Sau vụ tấn công mới nhất do Không quân Israel tiến hành nhằm vào khu vực ngoại vi Damascus, đã có nhiều ý kiến từ các chuyên gia quân sự cho rằng tiêm kích Syria cần xuất kích để phối hợp với tên lửa phòng không.
Sự kết hợp giữa máy bay chiến đấu và tên lửa phòng không sẽ giúp cho bên phòng thủ ở thế chủ động hơn nhiều so với chỉ thụ động chờ tiêm kích đối phương bay đến để đánh trả.
|
Ảnh minh họa. |
Mặc dù vậy Không quân Syria đang ở trong tình trạng lực bất tòng tâm, khiến họ dù có muốn cất cánh giao chiến cũng đành phải "ngậm ngùi nằm đất".
Không quân Syria hiện chỉ có vài chiếc tiêm kích MiG-29SE đời đầu là còn hoạt động được, năng lực không chiến của chúng rất hạn chế kể cả trong lẫn ngoài tầm nhìn khi phải đặt cạnh các chiến đấu cơ hiện đại của Israel.
Ngoài MiG-29, chủng loại tiêm kích còn sử dụng được của Không quân Syria chỉ là MiG-23 và MiG-21 đã quá lạc hậu, trong khi Su-22M4 thì chỉ có thể đảm nhiệm vai trò tấn công mặt đất mà thôi.
Trước tình hình trên, có lẽ Không quân Syria sẽ cần sự trợ giúp khẩn cấp từ đồng minh thân thiết nhất là Nga, đó là Moskva sẽ cung cấp cho Damascus tiêm kích hiện đại để phối hợp tốt hơn với S-300PM.
Chủng loại chiến đấu cơ mà Syria có thể được Nga viện trợ gồm có các ứng viên đã xuất hiện tại căn cứ Hmeimim trong vài năm qua, đó là các tiêm kích thuộc họ Flanker bao gồm Su-27SM3, Su-30SM và Su-35S.
Khả năng Nga đồng ý cung cấp tiêm kích hiện đại cho Syria là điều còn phải xem xét, tuy nhiên kể cả khi nắm trong tay những phương tiện tối tân này thì Không quân Syria vẫn khó lòng được xem là đối thủ của Israel.
Vấn đề đầu tiên phải nói tới đó là mặc dù được Nga quảng cáo là vượt trội nhưng chưa có gì chứng minh Su-30SM hay Su-35S có thể dễ dàng chiến thắng F-16I Sufa hay F-15I Ra'am của Israel.
Đó là chưa kể nếu gặp phải tiêm kích thế hệ 5 F-35I Adir thì phần thiệt thòi dĩ nhiên luôn thuộc về chiến đấu cơ thế hệ 4, khi chúng sẽ bị đối phương thấy trước và bắn trước.
Chất lượng chưa đảm bảo lợi thế thì Không quân Syria sẽ còn gặp bất lợi lớn nữa đó chính là số lượng, nếu đồng ý cung cấp thì Nga chỉ có thể bàn giao cho Syria một vài máy bay, chúng sẽ phải đối đầu với hàng chục tiêm kích hiện đại của Israel trong mỗi trận đánh.
Yếu tố tiếp theo cần nhắc tới chính là trình độ phi công điều khiển, qua những cuộc chiến trong quá khứ và hiện tại, đội ngũ "thợ lái máy bay" của Không quân Israel luôn chứng tỏ năng lực hàng đầu thế giới.
Các phi công Israel đã bắn hạ được vô số chiến đấu cơ của khối Arab, kể cả khi chúng được phi công bản địa hay phi công Nga điều khiển, góp phần tạo nên những chiến thắng giòn giã của họ từ trước đến nay.
Trong khi đó trình độ phi công tiêm kích Syria chưa bao giờ được đánh giá cao, nếu chuyển loại sang máy bay chiến đấu hiện đại thì thậm chí họ còn phải mất thời gian làm quen phương tiện, khó mà làm chủ ngay được.
Với những yếu tố trên, rõ ràng nếu Không quân Syria có được Nga cấp tốc hỗ trợ một vài phi đội Su-30SM hay Su-35S thì cũng quá khó để thay đổi cục diện chiến trường.
Đó là chưa kể đến việc chưa chắc Moskva đã dám cung cấp Su-30SM hay Su-35S cho Không quân Syria vì đây vẫn là những vũ khí ăn khách của họ, nếu chẳng may có màn thể hiện thất vọng sẽ là tai họa cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga.