Nghi thức bắn 21 phát đại bác xuất hiện đã khá lâu ở Việt Nam và trên thế giới nhưng chưa nhiều người biết được nguồn gốc cũng như ý nghĩa của nó.
Hơn 400 năm trước, ở một số quốc gia châu Âu có tập quán bắn đại bác để đón tiếp khách quý. Nhưng lúc đó, nghi thức này chỉ phổ biến trên các chiến hạm.
Khi chiến hạm của một nước tiến vào cảng của một nước khác thì các khẩu pháo trên chiến hạm phải bắn hết đạn để tỏ mình đến không có ý thù địch.
Xưa kia các chiến hạm có trọng tải nhẹ, số khẩu pháo lắp trên tàu không thể nhiều hơn 7 khẩu và đều là loại lắp đạn từ đầu nòng. Vì vậy, việc nổ pháo rất tốn sức, chỉ có thể nổ từng khẩu và bắn hết 7 khẩu.
Còn trên các pháo đài của bến cảng, chủ nhà bố trí rất nhiều cỗ pháo, họ bắn 3 phát để trả lời và hoan nghênh.
Tích của 3 x 7 là 21, đó là nguồn gốc của 21 phát đại bác.
Về sau, tập quán này dần dần biến thành một thông lệ quốc tế. Nó cũng không bị hạn chế trong các trường hợp phải có hải quân tiến nhập cảng của nước khác thì mới dùng. Trong các ngày lễ và các trường hợp đón tiếp khách quý, nghi lễ này cũng được áp dụng.
|
Nghi thức bắn 21 phát đại bác. |
Xuất phát từ nước Anh?
Vẫn có cách giải thích khác cho rằng, nghi thức này bắt đầu từ nước Anh. Trong hai thế kỷ 17 và 18, Vương quốc Anh rất hùng mạnh và có nhiều thuộc địa trên thế giới.
Mỗi khi tàu chiến của nước Anh chạy qua hay tiến vào pháo đài hoặc bến cảng của một nước thuộc địa, họ yêu cầu đối phương phải nổ 21 phát đại bác để biểu thị lòng tôn kính và thần phục, còn các chiến hạm nước Anh chỉ bắn 7 phát để trả lời.
Về sau, nghi thức này được lan rộng ra các nước khác trên thế giới, trở thành thông dụng trong những ngày lễ hay khi đón tiếp nguyên thủ các quốc gia.
Thực tế, cũng có nhiều kiến giải về nguồn gốc con số 21. Có ý kiến rằng, hải quân phương Tây thường quan niệm số 3 là số vạn năng, số 7 là số thần bí. Tích của chúng bằng 21, nên số 21 cần phải dành cho khách quý.
Lại có ý kiến khác, lúc đó loại tàu chiến lớn nhất chỉ có 21 khẩu đại bác, nên khi 21 khẩu đại bác trên tàu chiến cùng bắn lên không trung 21 phát là nghi lễ chào hỏi thành tâm nhất.
Năm 1772, nước Anh quy định bắn 21 phát đại bác là nghi lễ trọng đại đón quốc vương và nữ hoàng. Năm 1837, nước Mỹ quy định bắn đại bác là nghi lễ quan trọng nhưng bắn đến 26 phát.
Năm 1875, Quốc vụ viện Mỹ và Công sứ Anh tại Mỹ thỏa thuận dùng tập quán bắn đại bác của hải quân với 21 phát làm nghi lễ trọng đại nhất và 19 phát vào các nghi lễ khác.
Đón nguyên thủ quốc gia
Hiện nay, các nước trên thế giới thường thực hiện nghi lễ bắn đại bác với 21 phát khi đón nguyên thủ quốc gia, 19 phát khi đón thủ tướng. Số lần bắn đại bác và các nghi lễ khác thì mỗi nước có quy định riêng.
Chẳng hạn, Anh quy định bắn 62 phát đại bác vào ngày sinh nữ hoàng, Mỹ bắn 50 phát đại bác vào dịp quốc khánh (tượng trưng cho 50 bang).
Khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời ngày 1-10-1949, nước này đã sử dụng 54 khẩu đại bác bắn 28 loạt nhằm biểu thị Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân khóa 1 có đại biểu của 54 địa phương tham dự, đồng thời đánh dấu mốc 28 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo nhân dân đấu tranh gian khổ đi đến đỉnh cao thắng lợi với sự ra đời của nước Trung Hoa mới.
Ngày nay, nghi lễ này chỉ thực hiện đối với các nước có quan hệ đặc biệt khi đón tiếp các nguyên thủ quốc gia hoặc trong các ngày lễ lớn của quốc gia.
Trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Trung Quốc cách đây mấy năm, lễ đón tiếp đã được tổ chức trọng thể tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh theo nghi thức dành cho nguyên thủ quốc gia. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì lễ đón và quốc ca hai nước được quân nhạc cử hành nghiêm trang cùng 21 loạt đại bác chào mừng.
Đến Indonesia, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng được chào đón tại Phủ Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono, với nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ cùng 21 tiếng đại bác chào mừng.