Răn đe không mang lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên

Google News

(Kiến Thức) - Triều Tiên thường thổi bùng khủng hoảng thông qua “khẩu chiến” với những “kẻ thù không đội trời chung”, với lời lẽ ngày càng quyết liệt hơn, cực đoan hơn.

 Mỹ đưa máy bay ném bom chiến lược B-52 tham gia tập trận ở Hàn Quốc.

Triều Tiên là một quốc gia bí ẩn, khó đoán nhưng luôn kiên quyết và có những nguyên tắc “bất di bất dịch”. Điều đó được chứng minh rõ ràng trong cuộc khủng hoảng hạt nhân hiện tại trên bán đảo Triều Tiên.

Giới phân tích cũng như dư luận thế giới không còn xa lạ gì với những lời lẽ và hành vi khiêu khích, thổi bùng căng thẳng của Triều Tiên trong nhiều thập kỷ qua. Nhưng vào thời điểm này, họ thực sự khó dự đoán chính xác Bình Nhưỡng đang toan tính những gì. Song có một điều chắc chắn là răn đe rõ ràng không phải là “thượng sách” để loại bỏ các mối đe dọa thực sự: đó chính là tiềm lực tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.

Vụ thử hạt nhân lần 3 được cho là nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm khoe rằng Triều Tiên đã làm chủ được không chỉ công nghệ làm giàu uranium mà cả công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân cho tên lửa tầm xa, đồng nghĩa với việc Bình Nhưỡng có khả năng lắp đầu đạn hạt nhân vào tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Điều này chứng tỏ Bình Nhưỡng đã đạt được bước tiến vượt bậc trong chương trình hạt nhân mà họ quyết theo đuổi bằng mọi giá, mở đường cho việc xây dựng kỹ thuật, công nghệ hạt nhân khác (uranium) chứ không phải chỉ dựa vào plutonium.

Mới đây, Bình Nhưỡng tuyên bố khởi động lại lò phản ứng hạt nhân tại Yongbyon với mục đích sản xuất plutonium và tiếp tục làm giàu uranium ở cấp độ vũ khí. Những ngày này, cả thế giới thấp thỏm lo ngại về khả năng Triều Tiên phóng tên lửa mới có khả năng vươn tới Nhật Bản và thậm chí đảo Guam, nơi đặt các căn cứ quân sự Mỹ, ở Thái Bình Dương. Thậm chí, nhiều nguồn tin còn cảnh báo rằng  Bình Nhưỡng đang rục rịch chuẩn bị tiến hành thử hạt nhân lần 4.

Vì sao Triều Tiên quyết không từ bỏ chương trình hạt nhân?


Không giống như Iran có những tham vọng lớn và tầm nhìn cụ thể về kiến trúc địa chính trị trong khu vực, Triều Tiên chỉ có một mục tiêu quan trọng duy nhất: ngăn chặn bất cứ nước nào xâm phạm và đe dọa đến các lợi ích và chủ quyền của nước này. Các nhà lãnh đạo Triều Tiên đã chứng kiến kết cục bi thảm của các nhà lãnh đạo Saddam Hussein và Muammar Gaddafi. Họ đi đến kết luận rằng, chính sách khôn ngoan nhất là phải xây dựng và theo đuổi đến cùng chương trình tên lửa và hạt nhân.

Trong bối cảnh “khẩu chiến” ngày càng ác liệt , phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên từng nhấn mạnh lập trường đàm phán “bất di bất dịch” của Bình Nhưỡng là “không bao giờ bắt tay” bất cứ ai không chịu công nhận Triều Tiên là nhà nước hạt nhân.

Mỹ đã nhầm lẫn nghiệm trọng khi cho rằng, Bình Nhưỡng coi kho vũ khí hạt nhân như là món hàng để đem ra mặc cả, thương lượng để đổi lấy các “phần thưởng kinh tế”. Kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên được xem là “thanh gươm báu toàn năng có sức mạnh bảo vệ chủ quyền và an ninh của đất nước” và không bao giờ có thể đem ra trao đổi, nhất là khi mối đe dọa hạt nhân và chính sách thù địch của Mỹ vẫn còn đó.

Ngày 31/3, Bình Nhưỡng công bố một “đường lối chiến lược mới”do lãnh đạo trẻ Kim Jong-un chủ trì về “tiến hành xây dựng nền kinh tế đồng thời với phát triển các lực lượng vũ trang hạt nhân”. Đồng thời, Triều Tiên nhấn mạnh “các lực lượng vũ trang hạt nhân cần được tăng cường cả về chất lượng lẫn số lượng cho đến khi toàn bộ thế giới cùng đồng lòng thực hiện tiến trình phi hạt nhân hóa”.

Không một lối thoát?

