Lược bí níu hồn xưa

Google News

(Kiến Thức) - Ngỡ tưởng chuyện lược chải chấy chỉ còn trong quá vãng, nhưng ở làng Vạc (Hải Dương) vẫn có những người níu lại chút hồn xưa từ “công nhỏ nhặt”…

Tôi không còn nhớ chính xác lần cuối cùng nhìn thấy chiếc lược bí chải chấy khi nào. Chỉ biết rằng, chiếc lược ấy đã gắn bó tuổi thơ tôi cùng biết bao thế hệ người Việt qua những tháng ngày gian khó và thiếu thốn. Ngỡ tưởng chuyện lược chải chấy chỉ còn trong quá vãng, nhưng ở làng Vạc, xã Thái Học, Bình Giang, Hải Dương vẫn có những người đang sống chết với nghề, níu lại chút hồn xưa từ “công nhỏ nhặt”…
Luoc bi niu hon xua
 Lược bí (lược chải chấy) làm nên thương hiệu lược làng Vạc.
Nghề từ thế kỷ XVII
Anh Nhữ Đình Thắng, cán bộ Văn phòng UBND xã Thái Học là hậu duệ đời thứ 17 của ông tổ làng nghề làm lược. Vậy nên, lịch sử làng nghề anh đã thuộc lòng từ những ngày còn chưa thạo việc bẻ nan, bởi các bậc cao niên trong dòng họ truyền đạt để hun đúc niềm tự hào của con cháu trong dòng tộc.
Theo đó, làng Vạc xưa có tên là Hoạch Trạch. “Hoạch” nghĩa là cái vạc còn “trạch” nghĩa là ơn huệ, Hoạch Trạch nghĩa là “ơn cái vạc thổi cơm”. Các cụ vẫn nhắc lại rằng, làng từng nấu cơm nuôi quân của vua bằng vạc nên từ đó mới có tên này. Về sau, người ta gọi tắt thành làng Vạc.
Theo sử sách địa phương và “Hoạch Trạch Nhữ tập phả”, do Tiến sĩ Nhữ Đình Toản (1701 – 1773) soạn vào giữa thế kỷ XVIII thì cụ Nhữ Đình Hiền, người làng Hoạch Trạch, đỗ Tiến sĩ khoa Canh Thân (1680), năm Đinh Sửu (1697) sung phó sứ đi cống nhà Thanh, được đưa vợ là bà Lý Thị Hiệu đi cùng. Sang Trung Quốc, hai cụ gặp làng có nghề làm lược tre xin học lấy nghề. Về nước, hai cụ đã hướng dẫn dân làng hành nghề. Dân làng tôn hai cụ làm thánh sư nghề lược và lập bàn thờ tại miếu làng, thờ cùng thành hoàng làng. Đền thờ họ Nhữ ở Thái Lạc Dinh xưa, đồng thời cũng là nơi thờ tổ nghề lược đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 1993.
Đầu thế kỷ XIX, nghề làm lược đã nổi tiếng và được đưa vào lịch sử của địa phương. Chẳng thế mà trong “Hải Dương phong vật khúc khảo thích” có ghi lại câu: “Lược Hoạch Trạch có công nhỏ nhặt, Hương Dương Điều ngào ngạt gió đưa”.
Luoc bi niu hon xua-Hinh-2
 Mỗi ngày, hộ anh Nhữ Đình Quân làm được chừng 60 - 70 chiếc lược.
Nghề không có… lệ
Anh Thắng cho hay, khác với nhiều nghề truyền thống, nghề làm lược ở làng Vạc không có lệ giữ nghề. Vậy nên, ai đến học nghề cũng được. Thế nhưng, anh Dương Văn Tú, 52 tuổi, một trong những thợ còn sống chết với nghề ở làng thì quả quyết: “Chỉ cần nhìn cái lược là biết được thợ có phải người làng hay không. Nhiều người ở nơi khác cũng đến đây học rồi làm nghề, cũng trải qua ngần ấy công đoạn nhưng cảm giác nó không mượt, không trơn như chính tay người làng Vạc làm ra. Có lẽ một phần vì người làng Vạc đã gửi gắm hết những tình cảm, sự trân trọng được bồi đắp bởi nết ăn nết làm, bởi những giá trị của làng nghề vào trong những sản phẩm của mình”.
Chẳng biết có phải anh “đôn” tay nghề của người làng lên quá không như một cách để tự hào, nhưng đúng là có được mục sở thị cách mà người thợ ở đây làm mới hiểu để cho ra một chiếc lược quả thật không dễ chút nào. Nếu không có sự kiên trì, nhẫn nại, thêm một chút khéo tay và cả tình yêu với nghề, tôi đồ rằng thật khó để người ta có thể cần mẫn và tỉ mẩn đến từng chi tiết như thế.
Theo anh Tú, nguyên liệu chính để làm lược là cây lành hanh (làm răng lược) và cây vầu (làm thanh nẹp) mua trên mạn Hòa Bình. Phải chọn những cây từ 3 năm tuổi trở lên bởi khi ấy cây đã đủ già. Cây được pha nan, phơi qua chừng 4 nắng cho ráo nước để dễ bề vận chuyển, khi màu chuyển sang xanh cốm sẽ được chở về xuôi, phơi thêm khoảng 10 nắng cho có màu da thị là được.
