Hãng tin CNA dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Đài Loan cho hay, bộ này "không loại bỏ khả năng Trung Quốc sẽ lập ra ADIZ ở Biển Đông”.
Trước đó, ngày 29/11, Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cho biết, Bắc Kinh sắp thiết lập một Khu vực Nhận dạng Phòng không thứ 2 (ADIZ) trên Biển Đông. ADIZ thứ 2 trên Biển Đông cũng tương tự như trên Biển Hoa Đông - là những vùng đệm nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.
Phát ngôn viên Trung Quốc cũng nhấn mạnh, ADIZ thứ 2 có thể bao gồm cả các khu vực đang tranh chấp trên Biển Đông. Động thái này của Trung Quốc sẽ đẩy tranh chấp Biển Đông leo thang cũng như dấy lên sự giận dữ của nhiều chính phủ, đe dọa đến hòa bình và ổn định trong khu vực.
Hôm 23/11, Bắc Kinh tuyên bố thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông nhằm khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Senkaku, mà Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư. Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng Đài Loan, Trung Quốc còn có ý định khác, đó là thách thức cơ chế an ninh vùng của Mỹ.
|
Các vùng ADIZ trên biển Hoa Đông.
|
Quan ngại về an ninh, hai quan chức nước này là Ngoại trưởng David Lin và Tổng Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia (NSB) là ông Tsai De-sheng sẽ phải trình bày các đánh giá của mình về tình hình ở đây.
Các bên cùng nhìn nhận rằng, việc thiết lập ADIZ của Trung Quốc làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột không định trước, ngay cả khi Bắc Kinh không có chủ ý.
Đánh giá về khả năng có một ADIZ thứ hai ở Biển Đông, chuyên gia về an ninh khu vực tại Singapore là ông Richard Bitzinger chia sẻ rằng, điều này rất có thể xảy ra. "Tôi cho rằng Trung Quốc đang muốn thử phản ứng của các bên", ông bày tỏ quan điểm.
Không lường trước được phản ứng?
Tuần báo có uy tín The Economist cũng vừa có bài bình luận về ADIZ của Trung Quốc. Theo đó, tuyên bố của Bắc Kinh ngày 23/11 có vẻ "quan liêu", nhưng ẩn dấu hiểm nguy vì nó dẫn đến "một sự leo thang chiến lược thuộc đáng lo ngại nhất” giữa hai nước (Trung Quốc và Mỹ) kể từ năm 1996. Khi đó, Chủ tịch Trung Quốc - ông Giang Trạch Dân ra lệnh lập một số vùng cấm để thử tên lửa ở eo biển Đài Loan. Mỹ sau đó đã điều hai mẫu hạm tới khu vực này.
Tờ tuần báo này của Anh nhận xét: "Trung Quốc đã không lường được hậu quả khi tuyên bố ADIZ ở Biển Hoa Đông".
Ngoài ra, tờ báo này cho rằng, kế hoạch lập ADIZ của Trung Quốc còn có mục tiêu khác đó là làm vừa lòng phe dân tộc chủ nghĩa rất quyền lực ở Trung Quốc, đặc biệt là trong quân đội.
"Nó cũng giúp ông Tập Cận Bình bác bỏ các suy xét là ông theo xu hướng thân phương Tây. Nếu quả thực đây là tính toán của Chủ tịchTập Cận Bình thì ông Tập đang vướng vào một trò chơi mạo hiểm”, tờ báo cho hay.
Tập Cận Bình muốn "thách thức" Mỹ?
Theo Yazhou Zhoukan, ADIZ trên Biển Hoa Đông sẽ cho phép Hải quân Trung Quốc thâm nhập vào eo biển Miyako - tuyến đường thủy nằm giữa 2 hòn đảo Miyako và Okinawa của Nhật Bản, thách thức sự thống trị của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
Ngoài ra, cũng theo nguồn tin của Yazhou Zhoukan (từ một học giả vừa tham dự hội nghị chuyên đề về quan hệ của Bắc Kinh với các láng giềng hôm 24-25/10), tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên Biển Hoa Đông không còn chỉ liên quan đến tài nguyên thiên nhiên, mà còn vị trí chiến lược.
Bắc Kinh đã nhận định, đây là thời điểm Trung Quốc nhất thiết phải lập ADIZ riêng trên Biển Hoa Đông khi Nhật Bản đang triển khai các tên lửa chống hạm Type 88 đến đảo Miyako để ngăn chặn các động thái của Hải quân Trung Quốc trong khu vực. Đây là cách để Hải quân Trung Quốc khẳng định và củng cố vị thế của mình ở Biển Hoa Đông.
Yazhou Zhoukan bình luận, bằng cách thiết lập ADIZ mới, chiến đấu cơ của Không quân Trung Quốc sẽ có khả năng hỗ trợ đắc lực việc kiểm soát bao quát không phận cho các chiến hạm thâm nhập vào Eo biển Miyako ở Tây Thái Bình Dương.
Không quân Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động tuần tra vùng trời bằng cách triển khai chiến đấu cơ tới ADIZ vào ngày 28 và 29/11 để giám sát các máy bay quân sự Mỹ, Nhật, Hàn Quốc.