Những nhận xét khó đỡ về ông Tập Cận Bình

Google News

(Kiến Thức) - ASEAN tin rằng ông Tập Cận Bình đặt lợi ích của Trung Quốc, gồm cả vấn đề chủ quyền, lên cao hơn mọi tính toán.

Theo báo cáo của CSIS, các lãnh đạo ASEAN nói chung có những nhận định sau về chính sách ngoại giao dưới thời Tập Cận Bình:
Ông Tập là chủ soái: ASEAN cho rằng Tập Cận Bình đã thâu tóm quyền lực nhanh và hiệu quả hơn mọi lãnh đạo khác từ thời Đặng Tiểu Bình.
Dân tộc chủ nghĩa: ASEAN tin rằng ông Tập đặt lợi ích của Trung Quốc, gồm cả vấn đề chủ quyền, lên cao hơn mọi tính toán. Mặc dù Bắc Kinh nhấn mạnh quan hệ “đại gia đình” với ASEAN, Trung Quốc cũng quyết tâm giành ưu thế trong tranh chấp Biển Đông.
Ông Tập là cơ hội: Một lập luận trong khối ASEAN là chính sách ngoại giao của Tập Cận Bình sẽ nhấn mạnh hợp tác, chứ không thách thức hay kiểm soát, láng giềng. Nhưng quan điểm này dường như bị bác bỏ qua các hành động như vụ giàn khoan Hải Dương 981 gây rạn nứt quan hệ với Việt Nam.
Ông Tập là đe dọa: Một lập luận ngược lại cho rằng Trung Quốc sẽ có chính sách ngoại giao hung hăng hơn, đặc biệt nếu Bắc Kinh cho rằng Washington yếu thế và bớt quan tâm.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông Tập "thích" khủng khoảng: Một nhận định khác là ông Tập có vẻ muốn duy trì ấn tượng khủng hoảng để biện minh cho quyền lực to lớn của cá nhân, cũng như sự táo bạo và quy mô cải tổ mà ông xúc tiến ở trong nước.
Ông phải “tô vẽ một số lựa chọn khó khăn của đảng theo ngôn ngữ sống chết”. Một ví dụ là sự nhấn mạnh vấn đề biển đảo. Mô tả của ông Tập đối với các thách thức trên biển tỏ ra cứng rắn hơn và mang tính chất chiến lược. Họp với Bộ Chính trị tháng 7/2013, ông Tập Cận Bình nói: “đại dương và biển ngày càng có vị trí chiến lược quan trọng trong cuộc cạnh tranh toàn cầu ở các lĩnh vực chính trị, phát triển kinh tế, quân sự, và công nghệ”.
Ông Tập cũng ngụ ý rằng mặc dù Trung Quốc đang có cơ hội phát triển, nước này cũng đối diện đe dọa gia tăng. Ông nhấn mạnh xây dựng tư tưởng quân đội "phải biết đánh trận, đánh thắng trận; mở rộng chí tiến thủ, cải cách sáng tạo”.
Báo cáo của CSIS khuyến cáo, các nước ASEAN cần xem xét hệ quả khi đối phó với một nhà lãnh đạo mà dường như nghĩ rằng rất cần duy trì “mức độ căng thẳng nhất định”, cả trong và ngoài nước, để đạt được các mục tiêu chính sách của ông.
Minh Phương (theo BBC News)

Bình luận(0)