Theo AP, những người còn nghi ngờ về việc Tổng thống mới đắc cử Donald Trump có thể duy trì những cam kết rất cứng rắn về vấn đề nhập cư, chống khủng bố và phân biệt chủng tộc trong quá trình tranh cử sẽ sớm nhận ra ông Trump là người “nói là làm” khi nhìn vào cách ông lựa chọn đội ngũ quan chức an ninh quốc gia và Bộ trưởng Tư pháp.
|
Tổng thống đắc cử Donald Trump tính chuyện đề cử ông Mitt Romney, Thống đốc bang Massachusetts và từng là ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa năm 2012, vào chức Ngoại trưởng Mỹ. Ảnh Reuters |
Tạo dấu ấn cá nhân, “hòa giải” với Đảng Cộng hòa
Ba cái tên rất đáng chú ý được ông Trump lựa chọn là Thượng nghị sĩ Jeff Sessions cho vị trí Bộ trưởng Tư pháp, Tướng nghỉ hưu Michael Flynn cho vị trí Cố vấn An ninh Quốc gia và Hạ nghị sĩ Mike Pompeo cho vị trí Giám đốc CIA truyền tải một thông điệp mạnh mẽ rằng, người Mỹ sẽ nhận được “chính xác” những gì họ mong chờ khi bầu cho ông Trump và có thể còn cứng rắn hơn thế.
Trước đó, hai vị trí Chánh Văn phòng Nhà Trắng dành cho Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa Reince Priebus và Cố vấn Cao cấp của Tổng thống dành cho Tổng Biên tập tờ Breitbart News Steve Bannon đã gây ra những phản ứng trái chiều đối với những người dân Mỹ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với việc chỉ định bộ ba Jeff Sessions, Michael Flynn, Mike Pompeo rõ ràng ông Trump đang thể hiện rõ khuynh hướng thắt chặt hơn nữa vấn đề an ninh quốc gia.
“Nếu coi việc chỉ định nhân sự cũng là một cách để thể hiện chính sách của mình, không khó để nhận thấy “mũi tên” của ông Trump đang “chĩa vào ai”, ông Calvin Mackenzie, một học giả tại Đại học Colby ở Maine, nhận định.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu lịch sử tại Đại học Princeton Julian Zelizer cho rằng, việc lựa chọn 3 nhân vật trên- những người thể hiện khuynh hướng bảo thủ và đều từng nắm giữ những trọng trách trong Chính phủ Mỹ trước đó- cho thấy ông Trump “không hề chọn người “từ trên trời rơi xuống” và chẳng hiểu gì về chính giới Mỹ cả”.
“Đó là một thông điệp không chỉ nhằm thể hiện rằng ông ấy sẽ giữ đúng cam kết trong quá trình tranh cử của mình mà còn cho thấy ông ấy rất tôn trọng tinh thần của Đảng Cộng hòa. Ông ấy muốn các thành viên Đảng Cộng hòa ủng hộ ông ấy vì những gì đã đưa ra”, nhà sử học Zeliner nói.
Dù vậy theo các chuyên gia, ông Trump vẫn còn rất nhiều việc phải làm bởi ông còn phải lựa chọn nhiều vị trí quan trọng và “cực kỳ nhạy cảm” khác như Ngoại trưởng Mỹ- người được coi là “nhân vật số 2 của đất nước, chỉ sau Tổng thống”.
Bộ 3 Jeff Sessions, Michael Flynn, Mike Pompeo
Thượng Nghị sĩ bang Alabama Jeff Sessions từng là Công tố viên Liên bang nổi tiếng là người có quan điểm cứng rắn đối với vấn đề nhập cư. Chính ông Sessions từng lên tiếng hoài nghi về việc hệ thống Tòa án của Mỹ có thể vô tình “bảo vệ” cho những kẻ khủng bố.
Ngoài ra, ông Sessions là người phản đối việc đóng cửa nhà tù trên Vịnh Guantanamo. Cũng như ông Trump, ông Sessions đã nhiều lần lên tiếng về việc có gian lận trong bầu cử Mỹ- dù chính quyền của Tổng thống Obama đã bác bỏ điều này.
Cũng như ông Sessions, Thượng Nghị sĩ bang Kansas Pompeo là người rất bộc trực. Ông chính là người công khai phản đối thỏa thuận hạt nhân với Iran cũng như khẳng định rằng, Edward Snowden- người làm rò rỉ những thông tin bí mật về Cơ quan An ninh Mỹ (NSA) là “kẻ phản bội đáng nhận án tử hình”.
|
Tướng 3 sao Michael Flynn, người được ông Trump đề cử giữ cương vị Cố vấn An ninh Quốc gia, từng là Giám đốc Cơ quan Tình báo Quân sự Mỹ cho đến khi từ chức vào tháng 4/2014. Ảnh Reuters |
Trong khi đó, ông Flynn từng là Giám đốc Cơ quan Tình báo Quân sự Mỹ cho đến khi từ chức vào tháng 4/2014. Theo ông Flynn, ông bị ép phải từ chức bởi có bất đồng với Tổng thống Obama về cách tiếp cận trong cuộc chiến chống khủng bố.
Ông Flynn là người thường xuyên lên tiếng yêu cầu Mỹ cần tích cực hơn trong việc tiêu diệt tổ chức khủng bố IS và cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Nga.
Thỏa mãn sự chờ đợi của cử tri Đảng Cộng hòa
Rõ ràng, việc chỉ định bộ 3 nói trên vào các chức vụ quan trọng trong bộ máy an ninh của ông Trump cho thấy, ông cũng đang muốn làm hài lòng những cử tri đã bỏ phiếu cho mình- những người rất quan tâm đến việc chống khủng bố và nhiều vấn đề mà họ coi là nhức nhối khác.
Ba phần tư số người bỏ phiếu cho ông Trump đã bày tỏ thất vọng vì Mỹ đã “hành xử rất yếu kém” trong cuộc chiến chống IS. Chỉ có 2/10 số người trong số này tin rằng, người da màu bị đối xử bất công trước pháp luật Mỹ và có tới 3/4 trong số này ủng hộ việc xây tường rào chạy dọc biên giới Mỹ-Mexico để kiểm soát tình trạng nhập cư bất hợp pháp.
Dù vậy, ông Trump cũng được cho là đã “dịu giọng” đi nhiều so với những gì ông đã tuyên bố trước đó. Đáng chú ý nhất là việc ông không còn muốn xây bức tường “cứng” chạy dọc biên giới Mỹ-Mexico nữa mà cho rằng, tại một số nơi chỉ cần dùng “hàng rào thép gai” là quá đủ rồi.
Ngoài ra, ông Trump cũng không còn kiên quyết “cấm cửa” người Hồi giáo vào Mỹ như những tuyên bố trước đó mà thay vào đó đưa ra cam kết “sẽ sử dụng những biện pháp sàng lọc gắt gao nhất” đối với những người nhập cư đến từ các nước hoặc các khu vực nơi nạn khủng bố lan tràn./.