Tờ Independent của Anh đã trích đăng ký sự của phóng viên William Lloyd George về cuộc sống của những người H'mong lầm đường lạc lối, từng là lính đánh thuê cho CIA trong những năm chiến tranh tại Việt Nam.
Họ được CIA huấn luyện, trang bị vũ khí và chi trả khá hậu hĩnh để tiến hành các hoạt động phá hoại trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh của Việt Nam đặc biệt là ở phần đi qua lãnh thổ Lào.
Dưới đây là những trải nghiệm của phóng viên khi tìm hiểu về cuộc sống của những người H'mong hiện tại.
Một con đường đất quanh co chạy giữa những ngọn đồi cây cối rậm rạp, khoảng không im lặng bị xé toạc bởi tiếng xe máy vút qua, 2 thanh niên bất chợt xuất hiện với súng máy trên tay. Người dẫn đường hướng dẫn cần phải di chuyển nhanh hơn lên phía trước.
|
Một khu trại của những người H'mong từng là lính đánh thuê cho CIA trong chiến tranh tại Việt Nam. |
Sau một quãng đường dài di chuyển giữa những khu rừng rậm rạp, tôi cũng đến được một trạm dừng chân của những người H'mong. Quang cảnh hiện ra trước mắt tôi là căn nhà rách nát được làm bằng tre nứa, họ mặc đồng phục màu xanh rách nát trong tay lăm lăm những khẩu súng AK-47 cũ kỹ.
Đây là những tàn tích còn lại của quân đội Hoàng gia Lào, trước đây được CIA thuê để tiến hành các hoạt động phá hoại trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong chiến tranh tại Việt Nam. Đối với phần còn lại của thế giới, việc quân đội Việt Nam tiến quân vào giải phóng miền Nam thống nhất đất nước vào năm 1975 đã đặt dấu chấm hết cho chiến tranh. Nhưng đối với người H'mong này là sự khởi đầu.
Đặc biệt khi phòng trào cách mạng Pathet lên nắm quyền tại Lào đã phát động chiến dịch truy quét tàn quân của quân đội Hoàng gia Lào. Kể từ đó những người H'mong từng là lính đánh thuê cho CIA phải lẩn trốn trong rừng sâu và hoàn toàn bị cắt đứt với thế giới bên ngoài.
Những người lính trẻ đã dẫn đường những người dân của họ lẩn trốn sâu vào trong rừng ra xa khu vực Saysomboun trước đây được gọi là “vùng đặc biệt”được CIA hỗ trợ thành lập vào năm 1994 đã bị Chính phủ Lào giải thể vào năm 2006.
|
Không hiểu những người H'mong này đang chiến đấu vì điều gì khi mà đối với CIA họ đã hết giá trị lợi dụng từ hơn 30 năm trước khi chiến tranh tại Việt Nam kết thúc. |
Họ bước đi một cách nhẹ nhàng và nói chuyện với nhau một cách thì thầm bởi vì họ luôn ở trong sự lo sợ. Sau hơn một ngày đêm leo núi, vượt rừng người viết bài cũng đến được khu trại nơi trú ẩn của họ.
Hoang tàn và không thể tin nổi nơi đây là nơi ở của những người H'mong. Khi nhìn thấy những người nước ngoài xuất hiện, toàn bộ cư dân nơi đây đều khóc lóc thảm thương và cầu xin sự giúp đỡ.
Những người phụ nữ già nua ốm yếu run lên vì xúc động khi nhớ lại những nỗi kinh hoàng mà họ đã trải qua, trong khi những đứa trẻ nhỏ còi cọc khóc òa lên khi thấy người lạ mặt.
Hơn 30 năm trước, khi chiến tranh kết thúc, CIA rút các điệp viên của mình ra khỏi đây thì Cher Fer vẫn còn là một thanh niên. Khi người Mỹ rút đi họ mang theo một số người H'mong và để lại hơn 10.000 người tự lo cho số phận của họ.
|
Họ vẫn mù quáng và tin rằng một ngày nào đó CIA sẽ quay lại cứu họ ra khỏi "địa ngục trần gian". |
Các thành viên từng một thời tự hào khi được đứng trong hàng ngũ của CIA bây giờ nằm sấp trên mặt đất từ bỏ tất cả phẩm giá của mình để cầu xin sự giúp đỡ ngay cả đối với một nhà báo phương Tây thăm họ.
Tự nhận mình là lính CIA, họ cầu xin một cách thảm thiết rằng người Mỹ sẽ trở lại và đưa họ ra khỏi nơi đây, Cher Fer nói thêm: “Tôi gia nhập CIA năm 1970, lúc đó ông Jerry (điệp viên CIA) đã đưa cho tôi một khẩu M79. Chúng tôi đã mất hàng ngàn binh lính cho người Mỹ”, Cher Fer nói bằng giọng tiếng Anh Mỹ rất chuẩn.
Nỗi hoang tưởng rằng người Mỹ sẽ quay trở lại để giải thoát họ đã trở thành sự động viên tinh thần rất lớn cho họ trong hơn 30 năm qua. Mặc dù liên minh giữa người H'mong và CIA là một phần quan trọng trong chiến tranh tại Việt Nam nhưng Chính phủ Mỹ gần như không làm gì.
Bill Lair một điệp viên kỳ cựu của CIA người từng đảm đương nhiệm vụ xây dựng các lực lượng chống cộng những năm chiến tranh. Trao đổi với tôi qua điện thoại từ nhà riêng của ông ở Waco, Texas khi được hỏi, bây giờ người Mỹ có nên làm gì để giúp đỡ họ hay không?
Ông nói: “CIA không nợ họ điều gì cả, chúng tôi đã cho họ sự lựa chọn để có cuộc sống mới nhưng họ đã quyết định ở lại”. Năm 2007, Vang Pao lãnh đạo phiến quân người H'mong trước đây được CIA huấn luyện sau đó di cư sang Mỹ đã bị bắt tại California vì tội âm mưu lật đổ Chính phủ Lào.
Như vậy thông điệp từ Chính phủ Mỹ đã rõ. Đồng minh năm xưa giờ đã trở thành quá khứ, hơn 4.500 người H'mong tị nạn tại Mỹ đã buộc phải hồi hương trở lại Lào và Thái Lan. Cả tin, mù quáng, thần thánh hóa CIA như là “đấng cứu thế” nhưng những người H'mong lầm đường lạc lối này không hề biết rằng họ chỉ là con rối phục vụ cho mục đích chính trị của của Mỹ.
TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU