Vì sao Trung Quốc né tránh ở Shangri-La?

Google News

(Kiến Thức) - Đối với phần lớn các bên tham dự Đối thoại Shangri-La 12, bất ổn trong khu vực xuất phát từ tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

 Tướng Thích Kiến Quốc né tránh những vấn đề an ninh trọng yếu của khu vực.

Lo ngại về Trung Quốc có lẽ là chủ đề chính trong bài phát biểu mở đầu của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Trong bài phát biểu dẫn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng các nước lớn đều có một “vai trò to lớn và có thể đóng góp nhiều hơn”, nhưng cũng phải “gánh vác trách nhiệm lớn hơn” trong việc gây dựng và củng cố sự tin cậy về chiến lược.  Ông kêu gọi tranh chấp lãnh thổ cần được giải quyết “trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích hợp pháp” của tất cả các bên.

Không giống như nhiều nước khác, Trung Quốc thường cử một quan chức quốc phòng tương đối thấp làm trưởng đoàn tham dự Đối thoại Shangri-la. Dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc năm nay là Trung tướng Thích Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Tướng Thích Kiến Quốc đã đăng đàn với bài phát biểu mang tên “Những xu hướng mới trong an ninh Châu Á-Thái Bình Dương” vào ngày cuối cùng.

Trước đó, người ta đã dự đoán rằng tướng Thích Kiến Quốc sẽ nói về vai trò của Trung Quốc đối với phát triển trong khu vực; về tranh chấp lãnh thổ trên biển; về quan hệ Trung Quốc-ASEAN; phản ứng của Trung Quốc trước chiến lược tái cân bằng của Mỹ và về một loạt các vấn đề bức xúc khác. Các đại biểu tham dự Đối thoại Schangri-La đã chuẩn bị sẵn nhiều câu hỏi, với hy vọng sẽ nhận được những câu trả lời thỏa đáng, giải tỏa những mối quan ngại của họ.

Họ đã vô cùng thất vọng, khi bài phát biểu của tướng Thích Kiến Quốc né tránh những vấn đề an ninh trọng yếu của khu vực. Thông điệp duy nhất mà ông này truyền đạt là Trung Quốc cam kết phát triển hòa bình và tìm cách hợp tác cùng có lợi.

Tướng Thích Kiến Quốc nói đùa rằng ông ta phải trả lời nhiều câu hỏi hơn cả Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel. Chỉ có điều, những câu trả lời của ông chủ yếu là chung chung, không đi vào thực chất. Nhưng câu hỏi phần lớn chưa được trả lời có liên quan đến việc Trung Quốc sử dụng tàu bán quân sự để thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông; việc Bắc Kinh từ  chối tham dự tòa án trọng tài quốc tế theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), mặc dù Trung Quốc đã ký kết UNCLOS; về tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông; về sự xâm nhập gần đây của quân đội Trung Quốc vào lãnh thổ Ấn Độ và câu hỏi liệu Trung Quốc có nghiêm túc cân nhắc việc tham gia các cuộc đàm phán về Đối tác xuyên Thái Bình Dương do Mỹ cầm đầu.

 Trong số các câu hỏi được đặt ra có câu hỏi về tàu công vụ Trung Quốc tuần tra ở vùng biển Senkaku/Điếu Ngư.

Tướng Thích Kiến Quốc đã bỏ lỡ một cơ hội giải thích chính sách và trấn an khu vực về ý định của Trung Quốc. Lẽ ra, tướng Thích Kiến Quốc đã có thể giải thích mối quan tâm của Trung Quốc đối với chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, tái khẳng định cam kết của Trung Quốc về “gác tranh chấp lãnh thổ, cùng khai thác các nguồn tài nguyên”. Ông ta cũng có thể nhắc lại cam kết của Bắc Kinh về đàm phán quy tắc ứng xử với ASEAN…Thế nhưng, tướng Thích Kiến Quốc đã né tránh tất cả các chủ đề này.

Bắc Kinh tránh tham gia tích cực vào các tổ chức khu vực vì sợ rằng những diễn đàn này sẽ được sử dụng để kiềm chế và chỉ trích Trung Quốc.

Chẳng có lý do nào giải thích nổi việc Trung tướng Thích Kiến Quốc né tránh những vấn đề quan trọng nêu trên, vào thời điểm mà căng thẳng cũng như quan ngại về hành vi của Trung Quốc ngày càng gia tăng. Người ta chỉ có thể hy vọng rằng Trung Quốc sẽ nắm bắt cơ hội trong tương lai để tham gia nghiêm túc hơn các diễn đàn khu vực.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Lê Chân (theo Asia Times Online)

Bình luận(0)