12 sự kiện quốc phòng tiêu biểu VN 2012 (2)

Google News

(Kiến Thức) - Năm 2012, các lực lượng bảo vệ biển Việt Nam tiếp tục nhận được thêm trang bị mới và bên cạnh đó là sự phát triển mạnh của công nghiệp quốc phòng nội địa.

7. Cảnh sát biển tiếp nhận tàu tuần tra lớn nhất

Nhằm đáp ứng yêu cầu tuần tra bảo vệ biển đảo, thực thi pháp luật trên biển và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn. Năm 2012, Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục nhận thêm nhiều trang thiết bị mới.

Ngày 23/10, Cục Cảnh sát biển Việt Nam, nhà máy Z189 và hãng Damen (Hà Lan) đã thực hiện lễ hạ thủy tàu tuần tra DN 2000 mang phiên hiệu CSB 8001. 

Tàu tuần tra hiện đại DN 2000.
Tàu tuần tra hiện đại DN 2000.

DN 2000 là dạng tàu có thiết kế tiên tiến, hiện đại đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế. Theo giới quan sát quốc tế, DN 2000 đạt tiêu chuẩn châu Âu với nhiều trang thiết bị hàng hải chưa từng có trên các tàu quân sự Việt Nam từ trước tới nay.

DN 2000 cũng là tàu cảnh sát biển đầu tiên của Việt Nam có sân đáp ở đuôi tàu đáp ứng yêu cầu cất hạ cánh của một trực thăng hạng trung.

Tàu có thể hoạt động trong các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam với phạm vi không hạn chế trong điều kiện gió cấp 12 và liên tục trên biển 40 ngày đêm.

Ngoài vai trò tuần tra bảo vệ biển đảo, khi cần DN 2000 có thể tham gia cứu kéo các tàu bị nạn, chuyển quân, chi viện hậu cần cho các lực lượng trên đảo.

8. Cảnh sát biển nhận máy bay C-212

Ngày 16/8, Cục Cảnh sát biển Việt Nam chính thức tiếp nhận máy bay tuần tra hiện đại đầu tiên CASA C-212-400 từ hãng Airbus Military tại sân bay Gia Lâm. Đây là chiếc đầu tiên trong hợp đồng mua 3 chiếc mà Việt Nam ký với Airbus Military.

C-212-400 là dòng máy bay vận tải đa dụng thế hệ 4 được thiết kế chuyên biệt cho nhiệm vụ tuần tra trinh sát hải quân với nhiều trang bị hiện đại, tiên tiến trên thế giới. Đặc điểm nổi bật của nó là khả năng bay tốc độ thấp, thao diễn ở tầm bay thấp rất phù hợp với hoạt động tuần thám ven biển. 

Máy bay tuần tra biển C-212-400 trên sân bay Gia Lâm.
Máy bay tuần tra biển C-212-400 trên sân bay Gia Lâm.

Máy bay có thể hoạt động cả ban ngày và ban đêm trong mọi điều kiện thời tiết, cất hạ cánh ở sân bay dã chiến, ngắn hẹp…

C-212-400 được trang bị cho Cảnh sát biển Việt Nam phục vụ nhiệm vụ tuần thám biển, quan sát phát hiện mục tiêu, nhận dạng tàu thuyền hoạt động trên biển và phát hiện sự cố tràn dầu, thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn.

9. Nga hạ thủy tàu ngầm đầu tiên cho Việt Nam

Tháng 8/2012, Ria Novosti dẫn nguồn tin từ nhà máy đóng tàu Admiralteiskie Verfi (Nga) cho hay, nhà máy đã hạ thủy tàu ngầm tấn công chạy động cơ điện – diesel lớp Kilo đầu tiên cho Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Theo nguồn tin, chiếc tàu ngầm Kilo này sẽ sớm được thử nghiệm và việc chuyển giao dự kiến bắt đầu thực hiện từ cuối năm 2012. 

Tàu ngầm tấn công Kilo (ảnh minh họa nước ngoài).
Tàu ngầm tấn công Kilo (ảnh minh họa nước ngoài).

Năm 2009, Việt Nam đã ký hợp đồng trị giá 2 tỷ USD mua 6 tàu ngầm tấn công hiện đại lớp Kilo (project 636) do Nga sản xuất. Bên cạnh đó, Nga cũng sẽ giúp Việt Nam xây dựng căn cứ tàu ngầm và cơ sở bảo trì bảo dưỡng.

Dự kiến, lô 6 chiếc tàu ngầm sẽ được Nga lần lượt bàn giao cho Việt Nam từ nay cho tới năm 2016. Với tàu ngầm tấn công Kilo, sức mạnh hải quân Việt Nam được tăng lên đáng kể giúp giữ vững vùng biển đảo tổ quốc.

