Chuyên gia Mỹ hé lộ khả năng Mỹ - Trung hợp tác

Google News

(Kiến Thức) - Những đặc điểm về địa lý, kinh tế và năng lượng của Mỹ và Trung Quốc đều ủng hộ 2 quốc gia hợp tác đôi bên cùng có lợi.

Theo bài viết đăng trên tờ Diplomat của nhà nghiên cứu Andrew Follett tại Đại học George Mason, bức tranh thế giới trong thế kỷ 21 sẽ ra sao tùy thuộc lớn vào mối quan hệ giữa siêu cường Mỹ và cường quốc mới nổi Trung Quốc. Nếu hai nước rơi vào một cuộc Chiến tranh lạnh, trật tự thế giới sẽ bị đe dọa còn nếu 2 quốc gia hợp tác đôi bên cùng có lợi, điều đó sẽ đem lại sự thịnh vượng. Những đặc điểm về địa lý, kinh tế và năng lượng của Mỹ và Trung Quốc đều ủng hộ “các lợi ích cốt lõi” của 2 nước này.
Mỹ - Trung không thành kẻ thù nhờ vị trí địa lý tách biệt
Về mặt địa lý, Mỹ nằm trên lục địa Bắc Mỹ giàu tài nguyên. Miền tây nước Mỹ là nơi đất đai phì nhiêu và có các con sông thuộc hàng lớn nhất thế giới chảy qua, giúp vùng này phát triển nông sản với mức giá cạnh tranh. Các quốc gia láng giềng của Mỹ hoặc là có mối quan hệ thân thiện (Canada), hoặc là không đủ năng lực gây ra những đe dọa lớn đối với Mỹ (vùng Trung Mỹ và Caribe). Môi trường thân thiện giúp Mỹ có thể tập trung vào thể hiện sức mạnh và thống trị các tuyến đường giao thương toàn cầu. Do Trung Quốc nằm ở phía bên kia Thái Bình Dương, 2 quốc gia không là mối đe dọa trực tiếp gì đối với nhau.
Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đang kiểm soát Thái Bình Dương. 
Trung Quốc là quốc gia đông dân và có diện tích đất đai rộng lớn cùng đường bờ biển dài. Tuy nhiên, từ trước tới nay Trung Quốc chủ yếu hướng nội và không đầu tư hiện diện hải quân ở xa bờ biển nước này. Trung Quốc tiếp giáp với Nga ở phía bắc, với Nhật Bản ở phía đông nhiều quốc gia cứng rắn ở phía tây và các quốc gia mới nổi như Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam ở phía nam. Nói cách khác, Trung Quốc đang bị bao vây và những mối đe dọa lớn nhất đối với nước này đến từ các cường quốc láng giềng như Nga và Ấn Độ.
Do đó, Trung Quốc không thể đủ sức đối đầu với Mỹ do Bắc Kinh cần Washington ủng hộ hoặc giữ lập trường trung lập nếu có chiến tranh với Nga hoặc Ấn Độ. Nếu Trung Quốc có động thái gì xâm phạm lợi ích của Mỹ, Bắc Kinh sẽ bị các nước láng giềng tăng cường đối đầu do mất đi một đồng minh. Không chính phủ Trung Quốc nào ngu ngốc đến độ tự đẩy mình vào các cuộc chiến đến từ nhiều phía như vậy.
Vị trí địa lý của Trung Quốc và Mỹ cho thấy hai quốc gia không phải là mối đe dọa của nhau và khiến khả năng hai nước hợp tác sẽ tăng lên do Mỹ - Trung cùng là đối thủ của Nga.