Nan được chẻ nhỏ, kéo cạnh rồi kéo dẹp cho đều, đưa nan vào bẻ thành răng lược, sau đó dùng chỉ ken cho các răng đều nhau. Tiếp theo là khâu sắp chốc (đặt hai hom bằng xương trâu ở hai đầu lược để cố định). Xong xuôi, người thợ sẽ gắn sơn (dùng cây sơn ta mua trên Phú Thọ) để cố định thanh nẹp, chờ 3 hôm cho sơn khô rồi nạo nhỏ hai đầu răng lược, đưa vào máy chặt cho đều răng. Công đoạn cuối cùng là đánh lược bằng giấy ráp rồi đánh qua một lượt trấu cho lược trơn nhẵn, bôi đen hai đầu lược, khắc chữ “Thiên hạ thái bình”, “Quân tử hảo cầu” vào thanh nẹp.
Nghe ra thì có vẻ chẳng khó khăn gì, bởi thế mới có câu “Lược Hoạch Trạch có công nhỏ nhặt”. Từ người già, trẻ nhỏ 6, 7 tuổi đều có thể tham gia. Vậy nhưng “chỉ cần một khâu không khéo thì chiếc lược ấy coi như hỏng. Quan trọng nhất là khâu làm nhẵn, đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm và thường là nam giới”, anh Tú cho hay.
Còn một chút này...
Trong trí nhớ của bà Nhữ Thị Thịnh, 80 tuổi thì nghề làm lược ở làng Vạc đã từng rất hưng thịnh. Đó là khi hòa bình lập lại, làng Vạc như một công trường thủ công với tiếng chặt, tiếng cưa, tiếng mài lược vang vọng khắp làng. Đặc biệt, từ sau ngày thống nhất đất nước, nghề giúp cho nhiều gia đình trong làng không những sống ổn hơn các làng lân cận mà còn xây được nhà, tậu được xe máy. Lược làng Vạc đi khắp trong Nam ngoài Bắc, sang cả Campuchia.
Chợ làng chuyên bán lược họp mỗi tháng 12 phiên vào các ngày 2, 4, 7, 9. Nếu khách ở xa muốn mua buôn phải đến từ chiều hôm trước, ngủ lại qua đêm ở làng để kịp phiên chợ sớm mai vì chợ họp rất nhanh, chỉ trong chừng 2 tiếng, khi ông mặt trời mới cao bằng cây sào thì vãn chợ. “Người ta phải họp sớm để còn về làm cho kịp những mẻ hàng tiếp theo”, bà Thịnh bảo.
Thế nhưng, thời hoàng kim ấy cũng dần lùi vào quá khứ. Thời thế đổi thay khi kinh tế phát triển, những lược nhựa, lược sừng ra đời, rồi thì dầu gội đầu đủ chủng loại... khiến cho những chiếc lược chải chấy cứ vắng bóng dần. Bấm đốt ngón tay, anh Nhữ Đình Thắng nhẩm tính chỉ còn chưa đầy chục hộ đang sống với nghề theo đúng nghĩa, con số này khác xa với thời kỳ 95% hộ theo nghề từ hai chục năm trước. Cũng phải thôi, bởi theo sự tính toán kinh tế của anh Nhữ Đình Quân thì mỗi ngày công của vợ chồng anh cũng chưa đầy 100.000. Ngày công thấp, thị trường bị thu hẹp đang đẩy người làng Vạc dần xa nghề của tiên tổ.
Bây giờ, khu chợ bán lược xưa đã được xây thành nhà truyền thống làng nghề lược. Tương lai, nghề lược làng Vạc sẽ chỉ còn nhắc đến trong căn nhà truyền thống với những vật dụng gắn với nghề. Thế nhưng, cứ nhìn cánh cổng nhà truyền thống đang khóa cửa im ỉm, hẳn những người nặng lòng với nghề làm lược ở làng Vạc sẽ vẫn còn chút để tự hào, rằng cái tương lai ấy vẫn còn tính bằng số năm theo hàng chục. Bởi những hộ như anh Tú, anh Quân đã xác định: “Sẽ làm nghề đến khi nào sức không kham nổi thì thôi, chứ không hy vọng con cháu nối nghề”. Trong các anh, người già nhất mới 52, còn người trẻ cũng chỉ vừa qua tuổi 40...

v Lược bí (lược chải chấy) làm nên thương hiệu lược làng Vạc.
v Mỗi ngày, hộ anh Nhữ Đình Quân làm được chừng 60 – 70 chiếc lược.
Làng Vạc làm các loại lược ấu, lược bí, lược Trung Quốc, lược bên thưa bên bí, lược trứng nhưng nổi tiếng hơn cả với lược bí (chuyên chải chấy). Vào những năm 80 của thế kỷ trước, làng có 95% hộ làm lược, mỗi tháng sản xuất 1 triệu chiếc. Hiện, làng chỉ có chừng 1/3 số hộ làm nghề, sản phẩm tiêu thụ tại Campuchia và miền Nam, miền Bắc ít người dùng.
Ông Vũ Đức Phong, Phó Chủ tịch UBND xã xác nhận: “Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện hỗ trợ người dân về mặt giấy tờ hành chính lo thủ tục thu mua nguyên liệu, đầu tư sản xuất được thuận lợi”.
An Nhiên

Bình luận(0)