1. Wilhelm Gustloff (năm 1945) – vụ đắm tàu thảm khốc nhất lịch sử
Ngày 30/1/1945, khoảng 9.000 người trên tàu Wilhelm Gustloff đã thiệt mạng do trúng ngư lôi của tàu ngầm Liên Xô và chìm ở vùng biển băng giá thuộc biển Baltic. Con tàu Gustloff được đặt theo tên của một nhà lãnh đạo Đức quốc xã bị ám sát ở Thụy Sĩ năm 1936. Năm 1937, Adolf Hitler đã sai người làm con tàu dài 208m, nặng 25.000 tấn và cho nó hoạt động như tàu du lịch. Tuy nhiên, sau khi Chiến tranh thế giới II nổ ra năm 1939, quân đội Đức chuyển đổi mục đích sử dụng tàu Gustloff thành bệnh viện và sau đó là trường huấn luyện tàu ngầm U-boat.
Đến tháng 1/1945, khi quân đội Liên Xô tiến vào Đông Phổ, Đức quốc xã đã thực hiện chiến dịch Hannibal nhằm di tản số lượng lớn nhân viên quân sự Đức và thường dân ra khỏi khu vực đó. Đến ngày 30/1, tàu Gustloff rời cảng Gotenhafen ở Đông Phổ (ngày nay là thành phố Gdynia, Ba Lan). Tuy nhiên, tàu ngầm S -13 của Liên Xô sớm phát hiện ra con tàu Gustloff và tấn công nó với 3 quả ngư lôi. Chỉ trong vòng 90 phút bị tấn công, tàu của Đức quốc xã bị đánh chìm cách ngoài khơi Stolpe Bank khoảng 12 hải lý. Các nhà sử học ước tính rằng, chỉ có khoảng 1.000 người trong tổng số 10.000 người có mặt trên tàu Gustloff may mắn thoát nạn. Vì vậy, nó trở thành thảm họa hàng hải kinh hoàng nhất lịch sử.
2. Mont Blanc (năm 1917) - vụ nổ lớn ở cảng Halifax
Ngày 6/12/1917, con tàu Mont Blanc của Pháp chứa đầy thuốc nổ neo đậu ở cảng Halifax, Nova Scotia, đã va chạm với con tàu Imo đang trên đường đến New York để nhận hàng cứu trợ do ảnh hưởng của cuộc Chiến tranh thế giới I ở Bỉ. Sau vụ va chạm, tàu Mont Blanc bốc cháy ở bến cảng Halifax. Khoảng 20 phút sau khi va chạm, ngọn lửa đã khiến 2.925 tấn thuốc nổ trên tàu Mont Blanc được kích hoạt.
Vụ tai nạn trên đã giết chết số lượng lớn người trên tàu cũng như có mặt trong khu vực đó và tàn phá cơ sở vật chất, lật đổ nhiều tòa nhà, gây hỏa hoạn tại các khu nhà và gây ra một trận sóng thần. Chưa dừng lại ở đó, một trận bão tuyết đã càn quét khu vực trên, khiến cho hoạt động cứu hộ và cứu trợ bị cản trở. Hơn 2.000 người thiệt mạng, hơn 6.000 người khác bị thương và khoảng 9.000 người mất nhà cửa trong vụ nổ thuốc nổ tại cảng Halifax. Nó trở thành vụ nổ nhân tạo lớn nhất thế giới cho đến khi quả bom nguyên tử đầu tiên được thả xuống Nhật Bản năm 1945.
3. Tàu Sultana (năm 1865) - Thảm hoạ trên sông Mississippi
Ngày 27/4/1865, khoảng 1.700 người trong đó đa phần là binh sĩ Liên minh mới được giải thoát khỏi các trại nhà tù miền Nam đã thiệt mạng sau khi con tàu Sultana chở họ phát nổ và chìm trên sông Mississippi. Con tàu này dài gần 80m và được cấp giấy phép chở tối đa 376 hành khách. Nó chính thức hoạt động ở Cincinnati kể từ năm 1863. Trong suốt cuộc nội chiến Mỹ, nó thường thực hiện các chuyến đi giữa New Orleans và St Louis nhằm vận chuyển binh sĩ và thực phẩm, quân tư trang cho chính phủ liên bang.
Ngày 24/4/1865, tàu Sultana dừng lại ở Vicksburg, Mississippi để vận chuyển binh sĩ từng bị giam cầm trong các trại tù binh chiến tranh khét tiếng như Andersonville và Cahaba. Chính phủ Mỹ trả tiền cho các công ty tàu thuyền để vận chuyển số quân sĩ trên trở về quê nhà của họ ở miền Bắc với chi phí 5 USD cho mỗi người đàn ông nhập ngũ và 10 USD cho một sĩ quan. Do đó, một số công ty đã hối lộ các quan chức quân sự để có thể chuyên chở càng nhiều binh sĩ càng tốt. Khi đó, tàu Sultana rời Vicksburg với khoảng 2.400 người trên tàu. Trong đó có hơn 2.000 binh sĩ, 100 dân thường và 80 thuyền viên, nhiều gấp 6 lần so với số lượng tối đa được phép lên tàu.
