Đối phó với TQ hiếu chiến: Mỹ lập liên minh “Châu Á-Thái Bình Dương“?

Google News

(Kiến Thức) - Sự hiếu chiến của Trung Quốc khiến các chuyên gia cho rằng có thể một “NATO châu Á” sẽ được thành lập nhằm đối đầu với Bắc Kinh.

Trong cuốn sách có tựa đề “Bi kịch của các cường quốc chính trị”, tác giả John Mearsheimer viết: “Có những bằng chứng ngày càng rõ nét rằng những quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản và Nga cũng như các nước nhỏ hơn như Singapore, Hàn Quốc và một quốc gia Đông Nam Á khác đang ngày càng lo ngại về thế lực của Trung Quốc và đang tìm cách kiềm chế nước này. Sớm hay muộn, các nước này cũng sẽ tham gia vào một liên minh do Mỹ đứng đầu nhằm cản trở sự trỗi dậy của Trung Quốc, cũng giống như trước đây trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và sau đó là Trung Quốc đã liên minh với Mỹ để kiềm chế Liên Xô”.
Châu Á có sẵn sàng cho một tổ chức giống NATO?
Phần lớn các nhà phân tích hiện nay cho rằng châu Á chưa đủ “độ chín” để hình thành một khối kiểu NATO nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Chuyên gia Stewart Patrick của Hội đồng quan hệ ngoại giao (Mỹ) cho rằng: “Bất chấp chiến lược “tái cân bằng” ở châu Á, Mỹ có ít khả năng trở thành người đỡ đầu cho một tổ chức quốc phòng tập thể ở châu Á – Thái Bình Dương. Có ít nhất 3 lí do: các đối tác trong khu vực chưa đủ đoàn kết, nỗi lo sợ làm “mếch lòng” Trung Quốc và những lợi thế từ các thỏa thuận an ninh song phương và tự phát”.
Tuy nhiên, trên tờ Diplomat, tác giả Zachary Keck cho rằng “NATO châu Á” vẫn có thể được hình thành.
Sự hung hăng của Trung Quốc đẩy các nước láng giềng đến gần nhau hơn. 
Thứ nhất, trước đây các quốc gia châu Âu cũng thiếu sự tin tưởng và đoàn kết giống như các nước châu Á hiện nay. Nhật Bản và Hàn Quốc không tin tưởng nhau bao nhiêu thì vào thời kì đầu Chiến tranh lạnh, Pháp cũng thiếu tin tưởng Đức, Anh và Mỹ bấy nhiêu. Trên thực tế, trong những thập kỷ trước đó Đức đã 2 lần xâm lược Pháp và Paris lo sợ về mối đe dọa an ninh từ Tây Đức nhiều hơn từ Liên Xô. Đó là lí do tại sao Pháp phản đối kịch liệt việc cho Tây Đức xây dựng lực lượng vũ trang và khi không thể ngăn chặn điều đó, Pháp chế tạo vũ khí hạt nhân.
Ngoài ra, Pháp cũng rất không tin tưởng Anh và Mỹ vì cho rằng nếu Pháp bị tấn công, hai quốc gia này cũng sẽ không có hành động gì trợ giúp.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Anh và Mỹ cũng như mối đe dọa ngày càng lớn từ Liên Xô, các quốc gia châu Âu dần tin tưởng nhau hơn và liên kết để đối phó với Liên Xô.
Tất nhiên lúc này mối đe dọa từ Trung Quốc chưa lớn như mối đe dọa từ Liên Xô nhưng theo thời gian nếu Bắc Kinh ngày càng hung hăng hơn, các quốc gia láng giềng của nước này sẽ đoàn kết hơn.
Một cản trở khác đối với sự thành lập của “NATO châu Á” là những lợi ích từ các thỏa thuận an ninh song phương và tự phát. Theo chuyên gia Patrick, “Mỹ đang ngày càng đi theo hướng xây dựng các liên minh có tính linh hoạt, được tập hợp tạm thời để tạo cơ chế giải quyết các vấn đề an ninh khu vực cũng như toàn cầu”.
Điều này lại cần được xem xét dưới góc độ lịch sử. Sau Chiến tranh thế giới II, Mỹ nhanh chóng rút các lực lượng ra khỏi châu Âu và phản đối dữ dội việc tham gia vào một tổ chức an ninh như NATO. Do đó, ban đầu Mỹ cũng theo đuổi các thỏa thuận an ninh song phương và tự phát.