Mỹ - Trung phụ thuộc chặt chẽ về kinh tế
Nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc ngày càng lệ thuộc vào nhau nhiều hơn và sự lệ thuộc về kinh tế sẽ dẫn tới quan hệ đồng minh về chiến lược. Mỹ đi theo mô hình kinh tế tự do và chu kỳ kinh doanh khắc nghiệt hơn các nền kinh tế được kế hoạch hóa. Nước Mỹ chấp nhận những thăng trầm từ mô hình kinh tế này bởi nước này quyết định đánh đổi sự ổn định kinh tế để có tăng trưởng về dài hạn. Trong thế kỷ qua, Mỹ đã thành công với mô hình này. Tăng trưởng kinh tế kết hợp với các lợi thế khác đưa Mỹ tới vị thế siêu cường. Nước Mỹ tận dụng các lợi thế của mình để duy trì một “trật tự thương mại” toàn cầu thông qua các tổ chức như Ngân hàng thế giới (World Bank), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Các tổ chức này giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho toàn thế giới và giúp bản thân nền kinh tế Mỹ gặt hái nhiều thành công.
Mỹ và Trung Quốc đi theo 2 mô hình kinh tế trái ngược nhưng vẫn phụ thuộc vào nhau.
Ngược lại, nền kinh tế Trung Quốc đi theo mô hình “tư bản chịu sự quản lý của nhà nước”. Nền kinh tế Trung Quốc dựa vào doanh thu từ xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ khiến nền kinh tế hai nước lệ thuộc nặng nề vào nhau. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số trong hai thập kỷ qua ở Trung Quốc sẽ sớm chấm dứt trong khi nước này chưa dịch chuyển nhiều sang nền kinh tế dựa vào tiêu thụ trong nước. Phân phối nguồn lực và thu nhập giữa các nhóm dân cư Trung Quốc vẫn chưa đạt được sự công bằng, dẫn tới mâu thuẫn trong nước tăng lên. Những vấn đề về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ dẫn tới các thách thức mới và Bắc Kinh sẽ không có thêm nhiều nguồn lực để giải quyết. Tăng trưởng kinh tế chậm lại đã dẫn tới mâu thuẫn chính trị trong nội bộ Trung Quốc và trong tương lai những mâu thuẫn này sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Vừa phải giải quyết vấn đề mâu thuẫn chính trị vừa phải chuyển đổi nền kinh tế, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ giảm sút năng lực “giễu võ giương oai” ở bên ngoài.
Về mặt kinh tế, Mỹ có thế mạnh ở các lĩnh vực như chế biến thực phẩm, giáo dục, công nghệ và các ngành sản xuất công nghiệp chính xác. Ngược lại, Trung Quốc có thế mạnh ở các ngành như công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ và lao động giá rẻ. Điều này lại là một yếu tố khác khiến nền kinh tế hai nước lệ thuộc vào nhau hơn.
Trung Quốc - khách hàng dầu mỏ tiềm năng của Mỹ
Cuối cùng, cả 2 nước sẽ xích lại gần nhau hơn do các lợi ích về năng lượng. Tâm điểm trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc là giành thêm các nguồn năng lượng mới, đặc biệt là dầu mỏ. Trong những thập kỷ tới, Trung Quốc sẽ tìm cách giảm lệ thuộc vào nhập khẩu năng lượng bằng cách xây dựng thêm các nhà máy thủy điện và nhiệt điện từ than đá. Mỹ có thể đáp ứng các nhu cầu trên của Trung Quốc và có thể sẽ xuất khẩu năng lượng, gồm dầu mỏ và khí tự nhiên hóa lỏng, sang Trung Quốc. Khi đó sự lệ thuộc về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc lại càng tăng lên.
Mỹ đang có lợi thế về nguồn năng lượng, đặc biệt là dầu mỏ và khí tự nhiên, hơn so với Trung Quốc. Dầu mỏ là nguồn năng lượng không thể tái tạo và nguồn cung từ các quốc gia OPEC sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Trung Quốc. Hiện Mỹ đang sở hữu mỏ dầu chưa khai thác lớn nhất thế giới: vùng kiến tạo Green River có trữ lượng lên tới 3.000 tỷ thùng dầu chưa khai thác và gần một nửa số đó có thể phục hồi sau khi khai thác. Riêng vùng này có trữ lượng dầu lớn hơn tổng trữ lượng của tất cả các mỏ dầu khác còn lại trên thế giới.
Vùng kiến tạo Green River: mỏ dầu khổng lồ trong tương lai của Mỹ.
