Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã chính thức bị "khai tử" để chuyển sang mô hình hoạt động mới, mô hình tổng công ty với tên gọi là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (tên giao dịch quốc tế là Shipbuilding Industry Corporation, viết tắt là SBIC).
Trao đổi với Kiến Thức về việc Vinashin chuyển đổi thành tổng công ty, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương cho biết: Đây là một bước đi tích cực và đúng đắn trong quá trình tái cơ cấu lại các tập đoàn kinh tế nhà nước. Vinashin đã chấm dứt mô hình hoạt động tập đoàn không mang lại hiệu quả lâu nay. Tuy nhiên, việc Vinashin chuyển thành tổng công ty cũng là sự thừa nhận thất bại trong việc thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước.
Tiến sĩ Doanh cho biết, việc chuyển đổi Vinashin thành tổng công ty sẽ giải quyết được hai vấn đề, một là năng lực quản trị phù hợp với quá trình chuyển đổi, hai là việc chuyển đổi cũng tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất định trong tái cơ cấu nợ của Vinashin. SBIC sẽ phải gánh khoản nợ khổng lồ của Vinashin.
Tuy nhiên, tiến sĩ Doanh cũng cho rằng, việc chuyển Vinashin thành tổng công ty chỉ là một bước đi quá độ, bởi vì để cải tổ lại doanh nghiệp nhà nước và các tập đoàn thì đòi hỏi vấn đề lớn lớn hơn rất nhiều. Muốn SBIC phát triển tốt cần đặt bước đi đầu tiên là cơ cấu lại tài chính gắn với bộ máy nhân sự cũng như chiến lược phát triển mới. Từ đó, chuyển giao công nghệ kỹ năng quản lý phù hợp với chiến lược bộ máy nhân sự mới.
Cũng về vấn đề này, trả lời báo giới, tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, việc Vinashin trở thành tổng công ty là khép lại những đầu tư dàn trải của đơn vị này, tạo thành một doanh nghiệp nhà nước gọn gàng hơn về quy mô, chiến lược cũng như cơ cấu nhân sự.
Tiến sĩ Thiên cũng nhìn nhận rằng, mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước không thành công như mong đợi.
Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương, cũng nhìn nhận: Việc tái cơ cấu Vinashin cho thấy, nếu chiến lược tái cấu trúc mà không đúng, càng kéo dài thời gian thì càng gây khó khăn và tổn thất không cần thiết cho Nhà nước. Các cơ quan chức năng cần quyết liệt và khẩn trương hơn nữa trong việc này.
Theo Bộ Giao thông vận tải, SBIC kế thừa các quyền, nghĩa vụ pháp lý và lợi ích hợp pháp của Vinashin. Tổng cộng 234 doanh nghiệp trực thuộc Vinashin trước đây sẽ không nằm trong cơ cấu của SBIC hiện nay. SBIC sẽ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Trong đó, SBIC - công ty mẹ là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn điều lệ thuộc sở hữu Nhà nước. SBIC sẽ chỉ hoạt động trong các ngành chính, đó là: đóng, sửa chữa, thiết kế tàu và thiết bị nổi; tái chế và phá dỡ tàu cũ.
Về phần Vinashin, nợ của tập đoàn này đã được cơ cấu lại và chậm nhất đến cuối năm 2013 hoặc đầu quý một năm 2014 sẽ hoàn tất. Hiện tại, tổng số nợ của Vinashin khoảng 86.000 tỷ đồng (tương đương với hơn 4 tỷ USD). Tổng số nợ của Vinashin sẽ được phát hành trái phiếu trong nước đợt 1 xấp xỉ 12.000 tỷ đồng (bằng 30% khoản nợ) với lãi suất trái phiếu bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ. Riêng khoản nợ bắt buộc gần 200 triệu USD với các nhà đầu tư nước ngoài đã tái cơ cấu xong thông qua việc mua toàn bộ trái phiếu với giá trị dưới 30%.