Bất chấp những lời lẽ đe dọa hiếu chiến và đầy khiêu khích của Triều Tiên, nhiều nhà quan sát cho rằng một cuộc chiến tranh nữa sẽ không xảy ra trên bán đảo Triều Tiên với nhiều lý do đáng tin cậy. Tuy nhiên, chiến lược dọa dẫm truyền thông của Triều Tiên sẽ chỉ có hiệu quả với điều kiện Mỹ-Hàn một lần nữa lặp lại vết xe lịch sử, dùng chính sách nhượng bộ, thỏa hiệp để xoa dịu Bình Nhưỡng và hóa giải căng thẳng.

Tuy nhiên, xét theo tình hình hiện nay, có vẻ như những lời lẽ đe dọa của Triều Tiên đã thất bại, không còn làm Mỹ và Hàn Quốc e ngại. Washington và Seoul đều phản ứng quyết liệt và tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ bất cứ hành động khiêu khích nào của Bình Nhưỡng. Cuộc “khẩu chiến” này ẫn tiếp diễn và ai cũng dễ dàng nhận thấy, chỉ một lầm lỡ nhỏ của mỗi bên cũng đủ dẫn tới hậu quả khôn lường.

Rõ ràng, chỉ ngăn chặn và răn đe sẽ là không đủ đảm bảo hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Quyết định đình chỉ hoạt động của khu công nghiệp chung Kaesong – nguồn thu ngoại tệ dồi dào và quý giá của Triều Tiên chứng minh một điều rằng, Bình Nhưỡng không bao giờ vì kinh tế mà mang chương trình hạt nhân, tên lửa ra thương lượng. Tình thế hiện nay trên bán đảo Triều Tiên có vẻ lâm vào bế tắc.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát vẫn tin rằng, cuộc khủng hoảng hiện nay vẫn còn một lối thoát. Về ngắn hạn, nó phụ thuộc vào nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên song song với tái khởi động lại các cuộc đàm phán nhằm kìm hãm chương trình hạt nhân, tên lửa Triều Tiên.

Bình Nhưỡng từ lâu từng tuyên bố, họ muốn một hiệp ước hòa bình kết thúc chiến tranh liên Triều. Do đó, Mỹ và Hàn Quốc sẽ chẳng thua thiệt gi mà thậm chí còn có khả năng đạt được các lợi ích an ninh nếu thử thăm dò ý định thực sự của Triều Tiên trong tuyên bố đó, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi Triều Tiên tiến tới trở thành một nhà nước hạt nhân.

Vấn đề thứ hai nằm ở các bước đi chiến lược mà Mỹ dùng để trấn an các đồng minh của mình trước sự thức tỉnh của Trung Quốc. Những bước đi ấy bao gồm các cuộc tập trận chung có triển khai máy bay ném bom B-2 và B-52 hoặc các tàu sân bay tới Hàn Quốc; mở rộng các lá chắn tên lửa; giúp Hàn Quốc phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa... Sẽ là  hoàn toàn phi thực tế, khi Mỹ mong chờ và yêu cầu Bắc Kinh từ bỏ Bình Nhưỡng trong khi Washington lại nỗ lực lôi kéo và hỗ trợ hết mình cho các đồng minh của họ.

Vẫn kiên quyết theo đuổi chính sách “xoay trục” về châu Á, Washington cần tìm cách thuyết phục Bắc Kinh rằng, việc Mỹ tái cân bằng châu Á không hề nhằm mục đích kìm chế Trung Quốc.  Song song với tái cân bằng châu Á, Washington cũng nhất định phải tái cân bằng chính trị và ngoại giao với Trung Quốc đồng thời khuyến khích các đồng minh khu vực cùng thực hiện chiến lược trên.

Nỗ lực không ngừng để tăng cường quan hệ Trung-Mỹ có thể bao gồm các các cuộc đàm phán song phương về các vấn đề an ninh hiện nay. Để tỏ thiện chí, một trong những hành động mà Washington có thể làm đó là cân nhắc kỹ các thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan, tránh làm “mếch lòng” Bắc Kinh. Đổi lại, Trung Quốc cũng nên minh bạch trong các kế hoạch lẫn các chương trình quân sự đồng thời nỗ lực giảm căng thăng trên Biển Đông. Trung-Mỹ cũng nên cùng thảo luận để giải quyết và xử lý các vấn đề tranh cãi, bất đồng hiện nay liên quan đến lĩnh vực không gian mạng, vũ khí hạt nhân và vũ khí vũ trụ. Trong đó, cả 2 bên nên cam kết không tấn công mạng lẫn nhau, cấm tấn công hoặc can thiệp vào hoạt động vệ tinh của nhau.

Ngoại giao bền vững và tái cân bằng chính trị có thể khó thành công ngay lập tức. Nhưng không giống như các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc và ngăn chặn mạnh mẽ hơn, các biện pháp ngoại giao và tái cân bằng quân sự sẽ có khả năng đạt được hiệu quả  hơn. 

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Bạch Dương (theo nationalinterest.org)

Bình luận(0)