Khi nhu cầu của Trung Quốc tăng lên, có lẽ Bắc Kinh sẽ trở thành nhà nhập khẩu dầu lớn nhất của Mỹ. Không nguồn cung nào khác có thể đáp ứng đủ nhu cầu của Trung Quốc. các nguồn dầu từ Nga và Đông Âu có trữ lượng nhỏ hơn và vì các yếu tố chính trị khó được bán cho Trung Quốc hơn so với các nguồn dầu mỏ từ Mỹ. Nếu Mỹ dành một phần doanh thu từ nguồn năng lượng của nước này để đầu tư xây dựng lực lượng hải quân lớn hơn nhằm đảm bảo tuyến đường hàng hải xuyên Thái Bình Dương tới Trung Quốc, mối quan hệ kinh tế Mỹ - Trung là điều không thể đảo ngược.
Đầu tư nước ngoài đã được đổ vào “Trung Đông mới” là Mỹ và Canada bất chấp sự phản đối kịch liệt của chính quyền Obama. Một điều chắc chắn là trong tương lai Mỹ sẽ kiểm soát các thị trường khí tự nhiên và dầu mỏ. Mỹ đang khai thác khí tự nhiên và sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài, trong đó có Trung Quốc.
Trung Quốc nhập khoảng 56% lượng dầu mỏ của Mỹ và con số này sẽ tăng lên theo từng năm. Bắc Kinh có kế hoạch tăng kho dự trữ dầu mỏ của nước này bằng cách thu mua thêm từ nước khác và từ các mỏ dầu “an toàn” ở nước ngoài. Trung Quốc không có nguồn năng lượng nội địa nào khác khả dĩ trừ than đá, nguồn năng lượng gây nhiều tác hại về môi trường và sức khỏe. Trong khi đó, năng lượng tái tạo quá đắt đỏ và thủy điện không ổn định và dư luận nước này có quan điểm trái chiều về năng lượng hạt nhân.
Do tình trạng ô nhiễm, Trung Quốc tiếp tục phải dựa vào các nguồn năng lượng như dầu mỏ từ Mỹ. 
Vì các lý do kĩ thuật, các mỏ dầu chưa khai thác của Trung Quốc mặc dù khá lớn nhưng có chi phí khai thác cao. Ước tính mỗi thùng dầu khai thác ở Trung Quốc sẽ có giá 345 USD, cao gấp 3 lần so với một thùng dầu ở Mỹ. Nguồn dầu khí từ Mỹ có thể không giúp “giải cứu” kinh tế Trung Quốc nhưng chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng đối với “người khổng lồ châu Á này.
Do khoảng 60-70% sản lượng dầu nhập khẩu vào Trung Quốc bắt nguồn từ châu Phi hoặc Trung Đông, con đường vận chuyển rẻ nhất là bằng đường biển. Điều đó khiến Trung Quốc trở nên yếu thế hơn trong cuộc chiến về kinh tế với Ấn Độ. Án ngữ trước Ấn Độ Dương, Ấn Độ có thể cắt đứt đường vận chuyển dầu mỏ tới Trung Quốc nếu muốn. 
Với nguồn lực hải quân có hạn, Trung Quốc tiếp tục phải dựa vào Hải quân Mỹ để bảo vệ các tuyến đường hàng hải vận chuyển dầu khí. Cuộc tranh chấp về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông không thể làm thay đổi thực tế đó. 
Về lĩnh vực năng lượng, Mỹ chuyển dần thành nhà xuất khẩu năng lượng và nhiên liệu còn Trung Quốc sẽ trở thành khách hàng của Mỹ. Điều đó sẽ khiến hai nền kinh tế gắn bó với nhau chặt chẽ hơn.
Cả Trung Quốc và Mỹ đều hi vọng sẽ hợp tác đôi bên cùng có lợi để đạt được các mục tiêu an ninh và phát triển. Các đặc điểm về địa lý, kinh tế và năng lượng nêu trên sẽ đảm bảo rằng trong thế kỷ 21 này, hai quốc gia sẽ lệ thuộc qua lại với nhau.
Tùng Lâm

Bình luận(0)