Theo báo The New York Times, chính quyền Trump đang chuẩn bị phá bỏ các giới hạn then chốt của Tổng thống Obama đối với các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và các cuộc đột kích của Lực lượng đặc nhiệm Mỹ bên ngoài “khu vực có chiến sự” trên toàn thế giới.
|
Chính sách “Tiên quân” của Tổng thống Mỹ Donald và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có nguy cơ dẫn đến chiến tranh hạt nhân. Ảnh ghép: Daily Star |
Những thay đổi này sẽ làm nền tảng cho các chiến dịch chống khủng bố có thể xảy ra ở các quốc gia mà các tay súng Hồi giáo đang hoạt động.
Các cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất việc nới lỏng hai nguyên tắc. Thứ nhất, các mục tiêu trong chiến dịch "tìm và diệt" của Quân đội Mỹ và CIA sẽ được mở rộng từ các thủ lĩnh cấp cao “đe dọa trực tiếp” nước Mỹ sang các tay súng thông thường. Và thứ hai, các cuộc đột kích của lực lượng đặc nhiệm và phóng tên lửa của máy bay không người lái được sẽ không còn phải trải qua các cuộc xét duyệt ở cấp cao nhất nữa. Thủ tục kiểm tra phê duyệt đề xuất tấn công cũng sẽ được cắt giảm đáng kể và được loại bỏ một số hạn chế. Một ủy ban cấp chính phủ đã thông qua các quy tắc đề xuất nói trên và chúng đã được gửi đến Nhà Trắng để Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành.
Sự thay đổi chính sách này có thể dẫn đến sự leo thang mạnh mẽ trong việc sử dụng các máy bay không người lái và binh sĩ đặc nhiệm Mỹ. Đầu năm nay, Tổng thống Donald Trump đã đồng ý với yêu cầu của Lầu Năm Góc tuyên bố nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở Yemen và Somalia là "vùng có những hành động thù địch” trực tiếp đe dọa nước Mỹ.
Tháng 8/2017, Tổng thống Trump đã đưa ra chiến lược Afghanistan mới, trong đó ca ngợi tự do hóa việc sử dụng máy bay không người lái Mỹ. Ông Trump cam kết loại bỏ một số hạn chế đối với các hoạt động quân sự và "mở rộng quyền lực cho các cấp chỉ huy quân đội Mỹ". Tổng thống Donald Trum tuyên bố: "Những kẻ giết người cần biết rằng chúng không có nơi nào để ẩn náu, không có nơi nào tránh khỏi tầm với của sức mạnh Mỹ và vũ khí Mỹ”.
Chính sách “Tiên quân” (ưu tiên quân đội) của Tổng thống Donald Trump có thể sẽ làm sâu sắc hơn sự can thiệp quân sự của Mỹ vào các quốc gia được coi là nằm ngoài “các khu vực chiến sự” như Philippines và Nigeria. Nó cho phép Lầu Năm Góc và CIA nhắm mục tiêu vào các cá nhân bên ngoài “khu vực chiến sự” hoặc "các khu vực có những hoạt động thù địch" mà không cần bất kỳ thủ tục hợp pháp hóa nào.
Tiến hành các cuộc tấn công vào một quốc gia có chủ quyền trái với ý muốn của quốc gia đó có thể bị coi là hành động gây chiến.
Trong năm 2016, Lực lượng Đặc biệt Mỹ (SOF) đã tiến hành các hoạt động ở 138 nước - chiếm khoảng 70% các quốc gia trên thế giới. Tính hợp pháp của các hoạt động này đã bị đặt câu hỏi.
Hồi tháng 7/2017, Tư lệnh Bộ chỉ huy Các chiến dịch đặc biệt, tướng Raymond Thomas nói rằng việc Mỹ triển khai Lực lượng Đặc nhiệm ở Syria là vi phạm luật pháp quốc tế. Tướng Thomas thừa nhận rằng các lực lượng Mỹ đang chiến đấu ở Syria - một quốc gia có chủ quyền - sẽ "không thể ở lại " nếu sự hiện diện đó trái với luật pháp quốc tế.
Những cái chết của thường dân trong các chiến dịch đặc biệt hoặc trong các vụ phóng tên lửa của máy bay không người lái đã kích động tình cảm chống Mỹ, cản trở hợp tác an ninh của Washington với các chính phủ nước ngoài. Kết quả của chúng có thể khiến dân chúng địa phương quay sang ủng hộ các nhóm khủng bố.
Cho phép các chỉ huy cấp dưới ra lệnh tiến hành các cuộc không kích ở các khu vực đông dân cư có thể dẫn đến nhiều cái chết của dân thường hơn nữa.
Chính sách này trái ngược với cam kết tranh cử của tỷ phú Donald Trump, khi ứng viên tổng thống này nói rằng nước Mỹ không còn đủ khả năng để làm “sen đầm thế giới” nữa. Ứng viên tổng thống Trump đã hứa với cử tri rằng ông sẽ theo đuổi chính sách không can thiệp quân sự, nếu đắc cử.
Trên thực tế, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng cường can thiệp quân sự ở Syria, Iraq, Yemen và Somalia. Nước Mỹ dưới thời ông Trump sẵn sàng can thiệp nhiều hơn ở Libya. Ông Trump đã quyết định mở rộng hoạt động của quân đội Mỹ ở Afghanistan. Không những thế, gần đây Tổng thống Donald Trump còn đe dọa hành động quân sự chống Venezuela và CHDCND Triều Tiên.
Lịch sử thế giới đã chỉ ra rằng làm “sen đầm thế giới” sẽ phải trả giá rất đắt. Nhưng chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump xem ra đã quên “bài học hao người, tốn của" ở Iraq và Afghanistan. Vào cuối năm 2017, tổng số nợ của chính phủ Mỹ - bao gồm cả nợ liên bang, nợ tiểu bang và địa phương - dự kiến sẽ lên đến 23,4 nghìn tỷ USD. Bất chấp khoản nợ khổng lồ này, chi tiêu quân sự Mỹ vẫn tiếp tục tăng vọt, một phần vì chính sách “Tiên quân” phiêu lưu quân sự của Tổng thống Donald Trump.