịu lực cho vỏ xe thì trong vách có các lớp vải bố, cao su được đúc liền trong lớp bố. Lớp bố càng nhiều thì độ chịu lực của lốp xe càng lớn. Xe tải siêu nặng có thể có tới 12 lớp bố, giữa các lớp bố liên kết với nhau bằng cao su. Dưới tác dụng của 3 yếu tố xấu trên tác động, lốp xe sẽ liên tục bị tải trọng và mặt đường xấu "vò". Tốc độ xe càng lớn, tần số "vò" càng tăng, lốp càng tự nóng lên nhanh. Lốp bị "vò" nóng tới một nhiệt độ nào đó, sự liên kết giữa cao su của thành vách lốp và các lớp bố gia cố lốp sẽ giảm đi, thậm chí bung ra làm suy giảm khả năng chịu tải của lốp và kết quả là xe xuất hiện trạng thái quá tải "tự có" gây nổ lốp.
Về nguyên nhân khách quan thì xe có thể bị dính đinh, đá chém và chủ xe mua phải lốp dởm. Việc mua lốp cũ về tân trang lại không đảm bảo chất lượng kỹ thuật cũng là một trong những nguyên nhân gây nổ lốp. Ví dụ, khi lốp đã quá tã thì phải làm sạch bụi, mài chà hết lớp mặt chịu ma sát cũ để gắn lớp mặt ma sát mới thay cho lớp mặt ma sát cũ đã bị mòn và phải được lưu hoá đúng kỹ thuật. Đó là công nghệ phục hồi lốp đã mòn.
Việc phục hồi lốp cũ có thể làm để tiết kiệm vật tư nhưng phải làm đúng kỹ thuật, phải theo đúng quy trình công nghệ để đảm bảo chất lượng sử dụng của lốp phục hồi, sản phẩm phải được kiểm định chất lượng và có tem đạt tiêu chuẩn. Hiện nay, các cơ quan liên quan chưa lưu ý quản lý chặt chẽ được các cơ sở chế biến phục hồi lốp xe.
|
Kiểm tra lốp định kỳ tránh tai nạn đáng tiếc. |
Bắt bệnh của lốp
Xe cũng như con người, cần phải thăm khám sức khoẻ định kỳ để bắt bệnh khi mới có biểu hiện, tránh để bệnh nặng mới khám chữa. Cách nhận biết một số bệnh cơ bản trên lốp xe ô tô gồm: Cao su mặt ngoài của lốp lâu ngày bị lão hóa gây nứt, rạn bề mặt, độ mòn của hoa văn trên bề mặt tiếp đất của lốp và độ mòn theo chiều dày của bề mặt lốp sẽ tăng dần theo thời gian sử dụng, đặc biệt là lốp thường xuyên bị quá tải.
Có nhiều biểu hiện bệnh của lốp như việc lốp bị mòn không đều làm mất cân bằng cho chuyển động quay của lốp, gây mất an toàn cho việc vận hành của xe, có thể gây tai nạn. Việc kiểm tra lốp bị mất cân bằng sẽ được tiến hành kiểm tra và xử lý trên máy chuyên dùng trong chu kỳ bảo dưỡng xe cấp 2 theo quy định.
Ngoài ra, lốp có thể còn bị phồng, rộp. Khi lớp bố trong vách lốp mà bị phồng sẽ sinh ra túi bóng khí mà người ta vẫn gọi là lốp bị “chửa”. Mặt khác, khi chạy thấy xe bị lắc là xe mất cân bằng. Ngoài nguyên nhân tải bị chất lệch còn có thể do lốp xe bị mòn không đều, bị vật cứng chém. Khi xe chạy có hiện tượng lắc đầu xe hoặc có tiếng va đập lặp đi lặp lại thì cần dừng xe lập tức, kịp thời kiểm tra độ mòn của lốp, áp suất hơi trong lốp...
Thông thường, trước khi xe lăn bánh trong ngày, lái xe có trách nhiệm kiểm tra áp suất lốp. Chú ý khi xe chở đầy tải, lại chạy giữa trưa nắng thì lái xe có thể xả bớt hơi để tránh áp suất trong lốp tăng khi trời nắng to, có thể gây nổ lốp, song để làm việc này, đòi hỏi lái xe phải là người có kinh nghiệm.
Mới đây, anh Trương Thanh Tuấn (32 tuổi, ngụ Tây Ninh) chạy xe tải 30 tấn chở cát, khi cúi xuống xem lốp xe tải thì đúng lúc bánh xe vỡ, hơi phụt thẳng vào miệng làm vỡ nát thực quản. Ngày 24/12/2013, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm tỉnh tiến hành kiểm tra, phát hiện cơ sở DNTN Phát Thành Đạt (thị xã Dĩ An, Bình Dương) làm giả hàng loạt lốp xe ô tô với quy mô lớn.