Thủ tướng TQ có xua tan sự nghi kị của Ấn Độ?

Google News

(Kiến Thức) - Chọn Ấn Độ làm điểm đến của chuyến công du nước ngoài đầu tiên, Thủ tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường được cho là sẽ có một chuyến đi đầy chông gai nhưng hứa hẹn nhiều thành quả.

 Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đáp xuống sân bay New Delhi, Ấn Độ hôm qua.

Chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Lý Khắc Cường được cho là có vai trò vô cùng quan trọng vì nó đánh dấu chuyển thăm song phương cấp cao đầu tiên của thế hệ lãnh đạo Trung Quốc thứ 5 tới cường quốc Nam Á này. Ấn Độ đã dành cho ông Lý nghi thức đón tiếp ngoại giao cao nhất và coi đây là một “chuyến thăm cấp nhà nước”.

Dù một số thỏa thuận song phương chắc chắn sẽ được ký sau các cuộc hội đàm giữa ông Lý Khắc Cường và Thủ tướng Manmohan Singh, chuyến công du của Thủ tướng Trung Quốc còn được xem là một động thái thăm dò. Hai vị thủ tướng Ấn Độ và Trung Quốc sẽ có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ khi “vụ đối đầu lều bạt” Ladakh được giải quyết đầu tháng này.

Theo nhà phân tích chiến lực kiêm nhà báo Rajeev Sharma ở New Delhi, hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung tìm cách bổ sung thêm các điều khoản và giải quyết các vấn đề tranh chấp một cách hòa bình.

Tuy nhiên, theo nhà báo Sharma, Thủ tướng Lý Khắc Cường và Thủ tướng Manmohan Singh cũng sẽ không thể lãng quên quá khứ hơn nửa thế kỷ với cuộc chiến tranh biên giới Trung-Ấn. Đồng thời, hai nhà lãnh đạo cũng nhận thức rõ thực tế từ sau chiến tranh đến nay, quan hệ song phương Trung-Ấn vẫn luôn ở trong tình trạng hết sức nhạy cảm và mong manh, khi mỗi bên đều giữ quan điểm xem nhau như đối thủ.

Tuy nhiên, Ấn Độ và Trung Quốc chiếm 40% dân số thế giới, có rất nhiều lợi ích để chia sẻ và có thể trở thành đòn bẩy hỗ trợ nhau phát triển. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh từng nhấn mạnh: “Thế giới có đủ không gian để chứa tất cả các tham vọng của cả 2 nước”.

Về phía Trung Quốc, theo nhà phân tích Rajeev Sharma, “Đề xuất 5 điểm” mà Chủ tịch Tập Cận Bình đề xướng rất ý nghĩa để thúc đẩy quan hệ song phương Trung-Ấn.

Đề xuất 5 điểm của Chủ tịch Tập bao gồm: “Duy trì thông tin liên lạc chiến lược và các quan hệ song phương lành mạnh; Thúc đẩy và tận dụng các thế mạnh của mỗi bên và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực khác; Thắt chặt các quan hệ giao lưu, trao đổi văn hóa và tăng cường tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau; Mở rộng hợp tác và phối hợp trong các vấn đề đa phương để đảm bảo các lợi ích chính đáng của cả 2 nước và cùng nhau giải quyết các thách thức toàn cầu; Và cuối cùng, điều chỉnh các mối bận tâm cốt lõi của nhau và hòa giải các bất đồng song phương một cách hòa bình, thân thiện.

Hai bên đã chứng tỏ những nỗ lực để đạt được 4 đề xuất đầu tiên. Thực tế, Trung Quốc và Ấn Độ đã thực hiện đầy đủ và nghiêm túc đề xuất đầu tiên trong suốt cuộc đối đầu Ladakh kéo dài 20 ngày khi nỗ lực ngồi lại với nhau trong các cuộc thảo luận giữa các nhà ngoại giao cũng như giữa các chỉ huy quân đội địa phương.

Duy chỉ có đề xuất cuối cùng là có vẻ khó thực hiện. Giới quan sát Trung Quốc trong chính phủ Ấn Độ cảm thấy Bắc Kinh liên tục thay đổi các phương châm đối ngoại và “luật chơi” để phù hợp nhất với các lợi ích cốt lõi mà họ đặt ra. Cách đây hơn nửa thế kỷ, các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc gói trọn trong 2 chữ T, Tây Tạng và Đài Loan (Tibet, Taiwan). Hiện nay, Trung Quốc điền thêm Biển Đông vào danh sách các lợi ích cốt lõi của nước này.

New Delhi hiện cũng đang ngày càng bận tâm đến các vấn đề về sự hiện diện của quân đội Pakistan ở khu vực Karakoram và chính sách của Trung Quốc về việc cấp thị thực đóng ghim cho các công dân Kashmir thuộc sự quản lý của Ấn Độ trong khi lại cấp thị thực bình thường cho các cư dân Kashmir của Pakistan.

Sẽ có một tuyên bố chung được đưa ra sau các cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Lý và Thủ tướng Singh. Sẽ rất thú vị để chờ xem nội dung chính và giọng điệu của bản tuyên bố trên này.

TIN LIÊN QUAN

ĐANG ĐỌC NHIỀU

Bạch Dương

Bình luận(0)