Lịch sử ghi nhận Hoàng Ngũ Phúc là võ tướng xuất thân từ hoạn quan, có tài kiêm văn võ và lập được nhiều chiến công hiển hách.
Lịch sử ghi nhận Hoàng Ngũ Phúc là võ tướng xuất thân từ hoạn quan, có tài kiêm văn võ và lập được nhiều chiến công hiển hách. Ông cùng với Lý Thường Kiệt và Lê Văn Duyệt là bộ ba thái giám nổi danh nhất Việt Nam.
[links()]
Hoàng Ngũ Phúc (1713 - 1776) quê ở xã Phụng Công, huyện Yên Dũng (nay là thôn Tân Phượng, xã Tân Mỹ, huyện Yên Dũng, Bắc Giang); làm quan nội thị thời Lê Trịnh.
|
Đền thờ Quốc lão Hoàng Ngũ Phúc. |
Được thăng quan tiến chức rất nhanh
Là một trong những thân tín của Chúa Trịnh Doanh, Hoàng Ngũ Phúc được thăng quan tiến chức rất nhanh. Sách Các quan thái giám trong lịch sử Việt Nam ghi: Đầu năm 1740, Hoàng Ngũ Phúc được trao chức Tả thiếu giám, sau đó không bao lâu lại được sung chức Nội sai của Hình phiên.
Năm 1743, Hoàng Ngũ Phúc dâng 12 điều binh pháp, được nhà chúa tán thưởng, vì thế Trịnh Doanh vừa hạ lệnh thi hành, vừa phong cho Hoàng Ngũ Phúc chức Thống lĩnh đạo kì binh 3, cùng Phạm Đình Trọng đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu và Nguyễn Danh Phương.
Tiếp đến, năm 1754, Hoàng Ngũ Phúc đem quân đánh Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, chiếm Thuận Hóa và Quảng Nam, dùng mưu lược chấp nhận kế giảng hòa của Nguyễn Nhạc, giữ vùng đất phía Nam được yên.
Không chỉ là người có công ổn định tình hình Bắc Hà, Hoàng Ngũ Phúc còn có công mở mang đất đai Bắc Hà xuống phía nam, lần đầu tiên đánh bật Chúa Nguyễn khỏi Thuận - Quảng, khôi phục lại cương thổ như thời Lê Sơ, chấm dứt giai đoạn phân tranh Nam - Bắc kéo dài hơn 200 năm.
Nhờ công lao đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa, Hoàng Ngũ Phúc được phong Việp quận công, thường gọi là quận Việp. Từ đó, uy thế của Hoàng Ngũ Phúc trong triều rất lớn. Ông nổi tiếng là người mưu kế, có nhiều quân công, biết ứng xử tiến lui đúng lúc cả trong chính trường và ngoài chiến trường.
Về hưu... vẫn được lệnh cầm quân xung trận
Theo sử sách, năm 1774, biến cố ở Nam Hà buộc Chúa Trịnh gọi quận Việp Hoàng Ngũ Phúc - lúc này đã 62 tuổi, về nghỉ hưu, quay trở lại cầm quân. Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm phong Hoàng Ngũ Phúc làm Bình nam vương thượng tướng quân, Bùi Thế Đạt làm phó tướng mang theo 4 vạn quân nam tiến, lấy danh nghĩa giúp Nguyễn đánh Tây Sơn.
Bách khoa toàn thư mở viết: Chúa Nguyễn biết lý do Trịnh vào giúp đánh Tây Sơn chỉ là chiêu bài, nên sai Kiêm Long đến nói với quận Việp Hoàng Ngũ Phúc rằng, Đàng Trong tự dẹp được Tây Sơn không cần quân Trịnh. Quận Việp hỏi nhỏ việc Đàng Trong, Kiêm Long nói khéo: "Đường không đi không đến, chuông không gõ không kêu".
Quận Việp hiểu thâm ý của Long bèn quyết định tiến quân. Ông sai Hoàng Đình Thể tiến đánh luỹ Trấn Ninh. Các tướng Nguyễn làm nội ứng mở cửa đầu hàng. Quân Trịnh chiếm được Quảng Bình.
Tháng 11 năm 1774, Trịnh Sâm tự cầm thuỷ quân vào Nghệ An làm thanh viện cho Hoàng Ngũ Phúc. Ông điều quân đánh Lưu Đồn, thống suất bên Nguyễn là Tống Hữu Trường bỏ chạy. Quận Việp tiến đến Hồ Xá bèn dùng chiêu bài khác, lấy cớ trừng phạt Trương Phúc Loan chuyên quyền để nam tiến tiếp.