Mỹ thúc giục các quốc gia Tây Âu xây dựng một tổ chức an ninh tập thể mà không có sự tham gia của Washington với hi vọng Tây Âu tự đối phó được sự phát triển ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản và Liên Xô mà không cần sự trợ giúp của Mỹ.
Chỉ tới khi Liên Xô ngày càng lớn mạnh, Mỹ mới miễn cưỡng đồng ý thành lập NATO.
Như vậy, việc Mỹ dựa vào các thỏa thuận an ninh tự phát là điều có cơ sở. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa nước này sẽ không bị lôi kéo vào một tổ chức an ninh khu vực châu Á Thái Bình Dương nếu mối đe dọa từ Trung Quốc ngày càng lớn mạnh.
Vấn đề cuối cùng cản trở các quốc gia châu Á thành lập một tổ chức như NATO là các nước này lo sợ “chọc giận” Trung Quốc. Không giống như châu Âu thời kỳ sau Chiến tranh thế giới II, Trung Quốc có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với gần như tất cả các nước láng giềng. Hiện các nước láng giềng Trung Quốc lệ thuộc về kinh tế vào nước này nhiều hơn sự lệ thuộc của Bắc Kinh vào các quốc gia đó.
Tuy nhiên, sự lệ thuộc vào kinh tế có thể chưa đủ lớn khiến các quốc gia láng giềng Trung Quốc từ bỏ ý tưởng hình thành một tổ chức an ninh tập thể. Thông thường khi các lợi ích kinh tế và an ninh của một quốc gia mâu thuẫn nhau, vấn đề an ninh sẽ được ưu tiên hơn nếu mối đe dọa từ bên ngoài là rất lớn.
Mỹ manh nha hình thành liên minh?
Trong những bước đi mới nhất, Mỹ cho thấy nước này đang manh nha thành lập tổ chức an ninh ở châu Á – Thái Bình Dương.
Theo một nguồn tin từ chính phủ Philippines, liên minh này sẽ gồm Philippines, Australia và Nhật Bản cùng một quốc gia Đông Nam Á khác. Một số tờ báo của Philippines còn cho hay Washington cũng muốn Singapore và Thái Lan tham gia liên minh này và khuyến khích Malaysia trở thành một đối tác chiến lược.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và các nhà lãnh đạo ASEAN. 
Đô đốc Samuel Locklear III, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Quân đội Mỹ, đã từng phát biểu trong một diễn đàn an ninh tổ chức ở Philippines rằng để bảo vệ an ninh hòa bình cho châu Á – Thái Bình Dương, “cần phải có một dạng tổ chức an ninh nào đó”.
Đô đốc Locklear nói về tổ chức an ninh mới này trong một cuộc họp kín với các quan chức Philippines và các chuyên gia an ninh của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Ông mô tả cái gọi là “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc là “rất mập mờ” và kêu gọi duy trì hiện trạng trên Biển Đông. Ông Locklear cho rằng quan điểm “người thắng được tất cả chiến lợi phẩm”, ám chỉ tới Trung Quốc, sẽ không thể tồn tại trong khu vực.
Đồng minh của Mỹ ở Thái Bình Dương là Nhật cũng tỏ vẻ sốt sắng trong việc trợ giúp các nước ASEAN. Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 13, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố sẽ giúp đỡ các quốc gia Đông Nam Á “bảo vệ an ninh vùng trời và vùng biển", qua đó cho thấy Nhật Bản có kế hoạch trở thành đối trọng của Trung Quốc ở châu Á – Thái Bình Dương. Đương nhiên, Nhật sẽ không làm điều đó một mình.
Trong động thái trước đó, Nhật đã cử tàu vận tải Kunisaki vận chuyển 140 quân nhân Mỹ, Australia tới tham dự cuộc tập trận tìm kiếm và cứu nạn ở 3 nước: Việt Nam, Campuchia và Philippines.
Đây là lần đầu tiên tàu vận tải của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản tham gia các nhiệm vụ như chuyên chở hơn 100 binh sĩ Mỹ và Australia.
"Cuộc diễn tập sẽ cho thấy sự đoàn kết của Nhật, Mỹ, Australia và các nước Đông Nam Á", tờ báo Nhật Yomiuri Shimbun bình luận.
Tùng Lâm

Bình luận(0)