Tàu ngầm tấn công Kilo có lượng giãn nước 3.100 tấn, trang bị các máy phóng ngư lôi cỡ 533mm bắn được ngư lôi chống ngầm hoặc tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh 3M54.

10. Đóng tàu pháo và tàu tên lửa

Ngày 8/10, Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân đã tổ chức ký hợp đồng với công ty Hồng Hà và Ba Son (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) đóng mới 2 lớp tàu chiến đấu hiện đại TT400TP và tàu tên lửa project 12418.

Trong đó, tàu TT400TP do công ty Hồng Hà mua thiết kế sơ bộ và tự đóng mới trong nước. Việc đóng thành công TT400TP là bước tiến vượt bậc trong công nghiệp đóng tàu quân sự Việt Nam. 

Tàu hộ tống tên lửa project 12418.
Tàu hộ tống tên lửa project 12418.

Tàu có lượng giãn nước 480 tấn, dài 54,16m. Tàu trang bị hệ thống điện tử vũ khí hiện đại, tính tự động hóa cao. Hiện nay, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã đưa vào trang bị 2 tàu pháo TT400TP.

Còn tàu cao tốc tên lửa project 12418 được Ba Son mua thiết kế và công nghệ từ Nga. Đây là tàu tên lửa cỡ nhỏ nhưng hỏa lực của nó cực mạnh (16 tên lửa hành trình Kh-35 Uran) có thể đánh chìm tàu chiến lớn hơn gấp nhiều lần.

Hai lớp tàu chiến đấu nằm trong chương trình hiện đại hóa của Quân chủng Hải quân để nâng cao năng lực quản lý và bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của tổ quốc, góp phần xây dựng lực lượng hải quân tiến lên cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong tình hình mới.

11. Việt – Nga hợp tác chế tạo tên lửa

Tháng 2/2012, hãng tin Ria Novosti dẫn lời Giám đốc Liên bang về Hợp tác Kỹ thuật quân sự Nga Mikhail Dmitriev tuyên bố, trong năm 2012 Nga – Việt sẽ hợp tác cùng nhau phát triển loại tên lửa hành trình mới.

Ông Dmitriev nói: “Trong năm 2012, Việt Nam sẽ tăng cường năng lực để bắt đầu sản xuất một loại tên lửa hành trình mới dựa trên tên lửa Uran của Nga”. 

Tên lửa hành trình đối hạm Kh-35 Uran-E.
Tên lửa hành trình đối hạm Kh-35 Uran-E.

Theo đó, dự án sẽ thực hiện theo mô hình giống như Liên doanh Nga - Ấn (BrahMos Aerospace) đã phát triển và sản xuất tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos.

Tên lửa hành trình Uran là loại vũ khí diệt hạm tàu hiện đại có tầm bắn 130km. Hiện nay, hầu hết tàu chiến mới của Việt Nam đều sử dụng tên lửa Uran làm vũ khí tấn công chủ lực.

Việc Việt – Nga hợp tác phát triển một biến thể tên lửa mới sẽ giúp Việt Nam tiếp thu được công nghệ chế tạo tên lửa và tiến tới tự sản xuất đáp ứng yêu cầu trong nước.

12. Việt – Nga hợp tác chế tạo UAV

Báo Izvestia đưa tin, ngày 14/3 hãng Irkut Engenering (Nga) và Hiệp hội Hàng không Vũ trụ Việt Nam (VASA) đã ký thỏa thuận hợp tác nghiên cứu chế tạo máy bay không người lái hạng nhẹ với tổng trị giá chương trình 10 triệu USD.

Tổng giám đốc Irkut Engenering Yuri Malov cho hay, Việt Nam sẽ sử dụng các máy bay không người lái cho mục đích dân sự. Tuy nhiên, các công nghệ mà Nga chuyển giao cho phép Việt Nam chế tạo các biến thể dùng trong quân sự. 

Một loại máy bay không người lái do hãng Irkut sản xuất.
Một loại máy bay không người lái do hãng Irkut sản xuất.

Dự kiến, tổ hợp máy bay không người lái gồm các máy bay, trạm ăng ten mặt đất truyền dữ liệu, hệ thống điều khiển và máy phóng. Khối lượng máy bay khoảng 100kg và hoạt động liên tục trên không 16 giờ.

Ông Malov nói thêm, Irkut Engineering sẽ thiết kế và hoàn thành biến thể máy bay không người lái trong thời gian nhanh nhất cung cấp cho Việt Nam. Dự kiến, sau khi chuyển giao công nghệ, Nga sẽ giúp Việt Nam sản xuất hàng loạt UAV trong nước.

Hoàng Lê (tổng hợp)

Bình luận(0)