Một số nguồn tin ngoại giao xin đề nghị giấu tên tiết lộ, Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Mỹ Obama sẽ có cuộc hồi đàm kéo dài 4 tiếng. Sau đó, họ sẽ tổ chức họp báo.
Theo đó, bà Merkel sẽ tiến hành hội đàm với ông Obama về mong muốn ngày càng cấp bách để tìm cách đối phó với sự can dự của Nga vào tình hình miền đông Ukraine.
Một chủ đề thảo luận khác cũng được hai nhà lãnh đạo đề cập trong chương trình nghị sự lần này đó là vụ bê bối nghe lén điện thoại của bà do Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) thực hiện.
Bên cạnh đó, nữ Thủ tướng Đức cũng có bài phát biểu tại Phòng Thương mại Mỹ và gặp gỡ Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde để bàn về chương trình viện trợ cho Ukraine.
Thủ tướng Đức Merkel: cầu nối liên lạc trực tiếp với Tổng thống Putin
Chuyến công du của bà Merkel tới Mỹ lần này nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận trong bối cảnh phương Tây dường như “không còn cách đối phó khả quan nào” đối với khủng hoảng đang tiếp diễn ở Ukraine.
Đại sứ Đức tại Mỹ ông Peter Wittig cho biết, mối quan hệ giữa Đức-Mỹ tại thời điểm này đang ở “ngã tư khó khăn” khi bị bao phủ bởi một số vấn đề nổi cộm như: vụ nghe lén điện thoại của NSA, những bất đồng trong đàm phán thoả thuận thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TTIP) và thách thức mới từ Nga trong việc thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu.
|
Truyền thông Mỹ hi vọng, bà Merkel sẽ là cầu nối giúp họ thuyết phục ông Putin "nhường nhịn" trong vụ Ukraine.
|
Tuy nhiên, khi tới Washington, Thủ tướng Đức sẽ có ít nhất một lý do để cảm ơn Tổng thống Nga Putin. Cụ thể, sự leo thang trong cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ cho phép bà Merkel thể hiện tinh thần đoàn kết xuyên Đại Tây Dương khi mà quan hệ hai nước đang gặp trở ngại sâu sắc. “Có lẽ, khủng hoảng giữa Nga và phương Tây có thể có ích”, một cố vấn của bà Merkel cho biết.
Cựu cố vấn an ninh dưới trướng của Phó Tổng thống Joe Biden, bà Julianne Smith cho biết, trong suốt chuyến công du của lãnh đạo Đức, Tổng thống Obama có thể cảnh báo cho công chúng Đức về sự nguy hiểm của việc ngừng hay cô lập về mặt chính trị đối với Nga. Có thể, theo bà Julianne, đây sẽ là dịp để ông Obama tán dương bà Merkel là “một nhà lãnh đạo ấn tượng” hay “một người bạn thân thiết” như ông thường làm.
Trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng Ukraine, những phát biểu kiểu trên dường như khá chân thật. Rất nhiều người ở Washington coi bà Merkel là “cầu nối liên lạc trực tiếp” với ông Putin. Do vậy, đây sẽ là cơ hội để Mỹ tiến thêm một bước trong việc tiếp cận hay thuyết phục Tổng thống Putin “hồi tâm chuyển ý” về vấn đề Ukraine. Lấy quan hệ Đức-Mỹ làm cốt lõi, bà Merkel được coi là Thủ tướng Đức quyền lực nhất tới thăm Washington. Quan điểm trên được ông Robert Kimmitt – cựu đại sứ Mỹ tại Đức dưới thời Tổng thống Bush cha – nêu ra.
Kỳ vọng thấp để nhận các câu trả lời về hoạt động nghe lén của NSA
Nhiều chuyên gia phân tích nhìn nhận, chuyến công du lần này của bà Merkel sẽ khó lòng giúp Đức nhận được những câu trả lời thoả đáng về hoạt động nghe lén của NSA. Còn nhớ, vào hồi giữa tháng 1 năm nay, Tổng thống Obama đã cố gắng xoa dịu cơn giận dữ từ Berlin khi quyết định áp đặt một số giới hạn đối với các cơ quan tình báo Mỹ. Tuy nhiên, ông Obama đã làm điều này mà không đưa ra bất cứ câu hỏi cơ bản nào về cách thức mà các cơ quan tình báo Mỹ thu thập dữ liệu của các cá nhân, lãnh đạo trên thế giới.
|
Nếu Washington không có những giải thích thoả đáng về vụ nghe lén điện thoại của bà Merkel, vấn đề này sẽ là gánh nặng lâu dài đối với Mỹ trong quan hệ với Đức.
|
Annette Heuser – người đứng đầu văn phòng ở Washington cho tổ chức cố vấn phi lợi nhuận cho các tập đoàn đa phương tiện Đức mang tên Bertelsmann – cho hay, việc nghe lén điện thoại của bà Merkel của NSA không chỉ “đánh mất lòng tin” mà còn ảnh hưởng tới quan hệ hai nước.
“Chính quyền ông Obama có lẽ chưa nhận ra vấn đề rằng, nếu họ không làm sáng tỏ vấn đề trên, đó sẽ là gánh nặng lâu dài cho mối quan hệ với Đức. Để chứng minh cho sự thống nhất xuyên Thái Bình Dương, bà Merkel sẽ đòi hỏi từ ông Obama những cam kết cụ thể về các giới hạn trong hoạt động gián điệp của NSA trên lãnh thổ Đức”, bà Annette nói.