Vì sao siêu hạm DDG-1000 Mỹ phải ra biển...không mang đạn?

Google News

Sở hữu siêu pháo mạnh nhất lịch sử, thế nhưng các tàu khu trục DDG-1000 của Hải quân Mỹ đứng trước thách thức...ra biển không có đạn.

Tàu khu trục tàng hình lớp Zumwalt từng được kỳ vọng sẽ giúp Hải quân Mỹ duy trì sức mạnh “không đối thủ” trên biển. Zumwalt mang một thiết kế đến từ tương lai với khả năng tàng hình ưu việt. Ngoài ra tàu còn được áp dụng một loạt các công nghệ mới lần đầu sử dụng cho tàu chiến như động cơ điện tích hợp, radar băng tần kép, pháo hạm AGS 155 mm.
Zumwalt có thiết kế thủy động lực học với công nghệ “sóng xuyên thân” với phần mũi tàu xuôi về phía sau chứ không hướng về trước như truyền thống. Tàu sử dụng tháp chỉ huy tích hợp kiểu mới. Toàn bộ cảm biến được gắn bên trong mái che giúp tăng khả năng tàng hình.
Ban đầu, Hải quân Mỹ dự định đóng mới 32 tàu khu trục tàng hình lớp Zumwalt để bổ sung và thay thế dần cho tàu khu trục lớp Arleigh Burke. Tuy nhiên, chi phí phát triển tàu tăng một cách chóng mặt khiến số lượng mua giảm xuống còn 24, sau đó giảm xuống 7 và cuối cùng chỉ còn 3 tàu, kéo theo đơn giá cho mỗi tàu lên đến 4 tỷ USD, đưa nó trở thành tàu chiến đắt nhất lịch sử.
Cuộc cách mạng pháo hạm tầm xa
Vũ khí được kỳ vọng sẽ tạo ra cuộc cách mạng trong tác chiến hải quân là pháo hạm AGS 155 mm bắn đạn pháo dẫn hướng tầm siêu xa LRLAP. Theo bản thiết kế, pháo AGS 155 mm bắn đạn LRLAP có thể tấn công mục tiêu ở cự ly tới 150 km, xa hơn cả phiên bản tiêu chuẩn của tên lửa Harpoon, vũ khí chống hạm chủ lực của Mỹ.
 Pháo hạm AGS và đạn LRLAP từng được kỳ vọng sẽ tạo ra cuộc cách mạng trong pháo binh hải quân. Đồ họa: Naus.
Pháo hạm AGS 155 mm sử dụng hệ thống nạp đạn tự động với tốc độ bắn 10 viên/phút. Mỗi tàu khu trục tàng hình lớp Zumwalt được trang bị 2 pháo hạm AGS. Theo tính toán của các nhà thiết kế, 2 pháo AGS có khả năng chi viện hỏa lực tương đương với khẩu đội pháo binh truyền thống với 12 khẩu.
Đạn LRLAP sử dụng hệ thống dẫn đường tiên tiến có thể tấn công mục tiêu với độ chính xác rất cao. Hải quân Mỹ dự định sử dụng pháo AGS để bắn phá các mục tiêu dọc bờ biển đối phương. Tầm bắn xa như tên lửa sẽ giúp tàu an toàn trước vũ khí phòng thủ bờ biển của đối phương.
Các thử nghiệm với pháo AGS và đạn LRLAP cho kết quả rất khả quan. Trong một thử nghiệm vào năm 2005, đạn LRLAP bắn trúng mục tiêu ở cự ly 109 km. Các nhà thiết kế tự tin việc mở rộng tầm bắn lên 150 km chỉ là vấn đề thời gian.
AGS 155 mm cùng với đạn LRLAP được kỳ vọng sẽ tạo ra cuộc cách mạng trong pháo binh trên các tàu chiến, hồi sinh khả năng bắn phá bờ biển thường được sử dụng bằng nhưng khẩu pháo khổng lồ trong Thế chiến II và những năm đầu Chiến tranh Lạnh.
Mỗi phát bắn gần 1 triệu USD
Sự kỳ vọng vào công nghệ tiên tiến và hiệu suất tác chiến vượt trội mà pháo hạm AGS 155 mm mang lại nhanh chóng bị dập tắt bởi những rắc rối phát sinh. Việc Hải quân Mỹ giảm số lượng mua tàu từ 32 xuống còn 3 dẫn đến số lượng đạn cần sản xuất cũng giảm theo. Điều này khiến đơn giá mỗi quả đạn tăng đến chóng mặt.
Đơn giá mỗi quả đạn LRLAP dao động từ 800.000-1.000.000 USD, tương đương với tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk tầm bắn 2.500 km. Đạn LRLAP có thông số kỹ thuật rất ấn tượng nhưng Hải quân Mỹ buộc phải hủy hợp đồng mua loại đạn này vì chi phí quá cao, dẫn đến pháo hạm AGS trở nên vô dụng vì không có đạn.
 Pháo hạm AGS 155 mm lắp trên tàu khu trục Zumwalt chỉ để làm cảnh vì không có đạn. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Hải quân Mỹ cũng tính đến giải pháp lựa chọn đạn pháo có điều khiển M982 Excalibur 155 mm để thay thế. Đạn Excalibur có tầm bắn khoảng 50 km, khoảng một nửa tầm bắn của LRLAP nhưng gấp đôi so với pháo 127 mm đang sử dụng trên tàu chiến Mỹ. Đạn M982 có đơn giá khoảng 70.000 USD/quả, thấp hơn nhiều so với LRLAP.
Tuy nhiên, pháo hạm AGS được thiết kế để sử dụng đạn LRLAP nên để bắn loại đạn khác cần thiết kế lại gần như toàn bộ từ nòng pháo, hệ thống nạp đạn, làm mát và phần mềm điều khiển. Các kỹ sư ước tính cần khoảng 250 triệu USD để thiết kế lại 6 pháo AGS trên 3 tàu Zumwalt.
Trong khi chờ thiết kế lại pháo AGS, tàu khu trục USS Zumwalt (DDG-1000) và USS Michael Monsoor (DDG-1001) mới đưa vào thử nghiệm sẽ hoạt động mà không có pháo hạm. Hải quân Mỹ cũng đang xem xét khả năng trang bị pháo điện từ trên tàu DDG-1001, nhưng vũ khí này vẫn chưa thử nghiệm thành công.
Chuẩn đô đốc Ronald Boxall, Chỉ huy tác chiến mặt nước Hải quân Mỹ thừa nhận với USNI News rằng nhiệm vụ tác chiến của Zumwalt được dự trù vào năm 1995, nhưng môi trường tác chiến hiện tại đã thay đổi rất nhiều và con tàu cần được định hình lại sứ mệnh hoạt động.
Theo Trung Hiếu/Zing.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)