Điểm yếu “chết người” của Trung Quốc ở biên giới với Ấn Độ

Google News

(Kiến Thức) - Tiêm kích Su-30MKI Ấn Độ có thể “hủy diệt” tuyến đường sắt huyết mạch nối miền Tây Trung Quốc và khu tự trị Tây Tạng trong trường hợp xung đột nổ ra.

Tạp chí Khán Hòa cho hay, tuyến đường sắt Thanh Hải – Tây Tạng chạy giữa thành phố Tây Ninh của tỉnh Thanh Hải, miền Tây Trung Quốc và thành phố Lhasa ở khu tự trị Tây Tạng có thể trở thành mục tiêu tiềm năng cho máy bay chiến đấu Su-30MKI của Không quân Ấn Độ nếu tranh chấp lãnh thổ xảy ra giữa Trung Quốc và Ấn Độ leo thang thành chiến tranh tổng lực.
Đầu năm 2013, Bắc Kinh và New Delhi đã đồng ý rút các lực lượng từ vùng tranh chấp Daulat Beg Oldie ở khu vực biên giới tạm thời giữa 2 nước. Tuy nhiên, căng thẳng vẫn tiếp diễn khi đường biên giới chính thức vẫn chưa được thành lập kể từ xung đột năm 1962.
“Mặc dù, Quân đội Trung Quốc mạnh mẽ hơn Quân đội Ấn Độ nhưng Trung Quốc lại có nhiều điểm yếu tại các khu vực biên giới”, Khán Hòa cho biết.
 Su-30MKI của Không quân Ấn Độ.
Điểm yếu đầu tiên là việc Trung Quốc chỉ có 2 căn cứ không quân trong khu vực bao gồm Gongga và Shigatse. Hai căn cứ không quân này lại rất gần nhau nên Không quân Ấn Độ có thể dễ dàng vô hiệu hóa 2 căn cứ này cũng như lực lượng Không quân Trung Quốc trong thời gian ngắn. 4 căn cứ không quân khác của Trung Quốc ở Tây Tạng đều không có đầy đủ phương tiện kỹ thuật để chứa cũng như vận hành các máy bay tiên tiến của không quân nước này.
Theo tờ Khán Hòa, điểm yếu thứ 2 của Trung Quốc là các đơn vị quân đội trong khu vực Tây Tạng phải dựa rất nhiều vào tuyến đường sắt Thanh Hải – Tây Tạng trong việc cung cấp hậu cần. Nếu tuyến đường sắt này bị cắt đứt, các lực lượng Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các tuyến đường hậu cần mới. Có khoảng 260 cây cầu và 2 đường hầm ở Tây Tạng. Các máy bay chiến đấu Su-30MKI và Mirage 2000 của Ấn Độ có khả năng phá hủy hoàn toàn những công trình này với các vũ khí dẫn đường chính xác.
Lợi thế duy nhất của Trung Quốc trong không chiến với Ấn Độ là Trung Quốc có thể dùng tên lửa tấn công căn cứ Không quân Ấn Độ tại Assam. Ngoài ra, New Delhi cũng nằm trong tầm tấn công của tên lửa đạn đạo tầm trung DF-15 của Trung Quốc. DF-15 được vận hành bởi Quân đoàn Pháo binh số 2 – lực lượng tên lửa chiến lược của Quân đội Trung Quốc.
Nguyễn Hoàng

Bình luận(0)