Vào khoảng 2h sáng ngày 27/4, 3 trong số 4 nồi hơi của con tàu bất ngờ phát nổ khiến con thuyền bốc cháy. Hàng trăm hành khách đã bị thiêu sống trong khi hàng trăm người khác bị ném xuống sông Mississippi do áp lực của vụ nổ hoặc buộc phải nhảy khỏi con tàu để thoát khỏi ngọn lửa. Tuy nhiên, những nỗ lực để thoát khỏi thảm họa đó cũng không thành công. Họ tránh được nạn chết cháy trên tàu nhưng không thể thoát khỏi kiếp nạn chết đuối. Vụ chìm tàu Sultana trở thành thảm họa hàng hải tồi tệ nhất lịch sử Mỹ.
4. Chìm tàu Arctic (năm 1854): Không phụ nữ và trẻ em nào sống sót
Tàu Arctic có chiều dài gần 87m, nặng 2.856 tấn là phương tiện đường biển đầu tiên thực hiện hành trình xuyên Đại Tây Dương vào năm 1850 chỉ trong 9 ngày. Ngày 27/9/1854, trong chuyến đi từ Liverpool, Anh đến thành phố New York, con tàu này đã va chạm với một tàu hơi nước Vesta của Pháp ở ngoài khơi Cape Race, Newfoundland. Ban đầu, tàu Pháp dường như bị thiệt hại lớn hơn nhưng sau đó thuyền trưởng tàu Arctic nhanh chóng nhận ra tàu của mình đang bị nước biển xâm nhập và có nguy cơ bị chìm. Vì vậy, ông quyết định cứu lấy hành khách trên tàu của mình. Người thuyền trưởng đã ra lệnh cho mọi người phải cứu phụ nữ và trẻ em đầu tiên. Tuy nhiên, một số thủy thủ đoàn và hành khách nam trên tàu Arctic đã không làm theo quyết định của thuyền trưởng. Họ chỉ nghĩ đến việc cứu lấy tính mạng bản thân. Do đó, hàng trăm người trên thuyền đã chết khi con tàu chìm xuống đáy biển.
Cuối cùng, trong tổng số 400 người có mặt trên thuyền Arctic trước khi gặp nạn thì chỉ có 87 người may mắn thoát chết nhưng không có trường hợp nào là phụ nữ hoặc trẻ em. Thuyền trưởng tàu Arctic cũng may mắn thoát nạn khi túm được một mẩu gỗ của con tàu rồi được chiếc tàu khác cứu. Trong khi đó, tàu Vesta không bị chìm và tiếp tục hành trình đến St John, Newfoundland vào ngày 30/9. Các thành viên trong thủy thủ đoàn của tàu Arctic đã được đưa lên xuồng cứu hộ và bỏ lại con tàu bị chìm. Sau đó, hành động không cứu người của họ bị các phương tiện truyền thông chỉ trích nặng nề, tuy nhiên, không người nào bị truy tố về hành động phản cảm trên.
5. Dona Paz (năm 1987): Vụ đắm tàu chở khách gây chấn động thời bình
Ngày 20/12/1987, tàu chở khách Dona Paz của Philippines đang trên đường di chuyển từ đảo Leyte đến Thủ đô Manila đã va chạm với một tàu chở dầu Vector ở eo biển Tablas. Vụ tai nạn đó đã khiến con tàu bốc cháy và bị chìm. Kéo théo đó là sinh mệnh của hơn 4.000 người. Con tàu này được xây dựng vào năm 1963 tại Nhật Bản. Vào thời điểm xảy ra tai nạn, tàu Vector chở hơn 8.000 thùng dầu thành phẩm. Do đó, cả hai con tàu cùng bị cháy rồi chìm xuống đáy biển.
Với thảm họa hàng hải kinh hoàng trên, tàu Dona Paz được gọi là "Titanic của châu Á" do số lượng người tử vong quá lớn. Cơ quan chức năng vẫn không thể xác định được chính xác số lượng người tử vong và cho rằng có thể con số thương vong gấp đôi số lượng được công bố chính thức. Sau vụ tai nạn đó, người ta còn phát hiện giấy phép hoạt động của tàu Vector đã hết hạn và thủy thủy đoàn cũng không có giấy phép hành nghề. Chỉ có vài chục người sống sót sau thảm họa chìm tàu kinh hoàng nhất xảy ra vào thời bình này.