Quân Nguyễn yếu thế không chống nổi, Định vương Nguyễn Phúc Thuần phải trói Trương Phúc Loan nộp quân Trịnh. Bắt được Phúc Loan, Hoàng Ngũ Phúc lại dùng lý do giúp Nguyễn đánh Tây Sơn để tiến vào Phú Xuân hội binh.
Chúa Nguyễn sai các tướng trá hàng để quấy rối Quảng Bình, Bố Chính sau lưng quân Trịnh, nhưng các cánh quân đó bị quân Trịnh nhanh chóng phá tan. Chúa Nguyễn điều Tôn Thất Chí, Nguyễn Văn Chính ra đánh đều bị quận Việp đánh bại. Ông sai Hoàng Đình Thể, Hoàng Nghĩa Phác theo đường núi qua thác Trầm Ma đánh tan quân Nguyễn, giết chết Chính.
Đầu năm 1775, quân Trịnh tiến vào Phú Xuân. Chúa Nguyễn không chống nổi phải bỏ chạy vào Quảng Nam. Quân Trịnh chiếm toàn bộ Thuận Hoá. Thủ lĩnh Tây Sơn là Nguyễn Nhạc nhân chúa Nguyễn bỏ chạy vào Quảng Nam bèn mang quân hai đường thuỷ bộ ra đánh. Nguyễn Phúc Thuần vội bỏ Quảng Nam theo đường biển trốn vào Gia Định, để lại Nguyễn Phúc Dương với ý định sai Dương chiêu mộ quân Quảng Nam để đánh Tây Sơn từ phía bắc, còn Thuần đánh từ phía nam.
Dù đã lập công với chúa Trịnh là đánh bại quân Tây Sơn, nhưng Hoàng Ngũ Phúc cũng khá thức thời. Vào tháng 7 năm 1775, cùng lúc bệnh dịch hoành hành, lại nghe tin Nguyễn Huệ thắng quân Nguyễn chiếm lại Phú Yên, quận Việp án binh lại. Ông biết Tây Sơn đã đủ thực lực đứng vững, quân Trịnh không thể diệt được, nhất là khi quân của ông đi xa nhà đã mệt mỏi và phát dịch bệnh.
Theo đề nghị của Nguyễn Nhạc, ông đã phong chức cho Nguyễn Huệ làm “Tây Sơn hiệu tiền tướng quân”. Biết mình không thể đương nổi việc quân nữa, tháng 9 năm đó ông bí mật bàn với các tướng rút quân về. Hai tướng văn là Nguyễn Nghiễm và Nguyễn Lệnh Tân bàn nên rút về Quảng Nam và đặt quan trông giữ phần lãnh thổ chiếm được.
Còn Hoàng Ngũ Phúc chủ trương rút hẳn về Thuận Hóa, vùng đất Quảng Nam. Ông sai người cầm thư đi gấp về Thăng Long xin ý kiến Trịnh Sâm. Trịnh Sâm xưa nay rất tin tưởng ông nên chấp nhận. Quân Trịnh rút khỏi Quảng Ngãi, lui hẳn về Phú Xuân...
Vì bỗng dưng phát bệnh, Hoàng Ngũ Phúc giao lại thành Phú Xuân cho phó tướng Bùi Thế Đạt, còn mình dẫn đại quân về bắc, nhưng giữa đường ngả bệnh mà chết. Về điều này, các sử gia đương thời cho rằng, tiếc cho nhà Trịnh là Hoàng Ngũ Phúc chết khi đang thắng thế, nếu không... rất có thể ông ta đã làm lịch sử Việt Nam thay đổi không ít.
Tuy có uy thế lớn trong triều, quận Việp Hoàng Ngũ Phúc lại bị quần thần dị nghị rằng, một ngày nào đó ông sẽ tiếm quyền Chúa Trịnh. Bấy giờ lan truyền lời sấm: Thảo nhất điền bát, nghĩa là bốn chữ đó ghép lại thành chữ Hoàng.
Lại có câu sấm khác: Thổ sất vân gian nguyệt, Hoàng hoa ánh nhật hương, trong đó chữ nhật và chữ hoa thành chữ Việp, Hoàng là họ Hoàng. Thêm nữa cháu nuôi của Hoàng Ngũ Phúc là Hoàng Đình Bảo, vốn tên là Đăng Bảo - có nghĩa là lên ngôi báu, nên nhiều lời đồn thổi lan truyền sau này chú cháu quận Việp sẽ cướp ngôi chúa.
Để tránh hậu họa, Hoàng Ngũ Phúc đã đổi tên cho Đăng Bảo thành Hoáng Tố Lý để an lòng Chúa Trịnh và sau ông xin từ chức về hưu, được phong làm Quốc lão.
Theo Vĩnh Khang
Báo Đất Việt