Năm lý do khiến nước Mỹ sa vào vòng luẩn quẩn

Google News

(Kiến Thức) - Có 5 lý do khiến nước Mỹ sa vào vòng luẩn quẩn và cuộc chiến ngân sách kinh niên rốt cuộc sẽ dẫn đến một thảm họa quốc gia.

Mây đen che phủ đồi Capitol, Washington DC.
Do đó, người Mỹ nên cố gắng rút ra bài học từ cuộc chiến điên rồ này và cần phải khắc phục 5 tồn tại quan trọng dưới đây.
1. Hệ thống chính trị bị phá vỡ
Việc các khu vực bầu cử vốn thuộc về “sở hữu truyền thống” của phe này hay phe kia đã khiến cho các cuộc bầu cử trở nên vô nghĩa. Bầu cử không chọn được các vị dân biểu có đức có tài đầy nhiệt huyết mà lại “khen thưởng” những kẻ cực đoan và những nhân vật mị dân này hầu như chắc chắn tái đắc cử.
Thêm vào đó là quy định tài chính khiến cho các chiến dịch vận động bầu cử trở nên không cân xứng. Không những thế, Thượng viện lại cho phép các thượng nghị sĩ có quá nhiều quyền hành.
Nước Mỹ cần cải cách hệ thống bầu cử và lưỡng viện Quốc hội, nếu không tình trạng bế tắc chính trị dẫn đến các cuộc khủng hoảng như khủng hoảng ngân sách vừa qua là không thể nào tránh khỏi.
2 . “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”
Khuyến khích và khen thưởng các chính trị gia cực đoan và miễn cưỡng chấp nhận thỏa hiệp là…trái ngược với cốt lõi của nền dân chủ. Các cuộc tranh luận ngày càng dẫn đến chia rẽ sâu sắc hơn và chỉ nêu ra những vấn đề mà không hề đả động đến các giải pháp thực tế.
Những vấn đề gây chia rẽ sau đó lại đóng một vai trò quan trọng trong các chiến dịch vận động bầu cử hơn những ý tưởng mới. Đối thủ trở thành kẻ thù chứ không phải là hàng xóm láng giềng “tắt lửa, tối đèn có nhau”.
Người Mỹ cần phải sử dụng ngôn từ mềm mỏng hơn, cần chỉnh sửa các thuật ngữ, tái đầu tư cho việc tách bạch giữa nhà thờ và nhà nước và điểm mặt chỉ tên những ý tưởng chia rẽ nguy hiểm, phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, phủ nhận khoa học và lịch sử.
3 . Đánh mất nghệ thuật quản lý
Kỹ năng bị đánh giá thấp nhất tại Washington là kỹ năng biến lời nói thành hành động thực tế. Người ta nhầm tưởng rằng nhấn mạnh đến một vấn đề đồng nghĩa với việc giải quyết vấn đề. Cử tri Mỹ thường khen thưởng các chính khách có tài hùng biện, chứ không mấy khi thưởng cho những người có công lao thực sự.
Các chính trị gia thường được bầu bởi vì họ thúc đẩy một ý tưởng và khi đắc cử, họ chắc chắn sẽ tập trung vào những gì mà họ cần phải làm gì để được tái đắc cử. Nhưng công việc chính của họ là để phục vụ công chúng, để quản lý và lãnh đạo…ngay cả khi điều đó có làm cho cái ghế mà họ đang ngồi trở nên bấp bênh hơn.
Cử tri Mỹ cần phải bỏ phiếu cho những người có kỹ năng hòa giải chia rẽ đảng phái và tập trung phục vụ các nhu cầu chính đáng của dân chúng.
4 . Nước Mỹ đang bỏ qua những vấn đề thực sự to lớn
Nước Mỹ đang bị sa vào một chu kỳ khủng hoảng. Khi vấn đề đóng cửa chính phủ và nâng trần nợ cuối cùng cũng được tạm thời giải quyết, nước Mỹ sẽ có một vài tháng để chờ đợi cho đến khi căn bệnh kinh niên này tái phát. Nếu một thỏa thuận chỉ là tiền đề cho một cuộc khủng hoảng khác xảy ra, khủng hoảng ở nước Mỹ sẽ bị cộng dồn.
Tuy nhiên, vấn đề của nước Mỹ còn lớn hơn nhiều. Đó là kinh tế phục hồi quá chậm chạp, không có khả năng tạo ra công ăn việc làm… và có lẽ trên hết là thất bại trong việc giải quyết tình trạng bất bình đẳng ngày càng tăng đang phân hóa xã hội.
Sẽ là không công bằng khi 90% lợi nhuận của phục hồi kinh tế hiện nay chui vào túi 10% dân số Mỹ. Đó là một công thức dẫn đến phân hóa xã hội và suy đồi đạo đức. Đó cũng là một sự bất công. Người Mỹ cần phải đòi hỏi các nhà lãnh đạo của họ tập trung giải quyết những vấn đề lớn, chứ không sa đà vào các cuộc tranh cãi vụn vặt.
5. Cử tri Mỹ nên tự trách mình
Cử tri không thể chỉ đổ lỗi cho các chính trị gia, những người mà đã chót bầu lên. Họ đã không tài trợ cho chiến dịch vận động tranh cử của những người cam kết với các giải pháp lớn.
Cử tri Mỹ đã trở thành những người thiếu thông tin, bị cuốn hút bởi các tên tuổi, đảng phái và tạo ra tình trạng “tê liệt chính trị” hiện nay ở Washington.
Nếu những chú hề ở Washington không làm đúng phận sự và người dân lại không thể bỏ phiếu sa thải họ, các cử tri Mỹ nên tự trách mình.
Lê Chân (theo CNN)

Bình luận(0)