Theo các chuyên gia, có thể "xử" mọt bằng những cách thức đơn giản như dầu hỏa, cồn...
-
Thời tiết nóng, ẩm là thời điểm lý tưởng để mọt "tung hoành" trong các giá sách, tủ quần áo, bàn học, cánh cửa làm bằng gỗ, tre, nứa... Theo các chuyên gia, có thể "xử" mọt bằng những cách thức đơn giản như dầu hỏa, cồn...
Phổ biến đồ gỗ, tre, nứa bị mọt
Chỉ tay vào một lớp bột mỏng có màu vàng nhạt phủ trên bề mặt chiếc giá đựng sách, anh Nguyễn Trần Chung, nhà A4, khu tập thể Vĩnh Hồ, Hà Nội giải thích, khoảng một tháng trở lại đây, 2 chiếc giá để sách làm bằng tre và gỗ nhà anh cùng xuất hiện tượng này. Từ trong lớp gỗ, tre đùn ra lớp bột màu vàng nhạt, nhìn kỹ thì thấy dưới lớp bột mỏng này là những lỗ nhỏ li ti.
Chị Trần Thị Yến ở 36 Lương Thế Vinh, Thanh Xuân còn phàn nàn: Không chỉ gây hỏng đồ, mối mọt còn phát tiếng kêu khiến nhiều người trong nhà không ngủ được vào ban đêm.
KS Nguyễn Ngọc Anh, nguyên cán bộ điều tra quy hoạch rừng cho biết: Hiện tượng này là do mọt. Đối với nước nhiệt đới nóng ẩm như thế này thì với gỗ hay tre, nứa, mọt là kẻ thù không đội trời chung. Ví dụ, đối với gỗ tự nhiên, chặt 2 - 3 ngày mà chưa mang ra khỏi rừng là bị mọt xâm nhập ngay. Đối với những loại gỗ đã khô và ra thành phẩm, nhiều sản phẩm đã được ngâm tẩm hóa chất chống mối, mọt vẫn không thoát khỏi.
Ở nước ta, mọt hại gỗ, tre, nứa có đến cả chục loại. Có loại mọt hại gỗ tươi (gỗ mới chặt), loại mọt hại gỗ khô. Chúng có kích thước nhỏ khoảng 2 - 3mm. Đầu tiên chúng đục lỗ chui vào rồi ẩn mình trong đó sinh sống và đẻ trứng, trứng nở thành sâu non, sâu non tiếp tục đào hang ăn gỗ cho đến khi trưởng thành. Khi trưởng thành, vào mùa sinh sản (thời tiết nóng ẩm) mọt đục gỗ chui ra để lại trên mặt gỗ các lỗ nhỏ. Các mảng bụi màu vàng nhạt xuất hiện trên bề mặt gỗ một phần nhỏ là do thức ăn (gỗ) còn sót lại, phần còn lại chính là phân của mọt.
Điều đáng nói, ngoài việc làm hỏng đồ đạc, mọt còn gây cảm giác khó chịu cho con người bởi tiếng kêu của chúng. Đấy là chưa kể, phân và thức ăn mà chúng để lại trên "hiện trường" còn có thể gây độc cơ học cho đường hô hấp và cho mắt nếu chẳng may dính phải.
|
Các lỗ mọt đục trên ghế tre. |
Đơn giản với cồn, dầu hỏa, nước
Hiện nay, trên thị trường có bán một số loại hóa chất diệt mọt hại gỗ. Ưu điểm của thuốc hóa học là tiêu diệt nhanh, song có khả năng gây ảnh hưởng tới sức khoẻ của con người.
Ngoài ra, cũng có một số người cho rằng, có thể dùng một số loại thảo mộc hoặc vị thuốc bắc hoặc dùng hành tây thái lát mỏng rồi để vào chỗ bị mọt. GS.TS Bùi Công Hiển, Trung tâm Ứng dụng Côn trùng học cho biết, bản thân ông chưa áp dụng cách này song theo ông lát hành tây hay thảo mộc chỉ có tác dụng xua đuổi chứ không có tác dụng tiêu diệt.
Theo các chuyên gia, cách đơn giản nhất là dùng dầu hỏa. Tẩm dầu hỏa vào miếng vải sau đó "miết" lên những lỗ mà mọt đã đục khoét. Dầu hỏa sẽ thấm vào mọt khiến chúng chết vì không thể hô hấp được. Sau khi "miết" dầu hỏa nên phủ một lớp nilon lên bề mặt. Cách này vừa giúp tránh mùi dầu bay ra ngoài gây khó chịu, vừa giúp dầu thẩm thấu vào bên trong gỗ. Nếu gia đình có trẻ nhỏ thì có thể dùng cồn.
Một cách diệt mọt nữa là dùng nước. Đối với những chiếc giường mà nhiều người than phiền rằng không thể ngủ được vì mọt, có thể tháo các giát giường ngâm vào nước trong vòng 1 - 2 ngày, sau đó vớt lên. Đảm bảo sẽ có giấc ngủ ngon mà không lo mọt kêu.
Hiện nay, để chống mối mọt, người ta có tiến hành tẩm hóa chất diệt mọt, mối vào gỗ. Bằng mắt thường không thể biết được đâu là gỗ có ngâm hóa chất diệt mối. Tuy nhiên, không phải loại gỗ nào người ta cũng ngâm hóa chất diệt mối mọt. Những loại gỗ cứng như lim, gụ rất ít khi bị mọt xâm nhập. Những loại gỗ mềm như thông, tre hoặc gỗ có thành phẩm kém mới dễ bị mọt tấn công. |
Minh Châu
[links()]