Đài Loan bắn tên lửa nhằm “cảnh báo” Nhật?

Google News

(Kiến Thức) - Cuộc thử tên lửa hải đối không tầm xa SM-2 của Đài Loan được cho hành động cảnh báo với Nhật Bản muốn lập căn cứ trinh sát trên đảo Yonaguni.

Theo Tân Hoa Xã, ngày 26/9, Hải quân Đài Loan đã tiến hành cuộc bắn thử nghiệm tên lửa đối không tầm xa SM-2 từ tàu khu trục lớp Kidd tại khu vực biển phía Đông của Đài Loan, nằm gần đảo Yonaguni của Nhật Bản. Đây được xem là vũ khí phòng không trên hạm tốt nhất của Đài Loan có thể diệt mục tiêu ở cự ly xa tới 170km.
Báo chí Đài Loan bình luận này, việc sử dụng tên lửa mạnh nhất để tiến hành cuộc tập trận có thể là lời cảnh báo đối với Nhật Bản.
Tờ Liên hợp của Đài Loan cho biết, đây là lần thứ 2 Hải quân Đài Loan tiến hành bắn thử nghiệm tên lửa SM-2 tại khu vực biển Đài Loan kể từ khi tàu khu trục lớp Kidd được biên chế phục vụ năm 2005 đến nay, cũng là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống Mã Anh Cửu.
 Tàu khu trục lớp Kidd của Hải quân Đài Loan phóng tên lửa SM-2.
Tờ Takungpao (trụ sở tại Hongkong) bình luận, cuộc tập trận dường như hình thành “một nửa vòng vây” đối với đảo Yonaguni của Nhật Bản. Mặc dù, trước đây Quân đội Đài Loan cũng đã tổ chức các cuộc tập trận tại khu vực biển gần đảo Yonaguni, nhưng phạm vi bắn của lần này rõ ràng đã được mở rộng, nhất là “vai chính” của cuộc tập trận lần này lại là tên lửa phòng không SM-2 có tính năng mạnh nhất của Hải quân Đài Loan hiện nay.
Cũng theo tờ báo này, Nhật Bản đang có kế hoạch thiết lập lực lượng giám sát bờ biển trên đảo Yonaguni gồm 100 quân từ Lực lượng Phòng vệ mặt đất (JGSDF) hợp thành, trong khi Đài Loan lại cách đảo Yonaguni không xa lắm. Các căn cứ hải quân, không quân quan trọng như Hualien, Tả Doanh, Giai Sơn của Đài Loan đều nằm trong tầm quét của radar trên đảo Yonaguni. Tàu chiến Nhật Bản xuất phát từ đảo Yonaguni chỉ trong 2 giờ là có thể tiếp cận vùng biển ngoài khơi cảng Hualien, còn máy bay chiến đấu chỉ cần 10 phút là có thể tiếp cận không phận Đài Loan.
“Cho nên cuộc tập trận bằng tên lửa lần này của Hải quân Đài Loan có thể là một lời cảnh báo đối với Nhật Bản”, theo báo chí Đài Loan.
 SM-2 là loại tên lửa đối không mạnh nhất Hải quân Đài Loan.
Tạp chí Tuần châu Á (Hongkong) chỉ ra, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) có kế hoạch thành lập lực lượng trinh sát điện tử trên đảo Yonaguni vào năm 2016. Phía Nhật cho rằng, tàu chiến và máy bay chiến đấu của Trung Quốc thường xuyên qua lại tại khu vực này, để nắm những hoạt động ra vào của Trung Quốc cần phải thiết lập Tiểu đoàn trinh sát điện tử trên đảo này. Mà 6 tháng đầu năm 2013, mọi công tác chuẩn bị cho việc thành lập lực lượng trinh sát điện tử trên đảo Yonaguni của Nhật Bản đã được hoàn tất.
Nhưng cách phía Nam của đảo Yonaguni 10km là căn cứ hải quân Tô Áo ở bờ biển phía đông của Đài Loan, cách phía Nam 117 km là đảo Ishigaki của Nhật Bản, bán kính trinh sát của lực lượng trinh sát Nhật Bản là từ 150-200km. Điều đó có nghĩa là khu vực trên biển và trên không nhạy cảm nhất trong các cuộc tập trận của Đài Loan đều nằm trong phạm vi trinh sát trên đảo Yonaguni, kể cả là căn cứ không quân Giai Sơn, vùng biển ngoài khơi thao trường thử nghiệm tên lửa Cửu Bằng và căn cứ Tô Áo.
Căn cứ vào tài liệu tình báo Đài Loan cho thấy, phía Bắc đảo Yonaguni có đường băng dài 2.000m, có thể đảm bảo cho máy bay chống ngầm P-3C, máy bay chiến đấu các loại và máy bay trinh sát của Nhật Bản cất cánh. Đảo Yonaguni thực chất đã là căn cứ tiền tuyến của Nhật Bản trong chiến lược và chiến thuật.
Tàu chiến tàng hình của Hải quân Đài Loan tập trận trên biển.
Cơ quan An ninh Đài Loan cũng đã thông qua Mỹ để can ngăn kế hoạch của Nhật Bản, nhưng Nhật Bản lại “bỏ ngoài tai” sự phản đối của Đài Loan, cho nên lần tập trận thử nghiệm tên lửa đối không SM-2 và tên lửa chống tàu siêu thanh Hùng Phong III lần này của Đài Loan chính là sự phản đối rất mạnh mẽ đối với kế hoạch lập căn cứ trinh sát trên đảo Yonaguni.
Tờ Takungpao còn dẫn phân tích của báo chí Đài Loan chỉ ra, phạm vi bắn thử nghiệm được Quân đội Đài Loan thông báo lần này không giống như khu vực tập trận trước đây chỉ có 4 điểm, còn lần này tổng cộng có 10 điểm hình thành một cái hố, kề sát đảo Yonaguni, ngoài khu vực 12 hải lý bên trái của đảo Yonaguni đều được Hải quân Đài Loan đưa vào phạm vi bắn.
Theo tờ báo này, để đối phó với các cuộc tập trận gần đảo Yonaguni trong những năm gần đây của Quân đội Đài Loan, Nhật Bản cũng chỉ có những phản ứng bình thường. Nhưng nếu Nhật Bản sau khi đóng quân trên đảo Yonaguni, các cuộc tập trận và phạm vi hoạt động của Quân đội Đài Loan chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng, khó có thể tiếp cận được khu vực gần đảo Yonaguni.
Bằng Hữu

Bình luận(0)